Nông dân “tựa lưng” nguồn vốn Quỹ HTND giúp tăng hộ khá, giàu
11:14 - 14/09/2021
(Quỹ HTND) – Những năm qua, các cấp Hội trong cả nước luôn quan tâm, sâu sát và thấu hiểu được những khó khăn của hội viên, nông dân khi thiếu hụt các nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 10 năm (2011 - 2021), nhiều tỉnh, thành Hội nhờ linh hoạt các phương thức nhằm tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã kịp thời hỗ trợ hàng trăm ngàn lượt hội viên, nông dân có cơ hội đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã giúp hàng trăm ngàn lượt hội viên, nông dân có cơ hội đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, vươn lên trở thành hộ khá, giàu


 
Tại tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, nhằm góp phần cùng chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của bà con nông dân, Hội ND tỉnh đẩy mạnh công tác tham mưu, tăng cường việc phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các cấp Hội phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng nông thôn mới...
 

Đáng chú ý, thực hiện việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, Ban Ðiều hành Quỹ HTND tỉnh đã tổ chức quản lý tốt các nguồn vốn được ủy thác và nguồn vốn hiện có; chủ động khai thác các nguồn vốn theo nhiều kênh đa dạng. Mặt khác, Hội ND từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở hàng năm đều triển khai tốt công tác tham mưu, đề xuất với chính quyền cùng cấp quan tâm, cân đối từ nguồn ngân sách để bổ sung cho Quỹ HTND.

 
Kết quả, sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân”, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt gần 88 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã kịp thời giải ngân hỗ trợ gần 1.400 hộ hội viên, nông dân đầu tư xây dựng và phát triển 323 mô hình, dự án liên kết hợp tác. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh đã giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4.000 lao động. 

 
Theo đó, nguồn lực về vốn đã được phân bổ và đầu tư cho hầu hết các lĩnh vực phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tối đa những lợi thế của các địa phương. Cụ thể gồm: Số vốn 8,5 tỷ đồng giải ngân cho 100 hộ vay triển khai 16 dự án chăn nuôi (tập trung chủ yếu vào chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm và con đặc sản); nguồn vốn 15,1 tỷ đồng đầu tư cho 171 hộ vay tại 27 dự án trồng trọt (trồng các loại rau, củ quả đảm bảo an toàn thực phẩm); 19,7 tỷ đồng cho 272 hộ vay thực hiện 39 dự án về nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả; 26,1 tỷ đồng cho 270 hộ vay để phát triển 41 dự án ngành nghề truyền thống, sản xuất kinh doanh dịch vụ (phát triển đồ gỗ mỹ nghệ, may gia công, làm đồ gốm)...

 
Qua đánh giá thực tế việc triển khai các dự án trên địa bàn cho thấy, các hộ vay đều đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực. Có vốn, các hộ hội viên, nông dân mạnh dạn đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ; đồng thời xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới đạt giá trị kinh tế và lợi nhuận cao.

 
Trong đó, nổi bật về tính hiệu quả có một số mô hình, dự án gồm: Sản xuất bánh đa nem ở xã Yên Phụ- huyện Yên Phong; phát triển kinh tế VAC tổng hợp tại xã Việt Đoàn- huyện Tiên Du; trồng cà rốt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở xã Minh Tân- huyện Lương Tài; chăn nuôi bò sữa xã Gia Đông, nuôi lợn theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Đại Đồng Thành và phát triển nghề mộc dân dụng ở xã Nghĩa Đạo thuộc địa bàn huyện Thuận Thành; nuôi chim bồ câu kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Cách Bi- huyện Gia Bình…

 
Hội ND tỉnh còn chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; duy trì hoạt động các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, Hội ND các tỉnh, thành phố trong hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh... Nhờ đó, đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của toàn tỉnh.

 
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND chính là hoạt động thiết thực, cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn; hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Nghệ An đã sớm triển khai các nhiệm vụ cụ thể đến các cấp Hội trong toàn tỉnh, đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ HTND.

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lí đạt trên 70,024 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, mức tăng trưởng nguồn vốn của toàn tỉnh đạt 8,26 tỷ đồng, vượt 127,8% so với chỉ tiêu được Trung ương Hội giao.

 
Từ nguồn vốn trên đã và đang triển khai cho 5.037 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 527 mô hình, dự án. Theo đó, có 51 mô hình trồng trọt, 455 mô hình chăn nuôi, 13 mô hình chế biến nông hải sản, 8 mô hình tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ. Bình quân mỗi mô hình được giải ngân nguồn vốn vay từ 300 - 500 triệu đồng; mức vay thấp nhất là 20 triệu đồng/hộ và cao nhất đạt 100 triệu đồng/hộ.

 
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa giúp nâng cao thu nhập, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao, là tiền đề để phát triển thành mô hình các chi, tổ Hội nghề nghiệp.

 
Các cấp Hội đã tạo điều kiện và khuyến khích hội viên, nông dân chủ động tham gia liên kết để hình thành các nhóm nông dân cùng sở thích về sản xuất, kinh doanh. Từ đó tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng cao và sản lượng lớn; đồng thời, giúp bà con có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để hạn chế thấp nhất sự rủi ro.

 
Trong những năm gần đây, xác định việc phát triển kinh tế nông nghiệp chính là cơ hội khởi nghiệp mới ở nông thôn, cũng là cách giúp cải thiện cuộc sống của người dân tại mỗi địa phương, các cấp Hội thường xuyên vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia các hình thức phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Sau khi đã xây dựng được một số mô hình có những sản phẩm tốt, các cấp Hội lại tiếp tục hướng dẫn và đồng hành cùng bà con nông dân hình thành nên những sản phẩm OCOP đạt chất lượng và có thương hiệu ở địa phương.

 
Đáng chú ý, tại nhiều địa phương đã bầu ra ban đại diện để giúp hoạch định kế hoạch sản xuất cũng như giám sát chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua đánh giá cho thấy, các dự án vay vốn Quỹ HTND trong toàn tỉnh đều phát huy tốt hiệu quả, giúp tạo động lực phát triển và nhân rộng các làng nghề, chi Hội nghề nghiệp, các Câu lạc bộ sản xuất, chăn nuôi...

 
Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND còn giúp các cấp Hội ở cơ sở xây dựng được nhiều mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, còn sản xuất ra nhiều loại nông sản hàng hoá có giá trị cao, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

 
Từ các mô hình vay vốn Quỹ HTND trên địa bàn đã góp phần thành lập được 95 chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, 110 Tổ hợp tác nông dân. Một số mô hình kinh tế nổi bật được xây dựng thành công tại các địa phương như: Trồng bưởi Diễn tại xã Thanh Liên (huyện Thanh Chương); chăn nuôi bò giống 3B ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Sơn (huyện Anh Sơn); trồng cam xã Đoài theo tiêu chuẩn VietGAP có dán tem truy xuất nguồn gốc tại xã Đồng Thành (huyện Yên Thành)…

 
Ngoài ra, có nhiều mô hình vật nuôi mới hoặc nuôi con đặc sản đã được các cấp Hội quan tâm, hỗ trợ xây dựng và đầu tư vốn phát triển như: Nuôi nhím, hươu, lợn rừng... bước đầu cho thấy đã phát huy hiệu quả tích cực. Một số dự án chăn nuôi đại gia súc gồm: Trâu, bò, dê sinh sản tại địa bàn các huyện miền núi nhờ phát huy tốt hiệu quả cũng đang được các địa phương quan tâm và nhân rộng.

 
Đáng chú ý, Quỹ HTND tỉnh còn quan tâm đầu tư nguồn vốn để giúp bà con nông dân xây dựng và phục hồi lại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của các địa phương. Tiêu biểu như: Tương Nam Đàn (ở thị trấn Nam Đàn); chế biến, sản xuất nước mắm ở các xã Nghi Hải và Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) hay xã Quỳnh Lập và Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai); chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu ở xã Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai). Ngoài ra, còn có các dự án nuôi trồng thủy hải sản tại xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu), xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc); các làng nghề làm mộc dân dụng ở xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn), xã Thái Sơn (huyện Đô Lương)…

 
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án về đầu tư phát triển các loại cây có múi của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Quỹ HTND tỉnh đầu tư nguồn vốn để xây dựng và phát triển các dự án trồng cam ở địa bàn các xã: Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành. Qua đó, góp phần xây dựng thành công thương hiệu cam Vinh nổi tiếng- là một loại trái cây đặc sản rất ngon và bổ, được thị trường và người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

 
Nhìn chung, từ các dự án được xây dựng và triển khai trên địa bàn đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở khu vực nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề truyền thống của địa phương.

 
Có thể khẳng định, thông qua hình thức hỗ trợ vốn vay theo mô hình, dự án đã làm thay đổi về nhận thức, tư duy sản xuất của hội viên, nông dân; chuyển đổi từ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún để tiến tới biết liên kết, hợp tác với nhau xây dựng các hình thức kinh tế tập thể. Nhiều hội viên, nông dân từ hộ nghèo, sản xuất nhỏ lẻ thì nay đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất nông sản hàng hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới. Qua đó, không chỉ xóa được nghèo cho gia đình mình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác cùng vươn lên trong cuộc sống.

 

Tính đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống đạt 3.928,48 tỷ đồngtăng 204,08 tỷ đồng so với 31/12/2020. Trong đó: Quỹ HTND Trung ương đạt 740,062 tỷ đồng (chiếm 18,84%); Quỹ cấp địa phương đạt 3.188,418 tỷ đồng (chiếm 81,16%).

Các cấp Hội ở địa phương đã tiến hành thu hồi hơn 526 tỷ đồng vốn đến hạn từ 2.523 dự án với 32.228 hộ tham gia vay; đồng thời, giải ngân trên 672 tỷ đồng cho 27.180 hộ vay triển khai thực hiện 2.922 dự án. Theo thống kê, tổng dư nợ từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp hiện đạt trên 2.922 tỷ đồng đang cho 138.306 lượt hộ hội viên, nông dân vay để triển khai 14.196 dự án.

Trần Cung
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng