Long An: Nguồn vốn Quỹ HTND thúc đẩy các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhờ đó, nguồn ngân sách phê duyệt và cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ HTND các cấp có sự tăng trưởng đều hàng năm.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo các cấp Hội chủ động, sáng tạo và áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong công tác tổ chức vận động, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND nhằm tạo điều kiện thuận lợi và trợ giúp hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy có nhiều mô hình đã và đang mang lại năng suất, sản lượng cùng giá trị cao.
|
Được hỗ trợ nguồn vốn vay kịp thời, nhiều hội viên, nông dân còn chăm chỉ học hỏi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao giúp mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế rõ nét |
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xác định rõ mục đích hoạt động của Quỹ HTND nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân trong tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, giúp tạo việc làm, đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp...
Đến nay, Quỹ HTND không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với thực tế tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tiềm năng, lợi thế, nhu cầu của hội viên, nông dân trong tỉnh. Hiện 15/15 Quỹ HTND cấp huyện hoạt động hiệu quả, triển khai tốt công tác tổ chức vận động, xây dựng nguồn vốn. Tiêu biểu như Hội ND huyện Thủ Thừa đã phát triển nguồn Quỹ HTND đạt 2.449 triệu đồng.
Một số đơn vị Hội cũng tích cực xây dựng, vận động được nguồn vốn ở mức cao, điển hình như các huyện: Bến Lức (1.803 triệu đồng); Đức Hòa (1.455 triệu đồng); Cần Đước (1.376 triệu đồng); Cần Giuộc (1.311 triệu đồng); Châu Thành (1.251 triệu đồng). Ngoài ra, có 185/185 xã, phường, thị trấn phát triển nguồn vốn Quỹ HTND và đã chuyển giao về cho Hội cấp trên quản lý.
Kết quả, hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý đạt trên 71 tỷ đồng, tăng 62 tỷ đồng so với thời điểm năm 2011. Trong đó có hơn 45 tỷ đồng do Hội ND tỉnh trực tiếp quản lý.
Theo ước tình, bình quân mỗi năm có khoảng 30 dự án đang được triển khai, xây dựng trên địa bàn tỉnh với gần 15 tỷ đồng nguồn vốn vay; qua đó hỗ trợ cho gần 500 lượt hội viên, nông dân đủ điều kiện vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Lũy kế trong kỳ đang có 98 mô hình kinh tế được triển khai thực hiện với gần 45 tỷ đồng giải ngân xong từ nguồn vốn vay Quỹ HTND các cấp.
Hàng năm, công tác hỗ trợ vốn cho nông dân luôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nguồn Quỹ HTND các cấp tăng trưởng hơn 20,8 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu của Trung ương giao. Đã giải ngân tại 361 dự án cho 1.528 lượt hộ hội viên, nông dân vay triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế hộ gia đình. |
Để triển khai hoạt động Quỹ HTND đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: Thông tin trong các cuộc sinh hoạt chi, tổ Hội hàng tháng, hàng quý; duy trì việc phát hành báo Hội; đăng các tin, bài về những mô hình kinh tế sử dụng nguồn vay Quỹ HTND hiệu quả trên Wesibte của Hội, trên Báo Long An, Báo Nông thôn ngày nay...
Cùng với đó, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung chủ yếu như: Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; mục đích và ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND… nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy và chính quyền các địa phương trong việc vận động, xây dựng phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Mặt khác, thông qua các hình thức tuyên truyền và qua những đợt kiểm tra định kỳ, tỉnh Hội cũng đã vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Hiện nguồn vốn Quỹ các cấp đã góp phần xây dựng thành công một số mô hình công nghệ cao tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Trồng lúa ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng trạm bơm điện, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh (thực hiện tại các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thanh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh); trồng rau ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng nhà màng, hệ thống tưới tự động (triển khai ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, thành phố Tân An); nuôi bò thịt sinh sản ứng dụng công nghệ cao (thực hiện ở các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ) sử dụng con giống đạt chuẩn được nhân rộng trên địa bàn…
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã lựa chọn và xây dựng 13 mô hình điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quyết định của UBND tỉnh vào năm 2019 với kinh phí trên 2,9 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công nghệ tiên tiến đã được hội viên, nông dân tích cực triển khai ứng dụng trong sản xuất và nhân rộng, tiêu biểu như: Hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt; nhà lưới, nhà kính; giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các loại máy móc cơ giới hóa (máy phun phân đeo vai, máy phun thuốc tự hành, máy cấy, máy thu hoạch và cuộn rơm); các loại phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học...
Các cấp Hội trong tỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã... thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, tổng kết, đánh giá mô hình, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, OCOP...
Đã có nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác được hình thành thông qua nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Điển hình như mô hình nuôi tôm ở xã Phước Vĩnh Đông- huyện Cần Giuộc. Nguồn vốn Quỹ HTND giải ngân 860 triệu đồng hỗ trợ đầu tư và kịp thời giúp đỡ các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Hiện, bình quân thu nhập của mỗi hộ nuôi tôm trên địa bàn đã tăng từ 200- 300 triệu đồng/năm.
Dự án chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao được Hội ND huyện Đức Hòa triển khai xây dựng tại địa bàn xã Hòa Khánh Nam mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, từ 600 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND, 20 hộ hội viên, nông dân ở ấp Thuận Hòa 1 và Thuận Hòa 2 vay để triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao đã đạt kết quả rõ nét. Đến nay, tổng đàn bò đã xuất chuồng được 180 con, sau khi trừ mọi chi phí, bình quân mỗi hộ tham gia dự án thu nhập đạt từ 60- 70 triệu đồng.
Mô hình Tổ hợp tác trồng rau ứng dụng công nghệ cao của xã Phước Lâm- huyện Cần Giuộc được thành lập từ năm 2017 với diện tích canh tác 3,5 ha. Từ nguồn vốn 500 triệu đồng của Quỹ HTND đã giải ngân cho 10 hộ nông dân vay để triển khai thực hiện. Đến nay, mô hình đang duy trì và phát triển tốt, bình quân mỗi thành viên trong Tổ hợp tác có thu nhập đạt từ 40- 45 triệu đồng/năm.
Hay như mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao của hộ gia đình ông Lâm Hữu Cuộc ở xã Trường Tây- huyện Hoà Thành trên diện tích 2 ha, được trồng khoảng 6 năm nay. Nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ cao cùng với việc sử dụng phương pháp hữu cơ sinh học trong sản xuất thay thế cho sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu độc hại đã đem lại nguồn doanh thu hàng tỷ đồng/năm cho gia đình ông.
Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn vốn vay cho hội viên, nông dân, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng ủy thác cho vay vốn đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách theo quy định.
Hiện, tổng dư nợ của ngân hàng CSXH thông qua kênh Hội ND đạt trên 1.232 tỷ đồng, với gần 37.000 lượt hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi thông qua 898 Tổ TK&VV do các cấp Hội quản lí.
Hàng năm, công tác củng cố chất lượng mô hình Tổ TK&VV được phối hợp thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp Hội đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; đồng thời, tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn để kịp thời có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.
Kết quả đánh giá, xếp loại Tổ TK&VV do Hội quản lý, có: 85,52% Tổ đạt tốt; 12,69% Tổ khá; 1,78% Tổ trung bình; không có Tổ yếu, kém. Hiện, 100% các Tổ TK&VV đều được ủy nhiệm thu tiền tiết kiệm và thu lãi.
Cùng với đó, để tiếp tục chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, các cấp Hội đã chủ động và tích cực kiện toàn các Ban chỉ đạo.
Đến nay, tổng dư nợ do ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh triển khai thông qua tổ chức Hội đạt 1.042 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 5.283 lượt hộ hội viên, nông dân vay thông qua 277 Tổ Vay vốn. Đáng chú ý, đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng 227 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP…
Mặt khác, hàng năm, 15/15 đơn vị Hội cấp huyện đã chủ động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ. Thông qua đó kịp thời triển khai, phổ biến các chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi hoặc các chính sách liên quan đến hoạt động ủy thác cho cán bộ Hội ở cơ sở, tổ trưởng các Tổ TK&VV và Tổ Vay vốn tại địa phương. Việc thành lập mô hình các Tổ TK&VV, Tổ Vay vốn đã tạo điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ Hội ở cơ sở; góp phần phát triển trên 7.000 hội viên mỗi năm.
Có thể thấy, thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND; tuyên truyền nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha lúa, 2.000 ha rau, 2.000 ha thanh long và 4.000 con bò thịt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đã thành lập mới 43 Hợp tác xã và 151 Tổ hợp tác trong vùng Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 3 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |