Hòa Bình: Đa dạng các nguồn vốn vay giúp hội viên, nông dân
16:01 - 28/03/2022
(Quỹ HTND)- Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả, Hội ND tỉnh tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân. Hội thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn; thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ hội viên nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế… 
Từ các nguồn vốn vay, Hội ND Hòa Bình đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên đầu tư vào phát triển sản xuất 

Đến nay, tổng mức dư nợ toàn tỉnh đạt 3.517,7 tỷ đồng, trong đó nguồn uỷ thác với Ngân hàng CSXH là 921,730 tỷ đồng, thông qua 672 Tổ TK&VV cho 24.953 hộ vay; ngân hàng NN&PTNT tín chấp 2.509,984 tỷ đồng, thông qua 943 Tổ Vay vốn, cho 28.500 hộ vay; Ngân hàng bưu điện Liên Việt tín chấp 86 tỷ đồng thông qua 146 Tổ, cho 1.296 hộ vay. Tính đến tháng 2/2022 các cấp Hội đã cho trên 25.000 hộ hội viên vay.


Điển hình như Hội ND xã Phú Lai (Yên Thuỷ), xã có 680 hội viên, sinh hoạt tại 6 chi hội, Hội ND xã quản lý 8 tổ TK&VV của NHCSXH, dư nợ ủy thác đạt trên 1 tỷ đồng, cho khoảng 385 hộ hội viên vay. Để giúp các hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, Hội ND xã luôn quan tâm phối hợp các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho hàng trăm lượt hộ hội viên; phối hợp các doanh nghiệp thực hiện tốt việc tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức cần thiết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy liên kết hợp tác...


Từ đó đã có nhiều gia đình thoát nghèo, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Hà, xóm Tân Vượng, xã Phú Lai. Được Hội ND xã tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng của NHCSXH, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, gia đình mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trồng thêm cỏ ngô, chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ vậy, năm 2021 gia đình ông đã thoát nghèo.


Không chỉ gia đình ông Hà mà nhiều hộ gia đình hội viên trên địa bàn xã Phú Lai đã phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Năm 2021, toàn xã có gần 400 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.


Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 giảm từ 36,14% xuống còn 15,21% so với đầu giai đoạn.


Bên cạnh nguồn vốn NHCSXH, Quỹ HTND nông dân tỉnh đang quản lý 40 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội uỷ thác 13,85 tỷ đồng; nguồn ngân sách tỉnh cấp 11,25 tỷ đồng; nguồn ngân sách huyện cấp 6,93 tỷ đồng; thu ủng hộ từ cán bộ, hội viên, nông dân 8,02 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đang triển khai cho 1.323 hộ vay thực hiện 194 dự án. 


Hội đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho vay từ nguồn vốn Quỹ nhằm giúp hội viên nông dân có điều kiện bước đầu để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ năm 2019 đến năm 2021 các cấp Hội đã triển khai 174 dự án phát triển kinh tế như: Dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản, chăn nuôi gà; trồng cây ăn quả; nuôi cá... với 1.286 lượt hội viên tham gia, tổng vốn vay Quỹ HTND là 37,9 tỷ đồng.


Trong 10 năm qua, tổng dư nợ nguồn vốn đạt trên 3.307 tỷ đồng, thông qua trên 1.700 tổ vay vốn đã có gần 60.000 lượt hội viên, nông dân được vay. Từ các nguồn vốn vay trên, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên đầu tư vào phát triển sản xuất trên các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và mở rộng các ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên nông dân, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.


Nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau đã được các cấp Hội Nông dân triển khai có hiệu quả như: Định hướng, tư vấn cho hội viên, nông dân các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; tín chấp hỗ trợ cho vay các nguồn vốn ủy thác các ngân hàng; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức tập huấn kỹ thuật, hội thảo về chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng các loại rau, quả trong nhà lưới; nhận dạng sâu bệnh; cung ứng phân bón, con giống các loại cho hội viên; xây dựng các cửa hàng giới thiệu quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân,... Chú trọng đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Trồng cam, Thanh long ruột đỏ, dưa lưới, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gà... Theo đó, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên đã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng các mô hình trang trại tổng hợp hoặc các mô hình kinh doanh khác. Năm 2021, toàn tỉnh có 71.000 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 35.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 106% chỉ tiêu giao).


Hiện nay, toàn tỉnh có gần 100 hộ hội viên có thu nhập từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng, số hộ thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng lên đến hàng chục nghìn hộ. Việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế đã khẳng định vị thế của tổ chức Hội, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững.

Hồng Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng