|
Được Quỹ HTND tiếp sức về vốn vay, bà con nông dân tích cực chuyển đổi sang giống chè mới, áp dụng khoa học kĩ thuật giúp mang lại hiệu quả rõ nét |
Hiểu được những khó khăn của hội viên, nông dân trên địa bàn khi thiếu hụt các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, Ban Thường vụ Hội ND thành phố Hải Phòng luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội tập trung thực hiện tốt các nội dung của Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND. Nhờ đó, qua các năm, nguồn vốn Quỹ HTND trong toàn thành phố có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vượt chỉ tiêu đặt ra.
Các nguồn vốn ủy thác được các cấp Hội phân bổ và quản lý tốt theo quy định. Trong đó, tập trung triển khai việc giải ngân vốn theo mô hình liên kết để giúp bà con nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn thành phố đang quản lí đạt 50,8 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ủy thác của Trung ương Hội 14,7 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND thành phố 21,3 tỷ đồng; nguồn cấp huyện, quận vận động được trên 14 tỷ đồng. 100% Hội ND các cấp trên địa bàn thành phố đều đã xây dựng và phát triển được nguồn Quỹ HTND.
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đang triển khai thực hiện 617 dự án với 1.865 lượt hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn vốn của Quỹ HTND các cấp đã có những tác động tích cực trong việc phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều địa phương. Qua đó, giúp các cấp Hội tập hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia vào mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cùng phát triển.
Nhìn chung, các dự án vay vốn từ Quỹ HTND đều đạt được cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Một số mô hình đang có mức thu nhập bình quân từ 70 – 100 triệu đồng/năm. |
Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án liên kết đã đạt hiệu quả cao nhờ biết tận dụng tốt lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương. Từ đó, góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tại một số địa phương đã xuất hiện và hình thành những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dần xây dựng được thương hiệu đặc thù cho các mặt hàng nông sản có chất lượng.
Tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế và đạt lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình, dự án còn giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng và thu nhập; đồng thời, giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động ở nông thôn.
Tiêu biểu như 2 Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn xã Lập Lễ- huyện Thủy Nguyên, gồm: Hợp tác xã Mắt Rồng, với 62 thành viên tham gia; Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Dân Lập, đang có 52 thành viên sinh hoạt. Hội ND xã Lập Lễ đã hướng dẫn xây dựng dự án “Nuôi cá trắm đen thương phẩm” và lập kế hoạch vay vốn từ nguồn Quỹ HTND thành phố để giúp hội viên, nông dân trong xã mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo ao nuôi giúp các hộ dân gia tăng thu nhập.
Sau khi được giải ngân nguồn vốn, các thành viên tham gia dự án đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản cá sạch Dân Lập để trao đổi kinh nghiệm, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín giúp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Tham gia vào Tổ hợp tác, các thành viên có ý thức tuân thủ việc thực hiện qui trình nuôi cá an toàn, hướng tới 100% sản phẩm của các hộ làm ra đạt tiêu chuẩn và từng bước hướng tới việc xây dựng thương hiệu “Cá sạch Dân Lập”.
Bên cạnh đó, Hội ND xã phối hợp với Trạm khuyến ngư huyện tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật mới cho các hộ tham gia dự án. Mặt khác, còn giúp các hộ vay vốn và Tổ hợp tác tiếp cận với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín để mua được con giống tốt, nguồn thức ăn và thuốc phòng bệnh đúng tiêu chuẩn, chất lượng.
Sau một thời gian triển khai, dự án đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động ở địa phương. Đồng thời, mỗi hộ vay vốn cũng đã thống nhất sẽ đóng góp ít nhất 50.000 đồng/năm để tiếp tục ủng hộ xây dựng nguồn Quỹ HTND; tổ chức giúp đỡ từ 2- 3 hộ nghèo về giống, vốn kỹ thuật; vận động 1- 2 hộ tham gia vào tổ chức Hội.
Để giúp nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm, các cấp Hội đã tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo từ khâu tuyên truyền, vận động đến tổ chức triển khai các hoạt động xây dựng các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong năm 2021, toàn thành phố đã thành lập và cho ra mắt mới 50 Tổ hợp tác kinh tế, 9 chi Hội nghề nghiệp với 191 hội viên; 7 Hợp tác xã (theo luật Hợp tác xã năm 2012) với 105 thành viên tham gia.
Mặt khác, phương thức cho vay cũng được các cấp Hội quan tâm đổi mới. Theo đó, chuyển từ cho vay theo hộ đơn lẻ sang mô hình các tổ liên kết và dần chuyển đổi sang cho vay theo dự án gắn với việc xây dựng mô hình các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Hiện, quy mô đầu tư vốn cho một dự án cũng được nâng từ mức 300 triệu đồng lên thành 1,5 tỷ đồng.
Để giúp đỡ hội viên, nông dân có nguồn lực xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống một cách bền vững, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ HTND. Hàng năm, các cấp Hội đã đứng ra với vai trò vừa là cầu nối, vừa trực tiếp hỗ trợ các nguồn lực về vốn, giúp hội viên, nông dân trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, kịp thời vụ.
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lí đạt trên 43,7 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn do Trung ương Hội ủy thác gần 13,5 tỷ đồng; Quỹ cấp tỉnh quản lí hơn 21,3 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện, thành phố và thị xã đạt gần 9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã tiến hành giải ngân để triển khai thực hiện 106 dự án với hơn 1.000 hộ hội viên, nông dân vay.
Lũy kế đến nay, Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ nguồn vốn trên 70 tỷ đồng cho hơn 3.000 lượt hộ hội viên, nông dân trong tỉnh vay để triển khai thực hiện hàng ngàn mô hình, dự án phát triển kinh tế (bao gồm cả số hộ được xét vay mới và số luân chuyển quay vòng nguồn vốn vay...). Nguồn vốn đã kịp thời hỗ trợ các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay của hội viên, nông dân theo tình hình thực tế, các cấp Hội đã chuyển đổi phương thức từ cho vay từng hộ nhỏ lẻ sang vay vốn theo dự án hoặc nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất hàng hoá gắn với các mô hình liên kết (tổ hợp tác, chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp). Theo đó, quy mô đầu tư nguồn vốn cũng được nâng cao hơn, từ mức 100- 200 triệu đồng/dự án lên mức 300- 500 triệu đồng/dự án.
Đáng chú ý, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015- 2020", các cấp Hội trong tỉnh đã chỉ đạo, xây dựng thành công 145 mô hình kinh tế có hiệu quả; hình thành 80 tổ hợp tác và lấy đó làm cơ sở, tiền đề cho việc hình thành nên mô hình các Hợp tác xã. Trong đó, có một số Hợp tác xã được hình thành từ nguồn vốn vay Quỹ HTND.
Tiêu biểu như: Hợp tác xã ngựa bạch ở xóm Phẩm, xã Dương Thành và Hợp tác xã sản xuất tương Úc Kỳ (huyện Phú Bình); Hợp tác xã trồng na VietGAP ở xã La Hiên (huyện Võ Nhai); Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc ở xã Tức Tranh (huyện Phú Lương)…
Để tận dụng và phát huy tốt những lợi thế sẵn có của từng địa phương, các cấp Hội còn xây dựng và hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển một số mô hình sản xuất theo hướng liên kết, giúp bà con vừa nâng cao lợi nhuận vừa gia tăng tính bền vững. Nhiều mô hình triển khai thực hiện tốt đã được các cấp Hội quan tâm, hướng dẫn trong việc thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp gắn với việc vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp.
Tại địa bàn thị trấn Sông Cầu- huyện Đồng Hỷ nhờ có những lợi thế về đất đai, khí hậu nên bà con trong vùng đang phát triển nghề trồng và canh tác cây chè truyền thống từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do chỉ tập trung trồng chuyên canh giống chè trung du cộng với thói quen, tư duy sản xuất cũ nên năng suất và sản lượng chè của các hộ dân trong vùng không cao.
Nhận thấy những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân, Hội ND thị trấn đã hướng dẫn và đầu tư triển khai dự án “Trồng, chăm sóc và chế biến chè chất lượng cao”. Với số vốn hỗ trợ 650 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND, ban đầu, cho 12 hộ nông dân trên địa bàn tham gia thực hiện.
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thúy ở tổ 3, thị trấn Sông Cầu có diện tích trồng chè khá lớn (khoảng 2.000 m2). Những năm trước đây, cũng giống như đa số bà con trong vùng, đồi chè của gia đình chị vẫn đang canh tác loại chè trung du nên chất lượng sản phẩm chè và nguồn thu nhập đều thấp.
Cùng với 12 hộ dân khác được lựa chọn tham gia vào dự án “Trồng, chăm sóc và chế biến chè chất lượng cao”, nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND, chị Thúy đã đầu tư cải tạo lại đất, mua giống chè cành về trồng và dần dần thay thế cho toàn bộ diện tích trồng giống chè cũ trước kia. Sau 4 năm chuyển đổi sang giống chè mới, chị còn được tham gia vào các lớp tập huấn về khoa học kĩ thuật và đem áp dụng cho mô hình giúp mang lại hiệu quả rõ nét.
Đến nay, toàn bộ diện tích trồng chè cành mới của gia đình chị đã cho thu hoạch, chất lượng và giá trị sản phẩm cũng đạt cao hơn trước. Theo đó, nếu như trước đây mỗi kg chè khô (giống cũ) chị chỉ bán được trung bình khoảng từ 100.000- 150.000 đồng thì hiện giá thành xuất bán trung bình của chè cành giống mới đã là 200.000- 250.000/kg chè khô.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn Quỹ HTND được triển khai thông qua các mô hình, dự án không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn giúp bà con thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tạo được sự liên kết, gắn bó giữa các hội viên, nông dân có cùng sở thích, cùng ngành nghề, giúp gia tăng thu nhập cho các hộ vay vốn khi cùng tham gia thực hiện dự án. Nhìn chung, các mô hình, dự án vay vốn từ Quỹ HTND đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng địa phương.