Vân Hồ: Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân thoát nghèo
14:47 - 28/10/2022
(Quỹ HTND) - Với mục tiêu giúp nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, với tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện đang quản lý trên 6,3 tỷ đồng cho hang ngàn hộ hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, trở thành mô hình điểm để các hội viên nông dân tới tham quan, học tập và áp dụng vào thực tế.
Các hộ hội viên vay vốn Quỹ đầu tư trồng mận mang lại hiệu quả kinh tế cao.




Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần trợ giúp nông dân huyện có thêm điều kiện đầu tư phát triển... Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện Vân Hồ đang quản lý trên 6,3 tỷ đồng. Trong đó 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho vay; 2,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh ủy thác cho vay, còn lại từ nguồn vận động của Hội Nông dân huyện và xã. 


Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội đã cho 10 hộ vay trồng và chăm sóc cây ăn quả; 120 hộ vay trồng trọt, chăn nuôi bò sinh sản… với tổng số 13 dự án, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.
 

Hằng năm, Hội Nông dân huyện Vân Hồ đã tham mưu cho Ban vận động xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện xây dựng kế hoạch về việc vận động xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa to lớn của việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện giúp nông dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn kịp thời chỉ đạo 14 cơ sở hội triển khai kế hoạch vận động nguồn Quỹ đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn xã. Đến nay, có 14 cơ sở hội chuyển về Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện quản lý, với số tiền gần 210 triệu đồng.


Nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, Hội Nông dân huyện đã tạo điều kiện cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia đình.


Bà Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Hồ, cho biết: Trên cơ sở kế hoạch triển khai dự án mới, thu hồi vốn dự án trong năm, Hội Nông dân huyện lập kế hoạch chọn điểm quay vòng, luân chuyển vốn hợp lý theo đúng hướng dẫn, quy trình quy định cho vay vốn. Lựa chọn mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, có khả năng nhân diện rộng; ưu tiên những mô hình gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm sạch, an toàn đáp ứng được yêu cầu của thị trường.


Theo bà Thân để Quỹ Hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả cao nhất, Hội Nông dân huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hội năm gắn giữa hoạt động rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn với kế hoạch giải ngân, đôn đốc kiểm tra. Các chu kỳ vay vốn được xây dựng đúng quy định, sát với thực tiễn yêu cầu sản xuất, phát huy hiệu quả tích cực, các dự án đến hạn đều không xảy ra nợ quá hạn, các hộ tham gia dự án đều xây dựng được nền tảng sản xuất, tiếp tục phát triển sản xuất theo mô hình dự án.


Mặc dù nguồn vốn chưa nhiều, mỗi hộ chỉ được vay trung bình từ 37 - 50 triệu đồng nhưng với mục tiêu hỗ trợ vốn giúp hộ hội viên nông dân đầu tư cho sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. 


Nhiều xã đã hình thành được các Tổ hợp tác, HTX, Tổ hội nông dân nghề nghiệp tạo thành sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như, cùng sử dụng một loại giống, thức ăn chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm… để góp phần giảm bớt chi phí sản xuất.


Một số mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng sang nhiều hộ dân khác, như: Mô hình trồng và chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc tại xã Chiềng Xuân, hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi trên 85 ha đất dốc từ trồng ngô 2 vụ sang trồng cây ăn quả như cam, nhãn, xoài thu lợi nhuận từ 150 triệu đồng/năm và ổn định, phát triển theo mô hình sản xuất theo HTX. Mô hình nuôi bò sinh sản gắn với hệ thống trồng cỏ ở xã Xuân Nha, Vân Hồ đã thay đổi tập quán nuôi thả sang nuôi nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; mô hình trồng cây măng tây, trồng cây gai xanh tại xã Liên Hòa…


Anh Vàng A Dê, bản Chiềng Đi I, xã Vân Hồ, chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La, tôi đã mua phân bón, dụng cụ lao động về chăm sóc 500 gốc mận. Vụ năm 2021, gia đình tôi thu được 7 tấn mận, với giá 7-10 nghìn đồng/kg, thu về gần 60 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã có cuộc sống khấm khá hơn so với trước đây.


Cũng như anh Dê, năm 2019, anh Sùng A Chìa, bản Chiềng Đi I, cũng được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Anh Chìa, bảo: Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp cho gia đình tôi có thêm điều kiện đầu tư phân bón, mua vật tư nông nghiệp trồng 400 gốc giống mận. Nhờ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. 


Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã và đang giúp nhiều hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Quỹ hỗ trợ nông dân đã trở thành “điểm tựa” giúp hội viên nông dân trên địa bàn mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Vân Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng