Hà Nam: Nguồn vốn Quỹ HTND giúp xây dựng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả
15:45 - 05/04/2022
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh luôn được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tập trung triển khai thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, Quỹ HTND các cấp thường xuyên khai thác, nâng cao các nguồn vốn vay để kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh giúp nâng cao năng suất và giá trị lợi nhuận.

Các mô hình triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND còn giúp hội viên, nông dân hình thành các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để nâng cao đời sống và thu nhập

 
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đẩy mạnh việc chỉ đạo các cấp Hội giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND chuyển đổi sang phương thức mới là cho vay theo hình thức nhóm hộ liên kết. Qua đó, giúp hội viên, nông dân hình thành nên các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao đời sống và thu nhập. Đồng thời, đội ngũ cán bộ Hội các cấp từng bước trưởng thành; ý thức trách nhiệm, kiến thức về mọi mặt của hội viên, nông dân đã được nâng lên một tầm cao mới, dần đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

 
Năm 2021, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh tăng trưởng 4,358 tỷ đồng (đạt 109% so kế hoạch giao đầu năm). Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quan lí gần 32,5 tỷ đồng; trong đó, nguồn ủy thác của Trung ương đạt 13,6 tỷ đồng, nguồn Quỹ cấp tỉnh quản lí 1,1 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện 6,87 tỷ đồng và nguồn Quỹ cấp cơ sở vận động được trên 10,9 tỷ đồng.

 
Có thể thấy, từ khi thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng lên rõ rệt qua từng năm. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND cơ bản được thực hiện ở 3 cấp; hoạt động dần đi vào nề nếp theo đúng nguyên tắc và quy định của Điều lệ Quỹ HTND.

 
Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã tạo được “đòn bẩy” hữu ích, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân có thêm nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Có được những kết quả như trên là nhờ hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND các cấp đã tích cực chỉ đạo các huyện, thành Hội tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ.
 

Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xây dựng Đề án“Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND” giai đoạn 2021- 2025 và được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc triển khai thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, cho ban hành các văn chỉ đạo, hướng dẫn và tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác, quản lý nguồn Quỹ HTND các cấp từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc xây dựng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

 
Từ nguồn vốn trên, đến nay, Quỹ HTND đã giải ngân xong 13,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho 360 hộ hội viên, nông dân vay phát triển 34 dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tỷ lệ các dự án đầu tư cho mô hình trồng trọt chiếm 6,1%; chăn nuôi (bò, lợn, gà...) chiếm 63,6%; nuôi thủy sản là 12,1%; dịch vụ, ngành nghề (sản xuất đồ gỗ dân dụng, bánh đa…) 18,2%.

 
Nhìn chung, công tác cho vay vốn được thực hiện theo đúng quy định. Mỗi dự án, mô hình đều được triển khai thực hiện với nhóm từ 10- 30 hộ hội viên, nông dân trên cùng địa bàn. Sau khi kết thúc dự án, các cấp Hội lại tiếp tục thực hiện việc luân chuyển nguồn vốn đến các nhóm hộ khác được vay, giúp cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh được kịp thời trợ lực để vươn lên trong cuộc sống.

 
Trong kỳ, đã tiến hành đôn đốc và thu hồi từ 8 dự án đến hạn được 3,3 tỷ đồng với 80 hộ vay. Có 100% các dự án đã thực hiện việc thu, nộp về Quỹ HTND tỉnh đầy đủ, đúng thời gian quy định. Đồng thời, Hội ND tỉnh tiếp tục hướng dẫn các huyện, thị, thành Hội lập dự án để tiếp tục quay vòng nguồn vốn vay 3,3 tỷ đồng cho 80 hộ hội viên, nông dân vay và triển khai 8 dự án theo chu kỳ mới.
 

Cụ thể, đối với nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đang quản lý 1,1 tỷ đồng đã giải ngân xong cho 24 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 03 dự án. Tỷ lệ dự án đầu tư cho chăn nuôi (bò, gà...) chiếm 66,7%; dự án các dịch vụ, ngành nghề khác (sản xuất cơ khí, kinh doanh tổng hợp...) 33,3%. Hiện nay, nguồn vốn đang tiếp tục phát huy, cho vay quay vòng ở chu kỳ mới với 3 dự án triển khai cho 22 hộ vay.

 
Đối với nguồn vốn 6,87 tỷ đồng do Quỹ HTND cấp huyện quản lý cũng đã giải ngân cho 1.640  hộ hội viên, nông dân vay vốn. Trong đó, có 3,2 tỷ đồng là nguồn vốn được cấp từ ngân sách địa phương, còn lại là nguồn tự vận động, nguồn mượn, vay… Đối với nguồn Quỹ cấp cơ sở vận động được trên 10,9 tỷ đồng cũng đang có 2.355 hộ hội viên, nông dân vay để sản xuất, kinh doanh.

 
Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn quỹ HTND các cấp trong tỉnh được đảm bảo, cho vay đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, các dự án đến hạn đều thu hồi được nguồn vốn vay, không xảy ra tình trạng nợ quá hạn; nguồn vốn giúp các hộ phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 
Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã có những tác động tích cực trong việc phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, giúp các cấp Hội tập hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia vào mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cùng phát triển.

 
Đáng chú ý, năm 2021, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ, xây dựng mới 33 mô hình kinh tế tập thể với 750 thành viên tham gia. Trong đó: Có 5 tổ Hội nghề nghiệp; 9 chi Hội nghề nghiệp; 16 Tổ hợp tác, 03 Hợp tác xã.
 

Nhiều dự án sau khi triển khai tại các địa phương đã xây dựng được các mô hình Tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh, giúp cho các hộ tham gia dự án cùng nhau phát triển sản xuất hiệu quả. Mặt khác, còn góp phần chuyển đổi nhận thức của các hộ tham gia dự án từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ trước đây sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh giúp tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

 
Điển hình có các mô hình tổ hợp tác như: Chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu (huyện Bình Lục); chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân); phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân); chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa (huyện Kim Bảng)...

 
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn luôn quan tâm và chỉ đạo các cấp Hội chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, sản xuất ra các mặt hàng nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Các cấp Hội cũng hướng dẫn hội viên, nông dân cách thức tiếp cận thị trường, từng bước kết nối để tìm kiếm đầu ra của các sản phẩm nông sản hiệu quả; giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ tham gia dự án; góp phần tác động tích cực vào một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

 
Một số mô hình, dự án tiêu biểu như: Dự án “Nuôi bò sữa” ở xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên); “Nuôi cá thương phẩm” tại xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) và xã Thanh Tân (huyện Thanh Liêm); nuôi bò sinh sản ở xã Vũ Bản (huyện Bình Lục); “Trồng và chăm sóc bưởi Diễn chất lượng cao” ở xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên) và xã Chính Lý (huyện Lý Nhân); sản xuất bánh đa nướng ở xã Kiện Khê (huyện Thanh Liêm)…

 
Có thể nói, từ những kết quả đạt được của các mô hình, dự án trên đã chứng minh nhờ có nguồn vốn từ Quỹ HTND giúp tạo thêm những điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả ở nhiều vùng đất trũng, khó khăn trước đây… Bằng hình thức cho vay vốn sản xuất thông qua các dự án, kết hợp với xây dựng các mô hình theo đối tượng cây, con, Quỹ HTND các cấp đã giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân trong tỉnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế và đạt lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình, dự án còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng và thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

 
Hộ gia đình chị Phạm Thị Hạnh là một trong số 10 hội viên, nông dân của Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) được tạo điều kiện vay 40 triệu đồng từ Quỹ HTND để phát triển mô hình chăn nuôi. Có thêm nguồn vốn trợ lực, chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, đồng thời cải tạo ao để nuôi thả cá. Đến nay, đàn lợn của gia đình chị đang thường xuyên duy trì hơn 100 con/lứa, cùng với diện tích mặt ao 1,6 mẫu thả nuôi các loại cá. Bình quân mỗi năm sau khi trừ hết mọi chi phí còn mang lại cho gia đình chị lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

 
Không chỉ nhận được sự trợ lực kịp thời từ nguồn vốn Quỹ HTND để mở rộng sản xuất, chăn nuôi, các hộ hội viên, nông dân của Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản xã Tượng Lĩnh còn thường xuyên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống và tìm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, các cấp Hội luôn quan tâm, phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi... Nhờ đó, các hộ dân trong Tổ hợp tác ngày càng chăn nuôi có hiệu quả, kinh tế gia đình phát triển ổn định và bền vững.
 

Hay như hộ gia đình anh Nguyễn Như Lâm ở xã Nhật Tân (huyện Kim Bảng) cũng là một trong số 10 thành viên của Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng nhận được sự hỗ trợ thiết thực về nguồn lực đầu tư. Theo đó, được các cấp Hội tạo điều kiện giải ngân từ nguồn vốn Quỹ HTND cho vay 40 triệu đồng, anh Lâm đã đầu tư cải tiến máy móc nhằm phục vụ tốt hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình. Hiện nay, xưởng gỗ của anh bình quân cho doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/năm; đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.

 
Nhờ nguồn vốn vay Quỹ HTND đã góp phần tích cực trong việc thành lập Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng xã Nhật Tân với 10 thành viên tham gia sinh hoạt. Cùng với việc được tạo điều kiện tốt về vốn, các thành viên trong Tổ cũng đã hỗ trợ nhau rất nhiều trong việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thống nhất về nơi nhập nguyên liệu đầu vào cho đến giá bán, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Nhờ đó, hoạt động sản xuất của các hộ đi vào ổn định, góp phần duy trì và ngày càng phát triển được nghề mộc truyền thống ở địa phương.
 

Để việc khai thác, sử dụng nguồn vốn được nâng cao hiệu quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý tốt các nguồn vốn Quỹ. Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp và tổ chức 137 lớp tập huấn tập cho trên 17.240 lượt cán bộ hội viên tham dự. Đồng thời, Hội cũng tăng cường việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho hội viên, nông dân; tạo điều kiện cho bà con được đi tham quan các mô hình có hiệu quả để nghiên cứu, trực tiếp học tập và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh… giúp tăng thu nhập và hoàn trả được vốn vay đúng hạn.

 
Có thể thấy, các cấp Hội trong tỉnh luôn xác định rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của nguồn vốn vay và luôn ưu tiên thực hiện giải pháp vận động phải đi đôi với hỗ trợ hội viên, nông dân. Các hộ vay vốn Quỹ HTND đều được các cấp Hội hướng dẫn phương án làm ăn để biết cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích và phát huy tính hiệu quả. Qua đó, nhằm thu hút thêm ngày càng nhiều hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi, tổ Hội cũng như xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

Hải Yến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường