Quỹ HTND Lai Châu: “Rót vốn” giúp hội viên, nông dân phát huy lợi thế vùng
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND trong công tác xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn; tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện tốt Đề án 966 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011-2020”. Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Quỹ HTND tỉnh đã được ngân sách tỉnh cấp bổ sung 19.400 triệu đồng.
|
Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, ngày càng có thêm nhiều hội viên, nông dân phát huy tốt các lợi thế vùng, gia tăng lợi nhuận và vươn lên làm giàu |
Đáng chú ý, doanh số cho vay, thu nợ trong toàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 đạt lũy kế 64.675 triệu đồng (trong đó, thu nợ 21.058 triệu đồng). Qua đó, các cấp Hội đã hỗ trợ cho trên 2.000 lượt hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn xây dựng 204 mô hình nông dân liên kết, hợp tác phát triển kinh tế. |
Đồng thời, 8/8 đơn vị Hội cấp huyện, thành phố đều đã xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND cùng cấp; trong đó, 5/8 huyện, thành Hội có nguồn vốn đạt mức 1 tỷ đồng trở lên. Cùng với đó, 97 Hội ND xã, phường, thị trấn tổ chức vận động, phát triển nguồn vốn đạt hiệu quả và chuyển lên Quỹ cấp huyện quản lý 2.134 triệu đồng.
Nhờ triển khai tốt công tác vận động, phát triển và tăng trưởng nguồn vốn, tính đến hết tháng 6/2021, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 52.760 triệu đồng. Hàng năm, các cấp Hội đã kịp thời tiến hành phê duyệt, giải ngân nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cũng như thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương ngày càng phát triển.
Hiện nay, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang triển khai thực hiện 118 mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi với dư nợ 44.797 triệu đồng cho 943 lượt hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn. Bên cạnh đó, số vốn còn lại cũng đang trong quá trình xây dựng dự án, chờ giải ngân để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Những năm gần đây, các cấp Hội đẩy mạnh việc chỉ đạo giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND chuyển đổi sang phương thức mới là cho vay theo hình thức nhóm hộ liên kết. Qua đó, hướng dẫn và hình thành nên các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm khuyến khích việc đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập và đời sống.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình kinh tế theo phương thức nhóm hộ, cùng liên kết sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm để gia tăng giá trị và lợi nhuận. Nhìn chung, các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND đều có tính khả thi và đạt hiệu quả, phát huy được những thế mạnh của các địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ban quản lý Quỹ HTND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương chú trọng việc khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng đối tượng vay vốn. Đồng thời, tổ chức tư vấn, hướng dẫn việc xây dựng các dự án gắn với quy hoạch phát triển kinh tế chung của các địa phương.
Nhờ đó, các mô hình, dự án đều đã phát huy tính hiệu quả thiết thực. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai trên địa bàn giúp cho nhiều hộ hội viên, nông dân có mức thu nhập đạt từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình hiện cũng đang được các cấp Hội tiếp tục hướng dẫn và triển khai nhân rộng.
Điển hình như: Dự án nuôi ngựa bạch và sản xuất cao ngựa bạch tại thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ); nuôi dê sinh sản ở xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ); nuôi ngựa sinh sản tại phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu); nuôi trâu thương phẩm tại xã Mường Than (huyện Than Uyên); nuôi cá lồng, bò sinh sản tại xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn); chăn nuôi gia súc ở xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ); trồng cây chanh đào tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường)…
Cùng với việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, hàng năm, các cấp Hội cũng đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn (ngân hàng CSXH, ngân hàng No&PTNT) để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ. Qua đó, giúp đỡ ngày càng nhiều lượt hội viên, nông dân có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống.
Các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình phối hợp ủy thác vốn vay với ngân hàng CSXH. Nhờ đó, dư nợ ủy thác với ngân hàng thông qua kênh của Hội ND tăng trưởng tốt, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng lên qua từng năm.
Hiện, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 700 tỷ đồng với 15 chương trình tín dụng ủy thác cho vay thông qua 436 Tổ TK&VV, tạo điều kiện cho gần 15 ngàn lượt hộ hội viên, nông dân vay (đứng đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội tham gia nhận uỷ thác với ngân hàng). Mức tăng trưởng dư nợ đạt 424.088 triệu đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ đạt trên 200 tỷ đồng cho 1.885 lượt hộ hội viên, nông dân vay thông qua 125 Tổ Vay vốn. Qua theo dõi, giám sát, hầu hết các hộ vay vốn ngân hàng CSXH và ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đồng thời, qua các năm, chất lượng uỷ thác ngày càng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần.
Tại huyện Tam Đường, từ nguồn vốn Quỹ HTND 9 tỷ đồng được phân bổ đã xây dựng nhiều dự án giúp phát huy được những thế mạnh của địa phương. Tiêu biểu như: Mô hình nuôi ngựa tại xã Thèn Sin; nuôi trâu vỗ béo ở xã Nùng Nàng; sản xuất miến dong ở xã Bình Lư; nuôi cá thương phẩm và nuôi trâu vỗ béo tại thị trấn Tam Đường; trồng chè ở xã Bản Bo… Nhờ đó, nhiều hội viên, nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu nhờ vốn vay từ Quỹ HTND.
Địa bàn xã Bình Lư (huyện Tam Đường) vốn có nghề sản xuất miến dong. Để giúp các hộ hội viên, nông dân trong xã có thêm điều kiện mở rộng và phát triển nghề truyền thống, Hội ND xã phối hợp với Quỹ HTND tỉnh triển khai thực hiện dự án “Đầu tư mua máy sản xuất miến dong theo công nghệ mới”. Theo đó, có 10 hộ tại bản Vân Bình và bản Tòng Pẳn được xét tham gia dự án, hỗ trợ nguồn vốn vay 500 triệu đồng.
Hộ gia đình anh Bùi Văn Bình ở bản Tòng Pẳn là một trong số các hộ dân được tham gia dự án. Trước đây, gia đình anh vẫn làm miến chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian và nhân công, tuy nhiên, sản lượng miến làm ra lại không đủ để cung cấp cho các khách hàng. Được xét vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, anh mạnh dạn đầu tư mua máy ép sợi miến theo công nghệ mới, xây thêm 2 bể khoắng bột, 200 phên mới và cải tạo lại giàn phơi miến… Nhờ có máy móc mới, năng suất và sản lượng tăng lên nhiều hơn so với trước, trung bình đang sản xuất từ 50- 60 kg miến/ngày để bán ra thị trường giúp gia đình anh có nguồn thu không nhỏ.
Hay như tại thành phố Lai Châu, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND bước đầu cũng đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực, giúp hội viên, nông dân tiếp cận thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả. Nhiều mô hình, dự án đã phát huy tính hiệu quả rõ nét giúp cho các hộ dân trên địa bàn có mức thu nhập đạt từ 50- 100 triệu đồng/năm.
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thoa ở xã San Thàng, nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế và luôn biết cách học hỏi để tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nên đã thành công. Những năm gần đây, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm hoa tươi và cây cảnh, chị đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng hoa, cây cảnh giúp mở ra tiềm năng lớn về hiệu quả và nâng cao thu nhập gia đình.
Nghĩ là làm, chị quyết định thuê đất vườn và cải tạo lại để trồng hơn 1 ha hoa hồng. Trong quá trình làm mô hình, chị luôn chịu khó học hỏi những kinh nghiệm sản xuất của các hộ khác đã thành công trong xã để áp dụng nên vườn hoa phát triển tốt, cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và cho bông to đẹp. Lứa thu hoạch hoa đầu tiên thành công với 10 vạn bông hoa hồng đã được xuất bán giúp gia đình chị có nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đang còn khá nhiều mô hình, dự án khác cũng được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực, được các cấp Hội tiếp tục triển khai nhân rộng. Tiêu biểu như: Dự án nuôi ngựa sinh sản với số vốn 500 triệu đồng được triển khai cho 10 hộ dân ở địa bàn phường Quyết Thắng vay để mua 26 con ngựa giống về chăm sóc, đàn ngựa hiện đã phát triển thêm 7 con và có 9 con đang mang thai; hay dự án trồng, chăm sóc chế biến chè được triển khai tại các phường Quyết Thắng và Quyết Tiến, với số vốn 1 tỷ đồng cho 34 hộ dân vay đã giúp nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm chè của địa phương.
Địa bàn huyện Tân Uyên, trong những năm qua, với mục tiêu hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, Hội ND huyện đã tập trung vào các hoạt động như: Tư vấn hỗ trợ; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… cho hội viên, nông dân ở các xã, thị trấn. Bình quân hàng năm đã tiến hành nghiệm thu 4 dự án và giải ngân 4 dự án với số tiền khoảng 2 tỷ đồng.
Đến nay, Hội ND huyện đang quản lý nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng, qua đánh giá, nhìn chung các dự án triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nguồn vốn không những đã giúp bà con nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế mà còn góp phần hình thành các nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất, cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ đầu ra đạt hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi lợn của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Cư ở khu phố số 1, thị trấn Tân Uyên được đầu tư xây dựng chuồng trại cẩn thận, kiên cố, đảm bảo về các yếu tố vệ sinh môi trường. Trước đây, chăn nuôi theo qui mô nhỏ lẻ nên lợi nhuận hàng năm của gia đình anh không cao. Quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, từ số tiền dành dụm được, anh đã mạnh dạn phát triển nhân đàn để chăn nuôi lợn với số lượng lớn.
Năm 2021, anh tiếp tục mở rộng quy mô song gặp phải trở ngại do thiếu vốn. Được Hội ND huyện tạo điều kiện cho vay 70 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, cộng với số vốn tích lũy được của gia đình, anh đã mạnh dạn mua thêm 10 con lợn nái, 50 con lợn thịt về nuôi. Để chủ động về nguồn thức ăn, anh còn tổ chức nấu rượu để tận dụng lấy bỗng rượu nuôi lợn. Hiện nay, đàn lợn của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh.
Hộ gia đình ông Hoàng Văn Phúc ở bản Phiêng Phát 2, xã Trung Đồng là một trong số những hộ dân được hưởng lợi từ nguồn vốn vay Quỹ HTND. Có vốn, gia đình ông đã đầu tư cải tạo và xây dựng thành một trang trại tổng hợp với 9 ha trồng chè, thả nuôi 25 con trâu và dê sinh sản, trồng và chăm sóc 200 ha rừng phòng hộ… Bình quân sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông đang thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho riêng gia đình mình, hiện ông còn rất tích cực hỗ trợ các hộ nghèo khác trong bản về kỹ thuật và cây, con giống... để cùng thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Đặc biệt, từ các mô hình điển hình vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và thành lập 32 Tổ hợp tác, 2 Hợp tác xã. Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa, là nơi để hội viên, nông dân học tập và làm theo, từng bước vươn lên giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, củng cố thêm niềm tin giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội. Qua đó, giúp các nhóm hộ nông dân gia tăng tính liên kết chặt chẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng chia sẻ và hưởng lợi.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội ND tỉnh Lai Châu phấn đấu hàng năm nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh tăng trưởng từ 10% trở lên; 100% các dự án vay vốn Quỹ HTND được quản lý tốt, phát huy hiệu quả, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.