Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ngày càng đi vào chiều sâu
16:59 - 16/08/2022
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, Hội NDVN với mạng lưới cán bộ Hội rộng khắp từ Trung ương đến các cơ sở xã, phường và đến tận các chi, tổ Hội trên cả nước đã và đang góp phần tích cực trong việc chuyển tải nguồn vốn Quỹ HTND đến với hội viên, nông dân một cách hiệu quả, thiết thực.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng và hình thành hàng nghìn mô hình kinh tế liên kết, hợp tác, chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp, tổ hợp tác, Hợp tác xã... hoạt động hiệu quả. Mặt khác, nhiều hội viên, nông dân có thêm cơ hội để đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, vừa phát huy tốt thế mạnh của các địa phương, vừa giúp nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên trở thành những hộ khá, giàu.


Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành "kênh" dẫn vốn thiết thực giúp hội viên, nông dân chủ động tham gia các mô hình sản xuất liên kết để gia tăng lợi nhuận, vươn lên khá, giàu


Tại tỉnh Nam Định, những năm qua, nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn hiểu về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND. Trên cơ sở đó, Hội ND nhiều huyện, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sớm đưa vào kế hoạch ngay từ đầu năm và trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.

 
Nhờ có sự quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí của UBND các cấp, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND ngày càng lớn mạnh. Tính đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý là 30,325 tỷ đồng, được triển khai cho 1.335 lượt hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện các mô hình, dự án theo nhóm hộ tại các địa phương.

 
Cùng với đó, thực hiện Đề án số 01 của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh về việc "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019- 2023", các cấp Hội thường xuyên triển khai công tác vận động trong toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng và đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ HTND theo chỉ tiêu giao. Trên cơ sở đó, công tác này ngày càng thuận lợi và đạt kết quả cao, nguồn vốn Quỹ HTND đã có sự tăng trưởng rõ nét hàng năm.

 
Một số đơn vị Hội cấp huyện nhờ triển khai tốt công tác vận động, phát triển đã xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND ở mức đạt trên 01 tỷ đồng/đơn vị (gồm cả nguồn do cấp huyện và xã vận động được). Tiêu biểu như các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản.

 
Ngoài ra, có 1 đơn vị Hội cấp huyện đạt mức 500 triệu- 1 tỷ đồng và 3 đơn vị huyện đạt mức dưới 500 triệu đồng. Theo định kì, các cấp Hội trực tiếp tiến hành giải ngân cho hội viên, nông dân ngay khi có dự án.

 
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cùng Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh luôn bám sát các chủ trương, định hướng của tỉnh để kịp thời có chỉ đạo, định hướng việc đầu tư cho hội viên, nông dân vay vốn. Từ nguồn vốn Quỹ, đã có hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh được hỗ trợ về vốn, đầu tư trong phát triển sản xuất, kinh doanh; biết liên kết với nhau để cùng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị giúp tạo ra nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao.

 
Riêng trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp bổ sung từ nguồn ngân sách 2 tỷ đồng sang cho Quỹ HTND tỉnh hoạt động. Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã hướng dẫn Hội ND các huyện tổ chức lựa chọn, xây dựng các mô hình tiêu biểu để kịp thời giải ngân nguồn vốn.

 
Cụ thể, đã có 5 mô hình tại các địa phương được phê duyệt cho vay vốn Quỹ HTND với mức vay 400 triệu đồng/mô hình. Bao gồm các mô hình như: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Xuân Thành (huyện Xuân Trường); tổ Hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Kim Thái (huyện Vụ Bản); tổ hợp tác trồng cây dây thìa canh xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu); tổ hợp tác nuôi cá vược xã Giao An (huyện Giao Thủy).

 
Qua đánh giá, nhìn chung các hộ nông dân khi được xét vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Mặt khác, từ các mô hình, dự án được triển khai còn giúp tạo thêm việc làm cho khoảng 300 lao động tại chỗ có mức thu nhập ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương.

 
Đáng chú ý, từ các dự án vay vốn theo nhóm hộ, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng và thành lập được các mô hình Câu lạc bộ, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, có sự tác động tích cực, khuyến khích bà con nông dân tập trung sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch lại các vùng sản xuất, dần hình thành nên những thương hiệu của các sản phẩm đặc trưng tại mỗi địa phương.

 
Một số mô hình, dự án khi triển khai thực hiện đã cho thấy tính hiệu quả rõ nét và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giải quyết nhiều việc làm cho các lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Điển hình như: Tổ hợp tác nuôi cá lóc bông tại xã Nghĩa Lợi, tổ hợp tác nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc); phát triển nghề mộc tại các xã Xuân Phương (huyện Xuân Trường), Yên Ninh (huyện Ý Yên); tổ hợp tác trồng cây cảnh tại xã Điền Xá (huyện Nam Trực); tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại xã Bạch Long (huyện Giao Thủy)…

 
Thông qua các dự án, mô hình được triển khai đã giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động tại chỗ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên, nông dân; đồng thời, góp phần tích cực vào việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể ở địa bàn nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Hàng năm, mỗi chi Hội cũng đã triển khai việc giúp đỡ từ 1- 2 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong 3 năm (2019- 2021), các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn đã giúp đỡ về vốn, giống cây, con cho trên 3.000 hộ nghèo…

 
Năm 2021, Hội ND xã Kim Thái- huyện Vụ Bản đã thành lập mô hình tổ hợp tác "Chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản" với 16 thành viên tham gia. Để hỗ trợ các hộ dân nuôi cá, Hội ND xã đã hướng dẫn xây dựng và triển khai dự án "Nuôi cá nước ngọt".

 
Theo đó, 8 thành viên của tổ hợp tác đã được tiếp cận số vốn vay 400 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh, mỗi hộ được vay 50 triệu đồng trong thời gian 24 tháng. Đây là một trong số nhiều mô hình sản xuất của hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đang thực hiện được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả.
 

Theo thống kê, nguồn vốn Quỹ HTND huyện Vụ Bản hiện đang quản lí trên 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã được thẩm định và giải ngân thực hiện 24 dự án với 53 hộ hội viên, nông dân vay để phát triển sản xuất.

 
Hàng năm, các cấp Hội ND trong huyện đã chú trọng việc cho vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, Hợp tác xã, chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm. Hầu hết các dự án đang chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp…

 
Tính lũy kế trong 3 năm qua (2019- 2021), nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ 1.883 lượt hộ hội viên, nông dân vay với tổng số vốn 46,380 tỷ thông qua việc triển khai 361 dự án. Các dự án cho vay theo mô hình đối với các hộ phải cùng sản xuất một loại ngành nghề, tập trung vào các tổ hợp tác, Hợp tác xã, chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp.

 
Nhờ đó, các cấp Hội cũng đã thành lập mới 75 được tổ hợp tác, 5 Hợp tác xã, ra mắt 42 mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp. Đến nay, tính chung trong toàn tỉnh có tổng số mô hình tổ hợp tác, Hợp tác xã lên tới 146 mô hình với trên 2.500 thành viên tham gia; 74 chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp với 911 thành viên đang sinh hoạt.

 
Trong đó, có 83 tổ hợp tác, chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp, 2 Hợp tác xã đã được hỗ trợ giải ngân nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, bình quân mức vay 500 triệu đồng cho mỗi tổ hợp tác hoặc tổ Hội nghề nghiệp. Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động nông thôn.

 
Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Hà Nam luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân. Đồng thời, Quỹ HTND các cấp thường xuyên khai thác, nâng cao các nguồn vốn vay để kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh giúp nâng cao năng suất và giá trị lợi nhuận.

 
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đẩy mạnh việc chỉ đạo các cấp Hội giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND chuyển đổi sang phương thức mới là cho vay theo hình thức nhóm hộ liên kết. Trên cơ sở đó, giúp hội viên, nông dân hình thành nên các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao đời sống và thu nhập. 

 
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xây dựng Đề án“Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND” giai đoạn 2021- 2025 và được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc triển khai thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, cho ban hành các văn chỉ đạo, hướng dẫn và tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác, quản lý nguồn Quỹ HTND các cấp từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc xây dựng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quan lí gần 32,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ủy thác của Trung ương đạt 13,6 tỷ đồng, nguồn Quỹ cấp tỉnh quản lí 1,1 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện 6,87 tỷ đồng và nguồn Quỹ cấp cơ sở vận động được trên 10,9 tỷ đồng.

 
Từ nguồn vốn trên, Quỹ HTND đã giải ngân xong 13,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho 360 hộ hội viên, nông dân vay phát triển 34 dự án sản xuất, kinh doanh. Cụ thể: Tỷ lệ các dự án đầu tư cho mô hình trồng trọt chiếm 6,1%; chăn nuôi (bò, lợn, gà...) chiếm 63,6%; nuôi thủy sản là 12,1%; dịch vụ, ngành nghề (sản xuất đồ gỗ dân dụng, bánh đa…) chiếm 18,2%.
 

Nhìn chung, công tác cho vay vốn được các cấp Hội thực hiện theo đúng quy định. Mỗi dự án, mô hình đều được triển khai thực hiện với nhóm từ 10- 30 hộ hội viên, nông dân trên cùng địa bàn. Sau khi kết thúc dự án, các cấp Hội lại tiếp tục thực hiện việc luân chuyển nguồn vốn đến các nhóm hộ khác được vay, giúp cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh được kịp thời trợ lực để vươn lên trong cuộc sống.
 

Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã có những tác động tích cực trong việc phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, giúp các cấp Hội tập hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia vào mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cùng phát triển.
 

 

Năm 2021, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ, xây dựng mới 33 mô hình kinh tế tập thể với 750 thành viên tham gia. Trong đó: Có 5 tổ Hội nghề nghiệp; 9 chi Hội nghề nghiệp; 16 Tổ hợp tác, 03 Hợp tác xã.

Nhiều dự án sau khi triển khai tại các địa phương đã xây dựng được các mô hình Tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh, giúp cho các hộ tham gia dự án cùng nhau phát triển sản xuất hiệu quả. Mặt khác, còn góp phần chuyển đổi nhận thức của các hộ tham gia dự án từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ trước đây sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh giúp tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

 
Điển hình có các mô hình tổ hợp tác như: Chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu (huyện Bình Lục); chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân); phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân); chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa (huyện Kim Bảng)...

  
Bằng hình thức cho vay vốn sản xuất thông qua các dự án, kết hợp với xây dựng các mô hình theo đối tượng cây, con, Quỹ HTND các cấp đã giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân trong tỉnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế và đạt lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình, dự án còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng và thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

 
Tại địa bàn huyện Kim Bảng, nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã góp phần tích cực trong việc hướng dẫn thành lập Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng xã Nhật Tân với 10 thành viên tham gia sinh hoạt.

 
Cùng với việc được tạo điều kiện tốt về nguồn vốn, các thành viên trong Tổ cũng đã hỗ trợ nhau rất nhiều trong việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thống nhất về nơi nhập nguyên liệu đầu vào cho đến giá bán, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Nhờ đó, hoạt động sản xuất của các hộ dân ngày càng ổn định, góp phần duy trì và phát triển được nghề mộc truyền thống ở địa phương.

 
Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Như Lâm ở xã Nhật Tân- là một trong số 10 thành viên của Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực về nguồn lực đầu tư. Theo đó, được các cấp Hội tạo điều kiện giải ngân từ nguồn vốn Quỹ HTND cho vay 40 triệu đồng, anh Lâm đã đầu tư cải tiến máy móc nhằm phục vụ tốt hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình.

 
Hiện nay, doanh thu từ xưởng gỗ của gia đình anh bình quân đạt hơn 2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, anh còn đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại chỗ với mức lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

 
Có thể thấy, từ những hiệu quả tích cực đạt được trong quá trình hoạt động của Quỹ HTND các cấp đã giúp Hội ND các tỉnh, thành phố thuận lợi hơn trong công tác tập hợp hội viên, nông dân. Đồng thời, Hội đổi mới về phương thức sinh hoạt của các chi, tổ Hội, thu hút hội viên, nông dân thêm hào hứng, nhiệt tình tham gia các phong trào do Hội phát động. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội ở các địa phương, được các cấp ủy và chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

Duy Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng