Quỹ HTND huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn
16:05 - 28/03/2022
(Quỹ HTND) - Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, công tác xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND trong huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nguồn vốn Quỹ HTND đã từng bước nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân; góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nguồn vốn Quỹ HTND đã từng bước nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân; góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

 
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong huyện đang quản lý 4,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác hơn 1,3 tỷ đồng; nguồn của Quỹ HTND cấp tỉnh quản lý hơn 2,3 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách cấp cho Quỹ HTND huyện 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đang triển khai thực hiện 10 dự án sản xuất, kinh doanh, với 96 hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn.

 
Hàng năm, để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiến hành khảo sát địa bàn để lựa chọn mô hình. Đồng thời, tổ chức họp chi Hội để bình xét hộ vay công khai, đảm bảo hoạt động cho vay vốn được triển khai đúng đối tượng, điều kiện vay, thời hạn và mức vay...


Các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, đi tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả giúp bà con nông dân có cơ hội được trực tiếp học hỏi và chia sẻ cách thức làm ăn với nhau. Nhờ đó, nguồn vốn Quỹ HTND đảm bảo tính công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức Hội.

 
Song song với công tác giải ngân cho vay nguồn vốn, các cấp Hội cũng thường xuyên chủ động phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất mới. Qua đó, giúp hội viên, nông dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao kiến thức, đem áp dụng vào sản xuất để biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cũng như cách thức phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 
Đáng chú ý, để đáp ứng tình hình mới, Quỹ HTND các cấp trong huyện đã tích cực đổi mới căn bản về phương thức hỗ trợ cho hội viên, nông dân vay vốn. Theo đó, thay vì cho vay với qui mô hộ nhỏ lẻ như trước đây thì Quỹ HTND hiện đang triển khai cho vay theo mô hình dự án. Mỗi dự án sẽ có từ 4 - 13 hộ dân tham gia theo tiêu chí “5 cùng” nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể; mức vay cụ thể từ 200 - 650 triệu đồng/dự án và từ 30 - 50 triệu đồng/hộ vay.

 
Được Quỹ HTND huyện tiếp sức kịp thời, hộ gia đình anh Hoàng Đức Lâm ở xóm Na Long, xã Hóa Trung có thêm vốn đầu tư phát triển mô hình ươm lan giống. Từ nguồn vốn vay 40 triệu đồng, cộng thêm với số vốn tích lũy được của gia đình, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích nhà giàn từ 500 m2 lên thành 1.000 m2 để trồng lan và mua thêm 1 vạn cây lan giống về ươm trồng.

 
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các mô hình đã thành công, đồng thời chăm chỉ áp dụng những kiến thức khoa học kĩ thuật được trang bị thông qua các lớp tập huấn do các cấp Hội tổ chức nên vườn lan của gia đình anh ngày càng phát triển khỏe mạnh. Đến nay, trong vườn đang duy trì chăm sóc 1.500 giò lan, bình quân nguồn thu nhập mỗi năm của gia đình anh đạt được khoảng 300 triệu đồng, sau khi đã trừ hết mọi chi phí. Không chỉ thành công trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Lâm còn vươn lên trở thành một trong những gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 
Để tận dụng và phát huy tốt những lợi thế sẵn có của từng địa phương, các cấp Hội còn xây dựng và hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất theo hướng liên kết để vừa giúp bà con nâng cao lợi nhuận vừa gia tăng tính bền vững. Nhiều mô hình triển khai thực hiện tốt đã được các cấp Hội quan tâm, hướng dẫn trong việc thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp gắn với nguồn vốn vay Quỹ HTND.

 
Tại địa bàn xã Minh Lập, dự án nuôi bò thương phẩm do các cấp Hội hướng dẫn triển khai trong thời gian qua đã và đang cho thấy đạt được những hiệu quả rõ nét. Thông qua dự án cũng giúp cho các hộ dân trên địa bàn phát huy tốt những lợi thế sẵn có của vùng, từ đó tập trung triển khai theo hướng đầu tư nguồn lực, liên kết và tổ chức chăn nuôi gia súc lớn theo quy mô trang trại.

 
Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã về việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội ND xã đã tổ chức các đoàn đưa hội viên, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi bò 3B. Cũng từ đó, trong xã bắt đầu có vài hộ dân mạnh dạn đầu tư nguồn lực để chăn nuôi bò 3B. Tuy nhiên, ban đầu các hộ dân mới chỉ hình thành được mô hình với quy mô nhỏ lẻ, tiến hành nuôi từ 2- 3 con bò/hộ.

 
Đến năm 2020, nhận thấy việc nuôi giống bò này đã mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, Hội ND xã nghiên cứu và xây dựng mô hình để trình vay vốn từ nguồn Quỹ HTND. Theo đó, các cấp Hội đã tiến hành phê duyệt và giải ngân 800 triệu đồng từ nguồn vốn uỷ thác của Trung ương Hội NDVN cho 20 hộ dân trong xã tham gia mô hình chăn nuôi bò 3B. Được tiếp vốn, các hộ dân trong xã tham gia vào mô hình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi và gia tăng số lượng đàn bò từ 2 con lên đến vài chục con/hộ.


Hiện, toàn xã đã tăng trưởng và phát triển thành 109 con bò 3B chỉ sau hơn 1 năm triển khai mô hình (năm 2020 mới có 27 con bò). Qua đó, giúp cho nhiều hộ nông dân trong xã có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Đáng chú ý, nhờ việc triển khai mô hình còn góp phần thành lập được Tổ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ bò thương phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

 
Có thể thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn giúp nâng cao nhận thức, thay đổi trong phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần thúc đẩy hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, giúp phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các địa phương.

Thương Huyền
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng