Hội hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân làm giàu
13:20 - 15/09/2021
(Quỹ HTND)- Trong 10 năm qua, Quỹ HTND các cấp tỉnh Quảng Ninh đã giúp trên 5.000 lượt hộ vay vốn thông qua 760 dự án, mô hình phát triển sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Từ đồng vốn Quỹ HTND, hội viên liên kết xây dựng các mô hình kinh tế tập thể

Nguồn vốn vay từ Quỹ được giải ngân đảm bảo đúng quy định, đối tượng và mục đích sử dụng, nhờ đó đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.


Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND  toàn tỉnh là 54,66 tỷ đồng, tăng hơn 52 tỷ so với năm 2011. Giai đoạn 2011 - 2020, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã cho 4.955 lượt hộ vay vốn thông qua 754 dự án phát triển sản xuất gắn với xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn.

 
Theo thống kê, năm 2021, Quỹ HTND tỉnh có gần 22 tỷ đồng, đến ngày 31/5 Quỹ đã giải ngân 4,7 tỷ đồng cho 8 dự án với 79 hộ vay.


Nhiều vùng sản xuất lớn đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ HTND tỉnh, như: Vùng trồng cây vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí); vùng trồng cây chè hoa vàng, ba kích (huyện Ba Chẽ); vùng nuôi tôm thẻ chân trắng (TP Móng Cái); vùng nuôi rươi cáy sông Cầm, vùng trồng na Việt Dân (TX Đông Triều); vùng nuôi trồng thủy hải sản ven biển (TX Quảng Yên)...


Cùng với ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án, Quỹ HTND các cấp còn tạo điều kiện để hội viên, nông dân có cơ hội tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, kinh doanh, kỹ năng bán hàng; kết nối các bên liên quan... Qua đó, góp phần giúp hội viên xây dựng thành công các thương hiệu nông sản theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

 
Cùng với đó, Hội tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng Liên Việt với tổng dư nợ tính đến 31/5/2021 là gần 800 tỷ đồng,với 312 tổ và 6.458 thành viên; với Ngân hàng Chính sách xã hội tổng dư nợ là1.074,9tỷ đồng cho 22.683hộ vay, thông qua 698 tổ vay vốn.

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn chủ động liên hệ, ký kết, phối hợp với các nhà khoa học về nông nghiệp, với Khoa Nông học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc một số cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thông qua các mô hình khảo nghiệm để làm căn cứ mở rộng diện tích, phát triển các vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn.

 
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, giai đoạn (2015-2020) các cấp Hội đã phối hợp cung cấp 7.288 tấn phân bón theo phương thức trả chậm cho 2.379 lượt hộ hội viên; cung ứng 560 tấn thức ăn chăn nuôi, 1.300 tấn giống, 12 tấn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; xây dựng 18 mô hình, cung ứng chế phẩm sinh học tiên tiến phục vụ sản xuất; hỗ trợ 30 máy nông nghiệp các loại; tổ chức các hội nghị gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với các chủ trang trại, gia trại tiêu biểu, đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân tham gia sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; Tổ chức cho nông dân giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại 58 hội chợ trong và ngoài tỉnh; có 20 sản phẩm của hội viên nông dân trong tỉnh được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc.

 
Đến nay toàn tỉnh có 236 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt sao, trong đó có 06 sản phẩm do Hội Nông dân làm chủ sở hữu; 52 sản phẩm trực tiếp các cấp Hội tham gia hỗ trợ, giúp hội viên xây dựng và thường xuyên giới thiệu, tiêu thụ tại các hội chợ và trung tâm OCOP.


Nhờ sự hỗ trợ từ Hội đã góp phần đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh trở thành phong trào vững chắc, thực sự là điểm sáng trong các phong trào thi đua của Hội, là nhân tố điển hình góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh.
 
 

Phương Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng