Tây Ninh: Nhiều hội viên, nông dân làm giàu nhờ nguồn vốn Quỹ HTND
(Quỹ HTND) – Mười năm qua (2010- 2020), Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn quan tâm đến công tác xây dựng, vận động, tăng trưởng phát triển nguồn vốn Quỹ HTND ở tất cả các cấp. Nhờ đó, nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc qua từng năm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND dần đáp ứng được nhu cầu về vốn của hội viên, nông dân để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo lập kinh tế gia đình vững chắc |
Đến nay, Hội ND các cấp đã vận động tăng trưởng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND đạt 43.083 triệu đồng (tăng 36.781 triệu đồng so với năm 2010). Thông qua đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trên địa bàn ngày càng trở nên thuận lợi, có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ của các cấp chính quyền trong tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt cấp bổ sung từ nguồn ngân sách tổng số 14,379 tỷ đồng cho Quỹ HTND hoạt động. Cụ thể, nguồn ngân sách tỉnh cấp 12 tỷ đồng; nguồn cấp huyện 2,254 tỷ đồng, cấp xã 125 triệu đồng. Riêng trong năm 2020, UBND tỉnh đã cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND tỉnh đạt mức 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, 9/9 Hội ND huyện, thị xã, thành phố đều đã xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND để chủ động trong việc triển khai hoạt động. Một số huyện, thị, thành Hội nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên công tác phát triển nguồn vốn Quỹ cũng luôn đạt mức cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra.
Theo đó, huyện Dương Minh Châu đạt mức 01 tỷ đồng trở lên; thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, huyện Tân Châu đạt mức từ 500 triệu- 01 tỷ đồng. Đồng thời, có 94/94 Hội ND xã, phường, thị trấn cũng đã xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND và chuyển lên cấp huyện quản lý 23,129 tỷ đồng.
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang quản lí đạt 55.863 triệu đồng. Trong đó: Nguồn ủy thác của Trung ương Hội là 12,8 tỷ đồng; nguồn Quỹ cấp tỉnh đạt 14,73 tỷ đồng; nguồn cấp huyện là 5,358 tỷ đồng; nguồn vốn do Hội ND xã xây dựng được 23,129 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tích cực chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ HTND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn xây dựng, thẩm định và phê duyệt các dự án sản xuất, kinh doanh. Nhờ nguồn vốn của Quỹ HTND được hỗ trợ kịp thời đã góp phần tiếp sức cho hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực, đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Tính đến nay, các cấp Hội đã tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ và ra quyết định giải ngân 180,637 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình, dự án đạt hiệu quả rõ nét, gồm: Trồng trọt (lúa, mãng cầu); chăn nuôi (nuôi bò, lợn, gà); nuôi thủy sản (baba); phát triển các ngành nghề truyền thống (đan lát, sản xuất đồ gỗ); sản xuất kinh doanh hoa kiểng…
Trong đó, nguồn vốn ủy thác của Trung ương 46,915 tỷ đồng đang triển khai tại 102 dự án phát triển kinh tế cho 2.236 lượt hộ hội viên, nông dân vay; nguồn vốn cấp tỉnh đang cho 2.843 hộ vay 43,921 tỷ đồng để triển khai thực hiện 165 dự án; vốn cấp huyện 89,802 tỷ đồng triển khai cho 10.270 lượt hộ vay. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương và kịp thời triển khai việc xoay vòng vốn đầu tư tại các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế nguồn vốn tồn đọng, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tiến hành thu hồi và xoay vòng vốn của các dự án đã đến hạn đảm bảo đúng qui định.
Quy trình cho vay vốn được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn. Theo đó, các hộ có nhu cầu vay vốn được tổ chức bình xét công khai, dân chủ; các hộ có đủ điều kiện tham gia dự án đều được hỗ trợ vay vốn, được thảo luận, xây dựng quy ước hoạt động của dự án. Mặt khác, các hộ vay vốn còn được tham gia thường xuyên các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia những buổi sinh hoạt do các cấp Hội phối hợp tổ chức để có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh...
Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất liên kết, nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất kinh doanh, cùng ngành nghề sản xuất. Đồng thời, để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển biến tích cực cũng góp phần xây dựng và hình thành nên đội ngũ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh ngày một tăng cao.
Tiêu biểu như các mô hình về trồng trọt gồm: Mãng cầu, cao su, thanh long ruột đỏ, lúa, mì, rau, hồ tiêu, trồng hoa kiểng. Một số mô hình chăn nuôi như: Nuôi gia súc, gia cầm (bò, dê, lợn, gà); nuôi thủy sản (baba, cá lóc bông). Ngoài ra, còn có các ngành nghề truyền thống khác như đan lát; mua bán nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh đồ gỗ...
Hiện đã có một số mô hình sản xuất quy mô lớn được triển khai tại nhiều địa phương đang phát huy hiệu quả, là cơ sở để hình thành một số mô hình kinh tế tập thể. Điển hình có: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa tại huyện Trảng Bàng; Tổ liên kết trồng mãng cầu tại thành phố Tây Ninh; Tổ liên kết trồng thanh long ruột đỏ ở ấp 3, xã Bàu Đồn- huyện Gò Dầu; Tổ hợp tác nuôi ba ba tại xã Phước Ninh- huyện Dương Minh Châu…
Nhìn chung, đa số các hộ hội viên, nông dân khi tham gia thực hiện dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, hoàn trả vốn vay theo thời hạn đúng quy định. Một số mô hình, dự án được triển khai cho thấy đạt hiệu quả về kinh tế rõ rệt; đồng thời, khi được nhân rộng quy mô sản xuất giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân trên địa bàn.
Cùng với đó, để tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân vươn lên trong cuộc sống, các cấp Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các công đoạn được ủy thác nguồn vốn vay.
Theo đó, các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động phối hợp với ngân hàng CSXH tỉnh trong việc ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hiện, tổng dư nợ của 11 chương trình tín dụng ưu đãi do các cấp Hội đang quản lý đạt 1.216 tỷ đồng với 49.807 lượt hộ hội viên, nông dân vay thông qua 1.232 Tổ TK&VV do các cấp Hội thành lập và quản lý.
Hàng năm, công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV cũng thường xuyên được Hội phối hợp với phía ngân hàng đẩy mạnh thực hiện. Thông qua công tác bình xét, xếp loại định kì cho thấy, có 815 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 66,1%); 277 Tổ xếp loại khá (chiếm 22,4%); 117 Tổ xếp loại trung bình (chiếm 9,6%).
Trong đó 1.232/1.232 Tổ TK&VV được ủy nhiệm thu lãi và thu tiết kiệm với 49.807 thành viên tham gia; 100% số Tổ TK&VV đều có tiền gửi tiết kiệm với số dư nợ tiết kiệm đạt trên 90,5 tỷ đồng, có tổng số 49.421/49.807 hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm (chiếm 99,23% số hộ đang có dư nợ).
Hiện, Hội ND tỉnh chỉ đạo 9/9 huyện, thành Hội ký kết chương trình phối hợp cho vay với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT; 95/95 xã, phường, thị trấn hiện đều đang có dư nợ ủy thác với Agribank cùng cấp.
Thông qua tổ chức Hội, tổng dư nợ với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT hiện đạt 2.308 tỷ đồng với 30.844 lượt hộ hội viên, nông dân được xét vay vốn để triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh thông qua 1.088 Tổ Vay vốn.
Qua đánh giá, nhìn chung, các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như: Hộ ông Đặng Xuân Lộc ở thị trấn Dương Minh Châu với mô hình tổng hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Huế ở ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) trồng cây mãng cầu, cao su mang lại nguồn lợi nhuận trên 600 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Thêm ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) với mô hình nuôi cá lóc bông và baba cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mưc thu nhập ổn định từ 3- 5 triệu đồng/tháng; hộ ông Phạm Văn Toại - xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) nuôi 5.000 con baba bố mẹ, 40.000 con baba thịt và cá lóc đang cho thu nhập mức hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động với thu nhập ổn định từ 3 triệu - 5 triệu đồng/tháng…
Đáng chú ý, nhờ kịp thời nắm bắt được nhu cầu của những hộ hội viên, nông dân tại các địa phương đang rất cần nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất (mức trên 200 triệu đồng/hộ), Hội ND tỉnh đã tích cự phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tạo điều kiện cho vay vốn đối với những hộ hội viên, nông dân đáp ứng điều kiện, phương án sản xuất hiệu quả, có nguồn thu để trả nợ.
Tính đến cuối năm 2020, ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã mở 3 chi nhánh giao dịch tại địa bàn các huyện gồm: Tân Châu, Gò Dầu, thành phố Tây Ninh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác phối hợp với các cấp Hội để triển khai cho vay nguồn vốn.
Hiện, dư nợ nguồn vốn giữa các cấp Hội với ngân hàng Bưu điện Liên Việt đạt 154,198 tỷ đồng, triển khai cho 690 hộ hội viên, nông dân vay tại 246 Tổ Vay vốn. Nhìn chung, các chương trình đều đã và đang triển khai đạt hiệu quả, trên địa bàn tỉnh không phát sinh nợ quá hạn.
Đối với những mô hình, dự án được đánh giá đạt hiệu quả sản xuất thì hội viên, nông dân thậm chí có thể được xét cho vay với số vốn rất cao. Điển hình như Hội ND thị trấn Dương Minh Châu, nhờ triển khai tốt công tác phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đến nay, tổng dư nợ của thị trấn đạt 8,4 tỷ đồng/2 hộ vay, không có nợ quá hạn. Trong đó, các hộ vay vốn chủ yếu đang đầu tư sản xuất với quy mô lớn.
Hộ gia đình ông Trần Ðình Lân ở khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu được xét vay vốn 7 tỷ đồng từ ngân hàng Bưu điện Liên Việt để đầu tư phát triển mô hình nuôi lợn với qui mô lớn (nuôi gia công) khoảng 1.700 con. Đồng thời, để tận dụng và phát huy tối đa diện tích ao nuôi, ông còn kết hợp cải tạo để nuôi cá tra, cá ba sa và vịt siêu thịt với số lượng đàn khoảng 8.000 con đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hàng năm.
Hay như hộ ông Võ Ngọc Lành ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) lại thành công với mô hình trồng nấm rơm. Năm 2018, được hỗ trợ xét khoản vay vốn 500 triệu đồng từ ngân hàng Bưu điện Liên Việt để phát triển mô hình, đến kỳ đáo hạn 1 năm, ông đã hoàn trả được hết nợ cũ và được xét tiếp tục cho vay thêm 700 triệu đồng. Nhờ khéo léo trong làm ăn, ông Lành đã trả dứt nợ gốc cho ngân hàng; mở rộng quy mô sản xuất từ 1 ha lên 2 ha. Hiện nay, bình quân mỗi tuần vườn nấm của gia đình ông cho thu hoạch khoảng 3,5 tấn, cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và xuất sang Campuchia. Sau khi trừ hết mọi chi phí, lợi nhuận của gia đình ông đạt khoảng 3- 4 triệu đồng/ngày.
Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho trên 2.757 ngàn lao động tại địa bàn nông thôn; góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả tại các địa phương. Mặt khác, nhờ các hoạt động đa dạng của Quỹ HTND đã giúp cho nhiều hộ hội viên, nông dân còn khó khăn có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống.