Tăng trưởng vốn Quỹ HTND giúp tăng số lượng hội viên, nông dân được hưởng lợi
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai có hiệu quả công tác phát triển nguồn vốn Quỹ HTND.
|
Thông qua các dự án trồng rau an toàn được triển khai từ vốn vay của Quỹ HTND đã giúp đỡ cho nhiều lao động nông thôn ở xã Vân Nội có thêm việc làm, ổn định cuộc sống |
Bên cạnh việc kịp thời thẩm định và giải ngân nguồn vốn vay nhằm giúp hội viên, nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, các cấp Hội cũng quan tâm tới việc hướng dẫn liên kết các hộ nông dân thành lập các mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố đang quản lí đạt gần 717 tỷ đồng, tăng hơn 46 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (đạt 231% chỉ tiêu) và cũng là địa phương có nguồn vốn lớn nhất trong hệ thống Hội. Trong đó: Nguồn Trung ương Hội ủy thác 2 tỷ đồng; Quỹ cấp thành phố đang quản lí trên 597 tỷ đồng; nguồn Quỹ cấp huyện đạt 84,1 tỷ đồng; Quỹ do Hội ND cấp xã vận động được trên 33,229 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, Ban Điều hành Quỹ HTND thành phố đã tích cực chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ HTND các huyện, thị xã hướng dẫn xây dựng, thẩm định và phê duyệt các dự án sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các cấp Hội đã tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ và ra quyết định giải ngân tiền trên 300 tỷ đồng cho 9.159 lượt hộ vay vốn để triển khai thực hiện 555 dự án phát triển kinh tế. Hiện, mức vay bình quân khoảng 450 triệu đồng/dự án; 33 triệu đồng/hộ vay.
Trong đó: Có 265 dự án chăn nuôi (chiếm 39,7%); 224 dự án trồng trọt (chiếm 33,6%); cho vay kinh doanh dịch vụ (chiếm 18,1%); dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các dự án khác (chiếm 8,6%)…
Để tập trung nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân, năm 2022, các cấp Hội giải ngân 211,652 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND cho 4.793 hộ vay thực hiện 50 dự án xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể và 343 dự án xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp.
Công tác thu hồi và cho vay nguồn vốn được các cấp Hội triển khai đúng quy định và đảm bảo tiến độ hàng năm. Trong kỳ, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiến hành thu hồi 268,327 tỷ đồng nguồn vốn đến hạn của 13.440 hộ tham gia 735 dự án trước đó.
Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất liên kết, nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất kinh doanh, cùng ngành nghề sản xuất. Đồng thời, để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển biến tích cực cũng góp phần xây dựng và hình thành nên đội ngũ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thủ đô ngày một gia tăng.
Tại các địa phương trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất hiệu quả, cho mức thu nhập khá. Điển hình như: Chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì); trồng cam canh ở xã Kim An (huyện Thanh Oai); trồng ổi Đài Loan ở xã Di Trạch (huyện Hoài Đức); sản xuất rau an toàn ở các xã Đặng Xá, Văn Đức (huyện Gia Lâm); trồng rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn); tổ Hội nghề nghiệp “Đầu tư phát triển sản phẩm đồ gỗ” xã Vân Hà (huyện Đông Anh); “Phát triển đồ mộc dân dụng” tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng)…
Thông qua các dự án được triển khai thực hiện từ nguồn vốn Quỹ HTND, đã có hàng trăm hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, chất xám và cả nguồn lực để xây dựng, phát triển những mô hình nông nghiệp công nghệ cao có giá trị và đem lại nguồn thu nhập từ vài trăm triệu tới cả tỷ đồng. Từ đó, hội viên, nông dân thêm tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động do các cấp Hội phát động.
Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND đối với hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn, Hội ND huyện Đông Anh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để tăng trưởng tốt nguồn vốn. Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm thực tế cũng như thế mạnh của mỗi xã, Hội ND huyện đã hướng dẫn các cơ sở Hội lập dự án vay vốn Quỹ HTND nhằm bảo đảm tính khả thi, góp phần vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Hiện, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND trong toàn huyện đạt hơn 39,4 tỷ đồng với 1.726 hộ hội viên, nông dân vay vốn. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, Hội ND huyện giải ngân gần 19 tỷ đồng thực hiện 40 dự án cho 770 hộ vay. Nhìn chung, các nguồn vốn vay đều được hội viên, nông dân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tiêu biểu như các dự án: Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp tại xã Vân Hà; trồng rau an toàn ở xã Vân Nội; trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá...
Địa bàn xã Vân Hà vốn có nghề truyền thống chạm khắc gỗ mỹ nghệ từ nhiều năm nay. Để kịp thời hỗ trợ các hộ nông dân phát triển nghề mộc truyền thống, năm 2022, Quỹ HTND các cấp đã giải ngân 500 triệu đồng cho 10 hội viên, nông dân trong xã vay. Các hộ đều là thành viên của chi Hội ND nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp; trung bình mỗi hộ được vay từ 40- 50 triệu đồng để đầu tư mua thêm nguyên liệu gỗ mở rộng sản xuất và phát triển nghề mộc.
Đến nay, Hội ND xã Vân Hà đang quản lý gần 1,6 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND, đầu tư cho hơn 50 hộ hội viên, nông dân vay. Thông qua các dự án được triển khai, Hội ND xã đã thành lập được 4 tổ Hội và 1 chi Hội ND nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp trên địa bàn.
Ngoài việc hỗ trợ hội viên, nông dân về vốn, các cấp Hội trên địa bàn thành phố còn tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động liên kết 4 nhà, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân như: Mở các phiên giao dịch quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản hàng hóa; tổ chức các hội thi Nông dân với vệ sinh an toàn thực phẩm, rau an toàn. Ngoài ra, Hội còn tập trung đẩy mạnh việc đem các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất giúp hình thành nên nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung để nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.
Năm 2022, các cấp Hội đã phối hợp thực hiện 1.625 cuộc kiểm tra, trong đó có nội dung kiểm tra về các nguồn vốn vay tại cấp cơ sở. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời đánh giá, ghi nhận những kết quả đạt được trong hoạt động chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp Hội ở cơ sở; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, đề xuất và kiến nghị trong triển khai thực hiện các hoạt động công tác Hội.
Có thể thấy, Hội ND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; đồng thời, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia các phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp giúp mang lại năng suất và giá trị cao hơn. Năm 2022, các cấp Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và ra mắt được 45 chi Hội ND nghề nghiệp với 1.041 thành viên và 406 tổ Hội ND nghề nghiệp với 4.087 thành viên tham gia.