Trà Vinh: Nguồn vốn Quỹ HTND giúp gia tăng tính liên kết trong sản xuất
15:14 - 18/07/2022
(Quỹ HTND) - Hiểu được vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, những năm qua, công tác xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND luôn được các cấp Hội quan tâm, chỉ đạo và triển khai đồng bộ bằng nhiều biện pháp linh hoạt, phù hợp. Có thể thấy, nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã trở thành một “kênh dẫn vốn” hiệu quả, giúp cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, vượt khó để vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các cấp Hội thường xuyên nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong tỉnh. Bên cạnh đó, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch và hàng năm trích từ ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp hoạt động.
 

Từ nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã trở thành một “kênh dẫn vốn” hiệu quả, giúp cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, vượt khó để vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi


Trên cơ sở thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, Quyết định số 516/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ Tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ và các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, nguồn ngân sách tỉnh đã cấp bổ sung vốn cho Quỹ HTND tỉnh 05 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, tổng số nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ HTND tỉnh đạt 12 tỷ đồng.

 
Cùng với đó, các huyện, thị, thành Hội cũng tích cực trong công tác xây dựng Quỹ HTND. Năm 2021, nguồn vốn tăng trưởng mới đạt 2,546 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách huyện đã cấp bổ sung 1,9 tỷ đồng; nguồn cấp huyện, xã vận động được 646,914 triệu đồng.

 
Cả 9/9 Hội ND huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND để chủ động trong việc triển khai hoạt động, đạt 100%. Đáng chú ý, một số huyện, thị xã, thành phố nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên việc phát triển nguồn vốn Quỹ HTND luôn đạt mức cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra.

 
Theo đó, đã có 7/9 đơn vị huyện, thị, thành phố xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND ở mức trên 01 tỷ đồng; có 1/9 huyện đạt trên 02 tỷ đồng. Đặc biệt, còn có 1/9 huyện đạt được mức trên 03 tỷ đồng vốn Quỹ HTND.
 

Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do các cấp Hội trong tỉnh quản lý đạt trên 39,580 tỷ đồng (tăng 7,626 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020). Cụ thể: Nguồn vốn do Trung ương ủy thác 9,45 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh cấp 12 tỷ đồng (tăng 05 tỷ đồng); ngân sách huyện cấp 12,4 tỷ đồng (tăng 1,9 tỷ đồng); nguồn vốn vận động được hơn 5,119 tỷ đồng…

 
Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội ND tỉnh luôn chú trọng việc quan tâm và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất để tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Quỹ HTND tỉnh cũng luôn đồng hành cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nhằm giúp cho nhiều lao động nông thôn có thêm việc làm, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

 
Hàng năm, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp triển khai cho vay 100% theo hình thức nhóm hộ, khuyến khích hội viên, nông dân tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất, kinh tế tập thể để gia tăng lợi nhuận cũng như tăng tính kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Hiện, kinh phí đầu tư cho vay triển khai dự án từ nguồn Trung ương thấp nhất ở mức 300 triệu đồng, cao nhất là 600 triệu đồng; nguồn của tỉnh từ 150 - 500 triệu đồng.

 
Trong năm 2021, các cấp Hội đã giải ngân 2,1 tỷ đồng từ nguồn vốn do Trung ương ủy thác đầu tư triển khai 05 dự án chăn nuôi cho 81 hộ hội viên, nông dân vay. Đối với nguồn Quỹ cấp tỉnh, đã đầu tư thực hiện xây dựng 13 dự án với 189 hộ vay 5,450 tỷ đồng (có 04 dự án trồng trọt, chiếm 30,7%; 09 dự án chăn nuôi, chiếm 69,2%). Từ nguồn Quỹ cấp huyện cũng đã đầu tư cho 43 dự án với 341 hộ được vay 6,998 tỷ đồng (có 16 dự án trồng trọt, chiếm 37,2%; 27 dự án chăn nuôi, chiếm 62,8%).

 
Có thể nói, Quỹ HTND đã kịp thời tiếp sức, chia sẻ những khó khăn nhằm giúp cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân từng bước phục hồi và đẩy mạnh phát triển sản xuất trên các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, mua bán nhỏ… Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi tại các địa phương cho thấy đã mang lại hiệu quả và giá trị về kinh tế, đồng thời giúp phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.

 
Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất hoa kiểng; chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, dê sinh sản, lợn, gà; sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; trồng màu an toàn; trồng cam sành; bưởi da xanh… Tại nhiều địa phương đã nổi lên những tấm gương nông dân tiêu biểu, các mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất giúp mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại các xã Hiệp Hòa, Mỹ Hòa (huyện Cầu Ngang); mô hình tổ hợp tác đi lên Hợp tác xã tại địa bàn xã Mỹ Hòa, xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang)...

 
Nhìn chung, đa số các hộ hội viên, nông dân khi tham gia thực hiện dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, hoàn trả vốn vay theo thời hạn đúng quy định. Một số mô hình, dự án được triển khai cho thấy đạt hiệu quả về kinh tế rõ rệt; đồng thời, khi được nhân rộng quy mô sản xuất giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Từ các dự án được thực hiện nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng, tăng thêm thu nhập cho các nông hộ. Các dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương; các hộ được thụ hưởng biết giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua của hội viên, nông dân ở cơ sở, nhất là phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi.

 
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã giúp nhiều hội viên, nông dân đã thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như hộ ông Thạch Nhân ở khóm 6, phường 8, thành phố Trà Vinh thành công với mô hình chăn nuôi gà Ai Cập. Được Hội ND phường tạo điều kiện xét cho vay 20 triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư mua 300 con gà Ai Cập về nuôi.

 
Nhờ việc chịu khó học hỏi, tích cực tìm hiểu về đặc tính và các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho giống gà siêu đẻ trứng (trung bình đạt 200 quả trứng/con mái) có nguồn gốc từ vùng Ai Cập này nên ông đã lựa chọn và xây dựng chuồng nuôi ở vị trí cao ráo, dễ thoát nước. Cho đến khi đàn gà nuôi được khoảng hơn 1 tháng tuổi, ông sẽ thả ra sân để gà tự do vận động và tìm kiếm thức ăn.

 
Đến nay, đàn gà của gia đình ông có trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 - 2 kg/con và bắt đầu chu kỳ đẻ trứng. Với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay khoảng 2.500 đồng/quả trứng thì gia đình ông sẽ có nguồn thu khá. Ngoài ra, ước tính mỗi con giống gà Ai Cập kể từ lúc nuôi còn nhỏ cho đến khi xuất bán chi phí chỉ tốn khoảng 70.000 đồng, tuy nhiên lại có giá bán khá cao (từ 100.000 - 120.000 đồng), lợi nhuận thu được từ giống gà này đang cao hơn so với một số loại gia cầm khác.

 
Hay như hộ anh Bùi Văn Hồng ở ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh nhờ nắm bắt kịp thời xu thế của thị trường nên đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng hoa lan kiểng. Được vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND thành phố, anh đã xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị là vườn bonsai, hoa lan trên diện tích 2.500 m2.

 
Hiện, gia đình anh đang tập trung chăm sóc trên 3.000 giò hoa lan kiểng với hơn 20 chủng loại khác nhau, từ lan rừng cho đến một số giống lan được nhập về từ Thái Lan. Để đảm bảo đủ nguồn sản phẩm đầu ra, chủ động cung cấp cho thị trường (nhất là phục vụ trong các dịp lễ, Tết), anh tập trung thực hiện mô hình theo hình thức cuốn chiếu.

 
Theo đó, từ khi nhập giống cây về, anh tiến hành ươm và chăm dưỡng từ 5- 6 tháng là có thể xuất bán. Với giá bán trên thị trường khoảng hơn 80.000 đồng/giò lan, bình quân gia đình anh có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn có thêm những nguồn thu khác từ việc bán các loại cây kiểng, bon sai…

 
Để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 3.205 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách thức làm ăn cho 165.214 lượt hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn và thành lập mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để liên kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, tư vấn về phương án sản xuất, hướng dẫn cách quản lý, sử dụng… giúp gắn kết và gia tăng giá trị kinh tế.

 
Hội ND huyện Châu Thành đã phê duyệt và hỗ trợ nguồn vốn vay 500 triệu đồng cho 20 hộ thành viên của Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản thuộc địa bàn các ấp Đa Hòa Bắc và Qui Nông A của xã Hòa Lợi kịp thời đầu tư xây dựng và phát triển mô hình nuôi bò sinh sản. Được tiếp thêm nguồn vốn, các thành viên trong Tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư mua 40 con bò cái để nuôi sinh sản (trung bình mỗi thành viên mua 02 con).

 
Sau 03 năm thực hiện mô hình, trung bình mỗi thành viên trong Tổ hợp tác đều đã có thêm từ 03- 04 con nghé, nâng tổng đàn bò sinh sản của Tổ hợp tác tăng lên thành 70 con. Đến nay, các thành viên tham gia mô hình đều có thu nhập ổn định, từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, lợi nhuận bình quân đạt từ 50- 80 triệu đồng/người.

 
Hộ ông Nguyễn Hữu Phú ở ấp Qui Nông A, xã Hòa Lợi là một trong số các thành viên của Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản. Được Hội ND xã tạo điều kiện hỗ trợ vay 25 triệu đồng, ông đã mua 02 con bò cái nuôi sinh sản. Hiện, đàn bò của gia đình ông phát triển thành 05 con; theo cách tính toán, mỗi năm lợi nhuận đạt khoảng 80 triệu đồng. 

 
Hầu hết các dự án do nguồn vốn Quỹ HTND các cấp quản lý đều được đầu tư triển khai tại những vùng tập trung đông dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận động bà con nông dân cùng đầu tư sản xuất hàng hóa, nuôi trồng một loại cây, con, phát triển cùng ngành nghề, lĩnh vực cho đến ứng dụng khoa học kỹ thuật… Từ cách làm này, các hộ dân biết chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho nhau; đồng thời, các thành viên trong vùng dự án còn biết phân công các công đoạn sản xuất theo mỗi nhóm hộ để có thể nhanh chóng hỗ trợ lẫn nhau, giúp giảm chi phí và nâng hiệu quả sản xuất.

 
Năm 2022, Quỹ HTND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quỹ HTND các cấp; phấn đấu 100% các dự án vay vốn Quỹ HTND được quản lý, phát huy hiệu quả. Qua đó, giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

 

Các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp hướng dẫn và xây dựng được 32 Hợp tác xã trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới.

 
Ngoài ra, các cơ sở Hội còn vận động 34 hộ khá, giàu cho 32 hộ nghèo mượn 10,6 ha đất sản xuất để giúp tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, vận động 391 hộ hội viên, nông dân đóng góp 299 triệu đồng để tạo nguồn vốn cho 38 hội viên, nông dân nghèo vay phát triển sản xuất. Đã thành lập mới 7 tổ hùn vốn xoay vòng với 136 hội viên, nông dân tham gia, nâng tổng số lên 216 tổ hùn vốn xoay vòng với 5.832 thành viên.

Hà Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng