Nguồn vốn Quỹ HTND giúp gắn kết hội viên, nông dân trong sản xuất
(Quỹ HTND) – Những năm qua, nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh Vĩnh Long ngày càng trở thành một “kênh dẫn vốn” hiệu quả, thiết thực. Nhờ đó, đã có hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn được trợ giúp thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, vươn lên trở thành những hộ khá, giàu. Thông qua các dự án được triển khai còn vận động nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác liên kết sản xuất để xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp.
Công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND được xác định là một trong những tiêu chí quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội ND tỉnh nhiệm kỳ 2018- 2023 đề ra. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh và giao chỉ tiêu cho các đơn vị cấp huyện tham mưu với cấp ủy, UBND cùng cấp bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND.
|
Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi nhờ được đầu tư đúng hướng đã giúp bà con nông dân có mức thu nhập cao hơn so với trồng lúa, cuộc sống ngày càng khấm khá và ổn định |
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND luôn được các cấp Hội quan tâm, chỉ đạo và triển khai đồng bộ bằng nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả. Hội ND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa hoạt động Quỹ HTND đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên, nông dân trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận, đóng góp và ủng hộ giúp tăng trưởng nguồn vốn.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý đạt trên 23 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ủy thác của Trung ương Hội trên 9,9 tỷ đồng đã giải ngân cho 295 hộ hội viên, nông dân vay triển khai thực hiện 24 dự án; đối với nguồn Quỹ cấp tỉnh đang quản lý 12,700 tỷ đồng cũng đang cho 402 hộ vay thực hiện 34 dự án; nguồn vốn vận động của tỉnh đạt 600 triệu đồng đã giải ngân đầu tư để thực hiện 2 dự án với 30 hộ vay vốn.
Ngoài ra, có 8/8 Quỹ HTND cấp huyện, thị, thành phố đã được chính quyền địa phương cùng cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách. Theo đó, nguồn Quỹ HTND huyện được cấp hơn 2,9 tỷ đồng; nguồn cơ sở đạt hơn 2,7 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, để đảm bảo việc hướng dẫn bà con nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội tập trung định hướng và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác để sản xuất. Việc lựa chọn các mô hình, dự án được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, phù hợp theo định hướng phát triển của từng địa phương để đảm bảo tính khả thi và mang lại hiệu quả tích cực.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân tại 22 dự án phát triển sản xuất với tổng số vốn đầu tư 8,6 tỷ đồng cho 239 hộ hội viên, nông dân vay vốn. Tính đến nay, Hội ND tỉnh đang quản lý dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND khoảng 23,130 tỷ đồng với 678 hộ hội viên, nông dân vay để triển khai tại 60 dự án trên nhiều địa bàn trong tỉnh.
Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND đã giúp gắn kết được các hội viên, nông dân sản xuất cùng nhóm sản phẩm hình thành các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, Hợp tác xã gắn với xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp. Song song đó, tăng cường mối liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, giúp hội viên, nông dân từng bước ý thức được việc sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm để gia tăng năng suất và lợi nhuận.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hình thành và xây dựng được nhiều mô hình, dự án tại các địa phương trong tỉnh. Nhìn chung, hầu hết các mô hình đều triển khai đúng và đầy đủ các thủ tục, đảm bảo quy trình cho vay, xuất phát từ nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân cũng như yêu cầu của công tác Hội. Nhiều mô hình cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại các xã Thanh Đức, Đồng Phú ở huyện Long Hồ; nuôi bò sinh sản ở xã Thiện Mỹ- huyện Trà Ôn...
Đáng chú ý, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều gương nông dân làm ăn giỏi, sử dụng nguồn vốn hiệu quả giúp thoát nghèo. Điển hình như các hộ: Ông Lâm Văn Mười, ông Huỳnh Văn Bé Tư (ở xã Trường An- thành phố Vĩnh Long); ông Nguyễn Kha Minh (ở ấp Thành Nghĩa, xã Thành Lợi- huyện Bình Tân); các hộ ông Văn Tiến Dũng, ông Văn Thế Hùng, bà Nguyễn Thị Nguyệt (ở xã Tân Hội- thành phố Vĩnh Long); ông Nguyễn Tấn Phong, ông Mai Thanh Tùng, ông Trần Minh Nghĩa, ông Nguyễn Văn Tâm (xã Tân Quới Trung- huyện Vũng Liêm); ông Nguyễn Văn Vũ (thị trấn Vũng Liêm- huyện Vũng Liêm)...
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh ngày càng cho thấy đang là một trong những “kênh” trợ vốn giúp đỡ hội viên, nông dân vô cùng thiết thực và hiệu quả. Mặt khác, còn tạo điều kiện để các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập hợp hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đối với mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; góp phần nâng cao đời sống của hội viên, nông dân cũng như ngày càng nâng cao vị thế và vai trò của tổ chức Hội trên địa bàn.
Tại địa bàn huyện Long Hồ, những năm gần đây mô hình nuôi lợn tộc (là một giống lợn nhỏ, được lai giữa lợn rừng và lợn nhà) đang được các hộ dân của xã An Bình mạnh dạn đầu tư nguồn lực để nhân rộng.
Riêng ở ấp An Thạnh (xã An Bình) đang có 12 hộ nông dân triển khai nuôi giống lợn này với tổng đàn vật nuôi khoảng 350 con. Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình, các hộ dân đã cùng liên kết lại và thành lập tổ Hội nghề nghiệp nuôi lợn tộc do ông Lê Minh Hùng làm Tổ trưởng. Việc thành lập tổ Hội nghề nghiệp còn tạo điều kiện cho các thành viên tham gia cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin thị trường và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…
Được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ HTND Trung ương với số tiền 300 triệu đồng, Hội ND tỉnh đã giải ngân giúp cho tổ Hội nghề nghiệp gia tăng nguồn vốn để tiếp tục tăng đàn, từng bước hình thành tổ hợp tác, Hợp tác xã. Hiện nay, mô hình đang cho thấy tính hiệu quả rõ nét, được các cấp Hội triển khai nhân rộng ra nhiều địa bàn trong xã An Bình.
Từ năm 2021, Hội ND huyện Vũng Liêm đã nhận được nguồn vốn ủy thác 4 tỷ đồng từ Trung ương Hội và Quỹ HTND tỉnh. Có thêm nguồn lực, Hội ND huyện đã hướng dẫn và xây dựng 20 dự án, tập trung chủ yếu vào các mô hình như: Chăn nuôi dê, bò sinh sản và trồng bưởi… nhằm phát huy tốt lợi thế sẵn có của địa phương.
Bắt kịp xu thế mới trong sản xuất cần gia tăng tính liên kết, các dự án khi triển khai đều hướng tới việc thành lập mô hình tổ Hội ND nghề nghiệp. Hội ND huyện còn hướng dẫn thành lập chi Hội ND nghề nghiệp trồng sầu riêng tại xã Thanh Bình với 24 hộ nông dân tham gia.
Được hỗ trợ về vốn, lại được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kĩ thuật, các hộ hội viên, nông dân trong chi Hội ND nghề nghiệp duy trì việc sinh hoạt thường xuyên, cùng nhau chia sẻ kiến thức, bàn bạc những giải pháp, kỹ thuật sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nông sản.
Hội ND huyện Trà Ôn cũng luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, coi đây là nguồn lực thiết thực để giúp xây dựng các mô hình kinh tế, tạo điều kiện cho các hộ gia đình hội viên, nông dân nghèo đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Những năm qua, Hội ND huyện đã tăng cường việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình kinh tế đạt hiệu quả.
Với gần 4,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã hỗ trợ giải ngân cho hơn 200 hội viên, nông dân trong huyện vay để tham gia thực hiện 15 dự án nuôi bò sinh sản. Đáng chú ý, nhờ công tác tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ HTND đã góp phần không nhỏ tạo ra một môi trường tín dụng lành mạnh ở địa bàn nông thôn, giúp không ít hội viên, nông dân trong huyện có điều kiện phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Địa bàn tại 2 ấp Vĩnh Thạnh và Vĩnh Thuận (xã Thuận Thới) là một trong những mô hình triển khai các hoạt động hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND. Thông qua các dự án nuôi bò sinh sản không những giúp hội viên, nông dân có vốn đầu tư trong chăn nuôi mà còn giúp gia tăng tính liên kết trong sản xuất, thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học kĩ thuật.
Theo đó, với số vốn vay 400 triệu đồng được giải ngân từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác, 19 hộ hội viên, nông dân có đủ điều kiện về nguồn lao động, thức ăn và có nhu cầu nuôi bò sinh sản được xét tham gia thực hiện dự án nuôi bò sinh sản.
Có vốn, các hộ nông dân đã mua 19 con bò giống về chăm sóc. Đến nay, đàn bò đang phát triển tốt, các hộ nông dân tham gia dự án đã có thêm 27 bê con từ số bò giống ban đầu. Sau khi trừ hết mọi chi phí, ước tính mỗi hội viên, nông dân có lợi nhuận trung bình từ 25- 30 triệu đồng.
Trên cơ sở các dự án được triển khai, Hội ND xã Thuận Thới còn thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất về nuôi bò. Bên cạnh đó, bầu ra ban quản lí giúp hoạt động điều hành ngày càng đi vào nề nếp. Mặt khác, Hội ND xã phối hợp cùng ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn kĩ thuật nhằm trang bị kiến thức cho hội viên, nông dân; định kì hàng tháng, hàng quí tiến hành kiểm tra các hộ hội viên trong tổ hợp tác sản xuất để hướng dẫn việc chăm sóc đàn bò cho tốt, vận động hội viên thu quỹ, thu phí hoàn trả đúng thời hạn...
Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn vay, các cấp Hội cũng tích cực, chủ động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, dạy nghề cho hội viên, nông dân. Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn về nghiệp vụ Quỹ HTND cho 106 cán bộ quản lý Quỹ; phối hợp với ngành chức năng liên quan tổ chức 118 tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho 1.682 hộ hội viên, nông dân để giúp phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn vay.
Đồng thời, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp với Ban Thường vụ Hội ND cấp huyện tiến hành việc kiểm tra, giám sát các dự án đã giải ngân sau 30 ngày. Ngoài ra, còn tổ chức các đoàn đi kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với nguồn vốn ủy thác của Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn vay do địa phương vận động được.
Trong năm, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra hoạt động Quỹ HTND tại 200 đơn vị tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tiến hành kiểm tra 30 ngày sau khi giải ngân đối với 100% hộ vay vốn thực hiện các dự án do Quỹ HTND quản lý. Bên cạnh đó, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra, giám sát về hoạt động của Quỹ HTND tại 177 cơ sở Hội. Hội ND cấp xã tổ chức 213 cuộc kiểm tra tại 433 hộ hội viên, nông dân vay vốn.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh còn kiểm tra đột xuất các dự án vay vốn Quỹ HTND tại một số đơn vị Hội cấp cơ sở. Cụ thể như: Hội ND xã Phú Thịnh (huyện Tam Bình); Hội ND xã Thuận Thới (huyện Trà Ôn); Hội ND các xã Hòa Phú và Đồng Phú (huyện Long Hồ); Hội ND phường 8 (thành phố Vĩnh Long)...
Có thể thấy, thông qua việc hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn Quỹ HTND để đầu tư phát triển sản xuất, các cấp Hội trong tỉnh không những góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu tại các địa phương mà còn dần dần thay đổi tập quán từ phương thức nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết mang lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời, thu hút, tập hợp ngày càng đông lực lượng hội viên, nông dân tham gia thông qua những mô hình kinh tế hợp tác cùng lợi ích, cùng trách nhiệm; qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội tại các địa phương.