Tạo đà giúp hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới
16:10 - 12/09/2022
(Quỹ HTND) – Những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong các hoạt động và phong trào của Hội ND các cấp. Có thể thấy, tại nhiều địa phương trong cả nước, nhờ sự trợ lực từ Quỹ HTND đã tạo đà giúp cho hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả.

 
Nguồn vốn Quỹ HTND đã từng bước nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân. Đồng thời, góp phần thiết thực trong việc làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, Quỹ HTND các cấp đã trở thành kênh tín dụng thiết thực giúp hàng triệu lượt hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đểnâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

 

Nhờ vốn vay từ Quỹ HTND đã tạo đà giúp cho hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả

 
Để tập trung phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn vốn như: Tăng cường công tác tuyên truyền; vận động xã hội hóa; tranh thủ tối đa nguồn vốn vận động, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân… Theo đó, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã đạt được những kết quả tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, được các cấp ủy và chính quyền địa phương ghi nhận và ủng hộ.
 

Nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, thời gian qua Hội ND huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã chỉ đạo các cấp Hội tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên vận động đến các tầng lớp Nhân dân hiểu về ý nghĩa, mục đích của Quỹ HTND để nhằm vận động tăng trưởng Quỹ.

 
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong huyện đang quản lý 4,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác hơn 1,3 tỷ đồng; nguồn của Quỹ HTND cấp tỉnh quản lý hơn 2,3 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách cấp cho Quỹ HTND huyện 500 triệu đồng.

 
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đang triển khai thực hiện 10 dự án sản xuất, kinh doanh, với 96 hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn. Để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiến hành khảo sát địa bàn để lựa chọn mô hình. Đồng thời, tổ chức họp chi Hội để bình xét hộ vay công khai, đảm bảo hoạt động cho vay vốn được triển khai đúng đối tượng, điều kiện vay, thời hạn và mức vay...

 
Bên cạnh công tác giải ngân cho vay nguồn vốn, các cấp Hội cũng thường xuyên chủ động phối hợp ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất mới. Qua đó, giúp hội viên, nông dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao kiến thức, đem áp dụng vào sản xuất để biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cũng như cách thức phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi.


Các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, đi tham quan ở những mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giúp bà con nông dân có cơ hội được trực tiếp học hỏi và chia sẻ cách thức làm ăn với nhau. Qua các năm, nguồn vốn Quỹ HTND luôn đảm bảo tính công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức Hội.

 
Để đáp ứng nhu cầu vay vốn trong tình hình mới, Quỹ HTND các cấp trong huyện đã tích cực đổi mới căn bản về phương thức hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân thuận lợi khi được xét giải ngân. Theo đó, thay vì cho vay với qui mô hộ nhỏ lẻ như trước đây thì Quỹ HTND hiện đang triển khai cho vay theo mô hình dự án. Mỗi dự án sẽ có từ 4 - 13 hộ dân tham gia theo tiêu chí “5 cùng” nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể; mức vay cụ thể từ 200- 650 triệu đồng/dự án và từ 30- 50 triệu đồng/hộ vay.

 
Đáng chú ý, để tận dụng và phát huy tốt những lợi thế sẵn có của địa phương, các cấp Hội còn xây dựng và hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất theo hướng liên kết để vừa giúp bà con nâng cao lợi nhuận vừa gia tăng tính bền vững. Đến nay, nhiều mô hình triển khai thực hiện tốt đã được các cấp Hội quan tâm, hướng dẫn trong việc thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp gắn với nguồn vốn vay Quỹ HTND.

 
Tiêu biểu như dự án nuôi bò thương phẩm được các cấp Hội hướng dẫn triển khai tại địa bàn xã Minh Lập trong thời gian qua đã và đang cho thấy đạt được những hiệu quả rõ nét. Thông qua dự án cũng giúp cho các hộ dân trên địa bàn phát huy tốt những lợi thế sẵn có của vùng, từ đó tập trung triển khai theo hướng đầu tư nguồn lực, liên kết và tổ chức chăn nuôi gia súc lớn theo quy mô trang trại.

 
Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã về việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội ND xã đã tổ chức các đoàn đưa hội viên, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi bò 3B. Từ đó, trong xã bắt đầu có vài hộ dân mạnh dạn đầu tư nguồn lực để phát triển loại hình chăn nuôi bò 3B. Ban đầu, các hộ dân mới chỉ hình thành những mô hình với quy mô nhỏ lẻ, tiến hành nuôi từ 2- 3 con bò/hộ.

 
Đến năm 2020, nhận thấy việc nuôi giống bò này đã mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao, Hội ND xã đã nghiên cứu và xây dựng mô hình để trình vay vốn từ nguồn Quỹ HTND. Theo đó, các cấp Hội đã tiến hành phê duyệt và giải ngân 800 triệu đồng từ nguồn vốn uỷ thác của Trung ương Hội NDVN cho 20 hộ dân trong xã tham gia mô hình chăn nuôi bò 3B. Được tiếp vốn, các hộ dân được tham gia vào mô hình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi và gia tăng số lượng đàn bò từ 2 con lên đến vài chục con/hộ.


Chỉ sau hơn một năm triển khai mô hình, toàn xã đã tăng trưởng và phát triển được đàn bò 3B lên thành 109 con bò (năm 2020 mới có 27 con bò). Qua đó, giúp cho nhiều hội viên, nông dân trong xã có nguồn thu nhập ổn định lên tới hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Đáng chú ý, nhờ việc triển khai mô hình còn góp phần thành lập được Tổ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ bò thương phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

 
Nhằm tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Hội ND huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã tập trung triển khai tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhờ đó, nguồn ngân sách huyện phê duyệt và cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ HTND có sự tăng trưởng đều qua các năm.

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND huyện đang quản lý đạt gần 4,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ủy thác từ Quỹ cấp Trung ương là 1,2 tỷ đồng; nguồn cấp tỉnh 1 tỷ đồng; cấp huyện gần 2,6 tỷ đồng.

 
Trong những năm gần đây, Hội ND huyện đã quan tâm chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển Quỹ HTND. Theo đó, các cấp Hội tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của Quỹ HTND giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất, chăn nuôi để gia tăng thu nhập.

 
Kết quả, Quỹ HTND các cấp trên địa bàn huyện tăng trưởng đều hàng năm từ 200- 300 triệu đồng. Nhiều đơn vị đã xây dựng được Quỹ HTND với số kinh phí lớn, điển hình như các xã: Hương Lạc, Tân Hưng, Quang Thịnh, An Hà... 

 
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đồng thời tiến hành phê duyệt và giải ngân cho 98 hộ hội viên, nông dân vay để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế giúp mang lại lợi nhuận rõ nét.
 

Hiện, mức bình quân giải ngân trong huyện từ 200- 250 triệu đồng/dự án. Qua đánh giá, 100% các hộ được vay vốn từ Quỹ HTND đều đạt hiệu quả, trên địa bàn không có trường hợp rủi ro, nợ đọng. Nhìn chung, nhiều mô hình dự án phát triển sản xuất nhờ đảm bảo tính phù hợp và phát huy được lợi thế của các địa phương nên đã mang lại sản lượng và giá trị cao.

 
Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho hội viên, nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, Hội ND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh liên kết; ưu tiên đối với các hình thức tổ hợp tác, Câu lạc bộ sản xuất, trang trại, chi Hội nghề nghiệp… Nhờ đó, hội viên, nông dân có thêm điều kiện được tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để đầu tư phát triển kinh tế.

 
Các mô hình, dự án được triển khai chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tiêu biểu như: Chăn nuôi; sản xuất lúa giống chất lượng cao; cải tạo vườn cây ăn quả phục vụ du lịch sinh thái; trồng hoa màu…
 

Trong những năm gần đây, ngoài việc đẩy mạnh các ngành nghề chăn nuôi gia cầm, thủy sản, trồng cây có múi… tại nhiều địa phương cũng đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới như: Trồng nấm ở các xã Tân Thanh, Tiên Lục; nuôi bò thương phẩm ở xã An Hà, thị trấn Vôi; nuôi ong mật ở xã Mỹ Hà... Bước đầu cho thấy cũng đã đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao.

 
Xã Đại Lâm có khoảng 165 ha diện tích mặt nước tập trung nuôi thủy sản; trong đó, có 40 ha đang được 20 gia đình hội viên, nông dân đầu tư khoa học công nghệ và tiến hành nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP giúp mang lại nguồn thu nhập cao. Trên địa bàn xã đã có 6 hộ gia đình đang nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, được Hội quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để đầu tư lắp đặt guồng đảo nước, hệ thống cho ăn tự động với mức vay 50 triệu đồng/hộ. 

 
Hộ gia đình anh Vũ Văn Trọng là một trong số các hộ dân được xét tham gia vay vốn Quỹ HTND trong xã. Cùng với số vốn tích lũy được của gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp hệ thống ao nuôi, lắp đặt hệ thống thiết bị nuôi thủy sản hiện đại.

 
Nhờ đó, ngay trong vụ đầu tiên nuôi cá thâm canh có áp dụng công nghệ cao đã giúp gia đình anh thu hoạch được 13 tấn cá các loại gồm: Rô phi đơn tính, trắm, chép lai… Ước tính trung bình lợi nhuận sau mỗi vụ thu hoạch và bán cá thương phẩm, sau khi đã trừ hết mọi chi phí đầu tư, gia đình anh Trọng còn thu lãi khoảng 150 triệu đồng/vụ.

 
Hay như hộ gia đình anh Lương Văn Tú ở thôn Chùa, xã Dương Đức được hỗ trợ xét vay gần 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND cấp huyện để phát triển mô hình sản xuất sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo cao cấp. Được tiếp thêm nguồn vốn, anh đã đầu tư mua sắm một số trang thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động sản xuất nấm của gia đình như: Máy hấp thanh trùng, tủ cấy vi sinh, nhà lạnh… 

 
Được nguồn vốn hỗ trợ, cộng thêm việc nắm chắc về những kỹ thuật nuôi, cấy mô nên sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình anh sinh trưởng tốt, hạn chế được các loại nấm bệnh. Hiện, bình quân mỗi tháng anh đang xuất bán ra thị trường khoảng 3 nghìn lọ đông trùng hạ thảo thành phẩm và hàng nghìn lọ nấm giống, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng. Mặt khác, các sản phẩm từ cơ sở sản xuất của gia đình anh Tú đều được khách hàng ưa chuộng nên rất thuận lợi trong tiêu thụ đầu ra ở cả thị trường trong và ngoài tỉnh.
 

Có thể thấy, thông qua các mô hình, dự án được triển khai nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng, tăng thêm thu nhập cho các nông hộ. Mặt khác, các mô hình, dự án khi triển khai còn giúp các cấp Hội xây dựng và hình thành nhiều mô hình liên kết, hợp tác sản xuất. Từ đó, góp phần tích cực trong việc  chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ diện tích nhỏ lẻ sang các mô hình liên kết có quy mô lớn ở các địa phương.

Quang Tú
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng