Ninh Bình: Nguồn vốn Quỹ góp phần xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội tập trung xây dựng kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh và triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND liên tục tăng trưởng hàng năm góp phần tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống |
Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác xây dựng, quản lý, tăng trưởng nguồn vốn. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương nhằm giúp tăng nguồn vốn Quỹ HTND ngay tại cơ sở. Trên cơ sở đó, Hội ND nhiều huyện, thành phố đã tích cực tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch và hàng năm trích từ ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.
Nhờ có sự quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí của UBND các cấp, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đã có sự phát triển rõ rệt qua từng năm. Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đang quản lí hiện đạt 42.068 triệu đồng, được triển khai cho 1.616 lượt hộ hội viên, nông dân vay thực hiện 312 dự án nhóm hộ tại các địa phương trong tỉnh.
Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2011- 2020” đã được Tỉnh ủy phê duyệt, qua các năm, hoạt động của Quỹ HTND các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, 8/8 đơn vị cấp huyện đều xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND với số tiền mức bình quân trên 500 triệu đồng/đơn vị; đặc biệt, có 04 huyện, thành phố đạt mức trên 01 tỷ đồng.
Điển hình trong công tác xây dựng và tăng trưởng tốt nguồn vốn Quỹ HTND có các đơn vị như: Hội ND thành phố Ninh Bình (đạt mức 2,085 tỷ đồng); Hội ND huyện Yên Khánh (đạt 1,661 tỷ đồng); Hội ND huyện Nho Quan (1,393 tỷ đồng); Hội ND huyện Yên Mô (1,231 tỷ đồng).
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cùng Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh luôn bám sát các chủ trương, định hướng của tỉnh và đã chỉ đạo, định hướng việc đầu tư cho vay nhằm phát triển các mô hình sản xuất theo như chủ trương của tỉnh. Từ nguồn vốn Quỹ, đã có hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh không những được hỗ trợ về vốn, đầu tư trong phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn biết liên kết với nhau để cùng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị giúp tạo ra nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao.
Năm 2021, Hội ND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện giải ngân xong 7,97 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND cho 151 hộ hội viên, nông dân tham gia vay để triển khai thực hiện 23 dự án thuộc các lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ khác…
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp Hội tăng cường sự phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 173 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới cho hội viên, nông dân; ưu tiên tại những địa bàn triển khai thực hiện các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND. Qua đó, giúp các hộ hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất có trọng tâm, trọng điểm giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tại các địa phương, một số mô hình, dự án triển khai thực hiện cho thấy mang lại hiệu quả kinh tế cao; khi được các cấp Hội quan tâm nhân rộng ở quy mô sản xuất lớn hơn đã giúp giải quyết nhiều việc làm cho các lao động tại chỗ. Tiêu biểu như: Nuôi cá nước ngọt thâm canh tại địa bàn xã Gia Hòa và Gia Phương (huyện Gia Viễn), xã Yên Đồng (huyện Yên Mô); trồng ổi lê Đài Loan tại xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh); chăn nuôi hươu sinh sản và lấy nhung tại xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan); mô hình du lịch cộng đồng ở xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư); mô hình chế tác đá mỹ nghệ tại xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư)...
Tại địa bàn huyện Kim Sơn, với 410 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, 10 thành viên trong tổ Hội ND nghề nghiệp, chăn nuôi tổ hợp ở xóm 7, xã Như Hòa đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn sinh sản. Để giúp các hộ hội viên, nông dân hiểu được về ý nghĩa và mục đích khi tham gia dự án, Hội ND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn và phổ biến về kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản cho trên 30 hộ hội viên, nông dân trong xã.
Đến nay, đàn lợn nuôi của các hộ tham gia mô hình đều đang phát triển tốt, khỏe mạnh, trọng lượng trung bình đạt từ 40- 50 kg/con. Hàng năm, lợi nhuận của các hộ dân đạt trên 300 triệu đồng; thậm chí, có hộ doanh thu còn đạt trên 1 tỷ đồng. Nhờ tham gia vào mô hình, các hộ dân trong xã đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.
Hộ gia đình anh Trần Văn Chính là một thành viên được tham gia dự án chăn nuôi lợn siêu nạc tại xóm 7 đạt hiệu quả. Được hỗ trợ nguồn vốn vay, lại tham gia vào lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do các cấp Hội tổ chức, anh đã đem áp dụng những kiến thức mới vào trang trại chăn nuôi của gia đình… Sau khi đầu tư mở rộng xây dựng diện tích chuồng trại, anh đang tiến hành nuôi kết hợp lợn nái, lợn thịt theo hướng an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Nhờ có sự tư vấn, hỗ trợ của Hội ND tỉnh, anh Chính còn đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Đức Chính, chuyên chăn nuôi lợn an toàn; đồng thời còn tiếp nhận bao tiêu lợn thịt và sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân trong vùng. Hiện, trang trại của anh đang nuôi 7 con lợn đực giống F1 siêu nạc, 210 con lợn nái, 800 con lợn thịt, thả cá và trồng hoa, rau màu. Ước tính bình quân mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí, trang trại của gia đình anh có lãi khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Cũng được tham gia thực hiện dự án ở xã Như Hòa, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thảnh đang đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp trên diện tích 3.000 m2 chuồng trại với 200 con lợn nái và 150 con lợn thịt. Để tận dụng hết diện tích, ông còn kết hợp thả nuôi thêm cá, tôm và trồng một số loại cây ăn quả với diện tích 3,6 ha.
Không những làm kinh tế giỏi, hiện ông Thảnh cũng đang đảm nhiệm vị trí làm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi trồng trọt và tổng hợp xã Như Hòa. Ông cho biết: Hợp tác xã có 32 thành viên tham gia; mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng trên 20.000 tấn lợn thịt. Thông qua các hoạt động hiệu quả của tổ Hội ND nghề nghiệp chăn nuôi trồng trọt tổng hợp ở xóm 7 đã góp phần củng cố, duy trì và ngày càng phát triển mô hình Hợp tác xã.
Đáng chú ý, từ các dự án vay vốn theo nhóm hộ, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng và thành lập được các mô hình Câu lạc bộ, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, có sự tác động tích cực khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch lại các vùng sản xuất, dần hình thành nên những thương hiệu của các sản phẩm đặc trưng tại mỗi địa phương.
Tổ Hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) lúc mới thành lập có 30 hội viên, nông dân tham gia. Được xét hỗ trợ vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương Hội, các thành viên trong tổ đã mạnh dạn đầu tư mua thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các hộ tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về lao động, liên kết chặt chẽ trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm… nên hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên rõ rệt.
Tổng thu nhập sau khi trừ hết mọi chi phí đạt từ 400- 500 triệu đồng/năm; nhiều hộ còn thu nhập cao lên tới hàng tỷ đồng. Đến nay, tổ Hội đã thu hút thêm thành viên và nâng tổng số lên 40 hộ hội viên, nông dân tham gia mô hình.
Một số mô hình liên kết cũng đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND như: Chi Hội nghề nghiệp Du lịch cộng đồng phát triển bền vững tại xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) với 27 thành viên cùng kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, lợi nhuận bình quân từ 300- 500 triệu đồng/hộ/năm; doanh thu có hộ đạt tới hơn 1 tỷ đồng/năm; tổ Hội nuôi dê ở xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) có 10 thành viên, với quy mô chăn nuôi 240 con dê, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm…
Vốn Quỹ HTND đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của bà con nông dân; đồng thời, nâng cao quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai còn tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm tạo ra các loại nông sản hàng hoá, dịch vụ đạt chất lượng cao. Từ đó, khẳng định được vai trò, vị thế của các cấp Hội trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; hoạt động Hội ngày càng có nội dung phong phú hơn, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Hội trong hệ thống chính trị.
Hiện, các cấp Hội trong tỉnh đã hướng dẫn xây dựng trên 200 dự án phát triển kinh tế. Qua đó, thành lập 14 chi, tổ Hội nghề nghiệp với 210 hội viên, nông dân tham gia hoạt động trong các lĩnh vực gồm: Chăn nuôi, trồng trọt, cơ khí, thủ công mỹ nghệ… Nhìn chung, các chi, tổ Hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đang hoạt động có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, nông dân, giúp nhiều hộ trở thành các hộ khá, giàu.
Với lợi thế có mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên, nông dân vừa phải, các tổ Hội đã chủ động tiến hành xây dựng các quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, ngày càng đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân trên địa bàn. Việc xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN về đẩy mạnh xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp; góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội cơ sở trong sạch vững mạnh. |