Hòa Bình: Trên 6.500 lượt hộ hội viên, nông dân được “tựa lưng” đồng vốn
11:00 - 22/02/2021
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND chính là hoạt động thiết thực, cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân trên địa bàn xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhằm xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND giúp nhiều hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao trình độ canh tác, phát huy hiệu quả kinh tế |
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý đạt trên 35.800 triệu đồng cho 1.329 hộ hội viên, nông dân vay tại 175 dự án. Trong đó: Nguồn vốn của Trung ương ủy thác 13.850 triệu đồng; nguồn ngân sách tỉnh cấp 9.249 triệu đồng; ngân sách huyện cấp 5.860 triệu đồng; nguồn thu ủng hộ của cấp cơ sở đạt 6.752 triệu đồng; nguồn vốn mượn 150 triệu đồng.
Hàng năm, các cấp Hội đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trích từ ngân sách bổ sung nguồn vốn sang cho Quỹ hoạt động. Nhờ đó, mức tăng trưởng vốn Quỹ HTND có sự phát triển vượt bậc; hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh không những được hỗ trợ về vốn để đầu tư phát triển sản xuất mà còn biết liên kết với nhau để cùng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, giúp các sản phẩm nông nghiệp làm ra có năng suất và chất lượng cao.
Từ khi có Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đã có 10/10 đơn vị Hội cấp huyện đều đã được ngân sách cấp bổ sung Quỹ HTND (đạt 100%); 150/150 Hội ND cấp xã cũng vận động xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND (32 xã có nguồn Quỹ HTND xây dựng đạt mức từ 50 - 100 triệu đồng).
Năm 2020, một số đơn vị Hội cấp huyện nhờ làm tốt công tác tham mưu đã được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm phê duyệt sớm nguồn ngân sách. Có 07/10 huyện Hội được cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND đạt mức trên 500 triệu đồng, tiêu biểu như: Thành phố Hòa Bình 1.210 triệu đồng; huyện Lạc Sơn 700 triệu đồng; huyện Kim Bôi 650 triệu đồng; huyện Lương Sơn 630 triệu đồng; huyện Cao Phong 550 triệu đồng…
Để phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu được giao và tình hình thực tế của từng địa phương, các cấp Hội trong tỉnh phát động phong trào thi đua, tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia đóng góp, ủng hộ để xây dựng Quỹ. Theo đó, tiến hành vận động trong tổ chức Hội mỗi cán bộ đóng góp từ 50.000- 100.000 đồng/năm; mỗi hội viên, nông dân 10.000 đồng/năm trở lên. Kết quả vận động tăng trưởng nguồn vốn toàn tỉnh trong 10 năm qua (giai đoạn 2011- 2020) đạt được 34.304 triệu đồng.
Mười năm qua, lũy kế dư nợ từ nguồn vốn Quỹ HTND đạt 134.725 triệu đồng đã hỗ trợ cho trên 6.500 lượt hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện 527 dự án. Trong đó: 212 dự án trồng trọt, giải ngân 54.280 triệu đồng (chiếm 47,82%); 195 dự án chăn nuôi giải ngân 61.528 triệu đồng (chiếm 37%); 69 dự án nuôi trồng thủy sản giải ngân 15.452 triệu đồng (chiếm 13,09%); 11 dự án loại hình khác giải ngân 3.465 triệu đồng (chiếm 2,09%)… Nhìn chung, các hộ vay vốn Quỹ HTND đều được các cấp Hội hướng dẫn phương án làm ăn nhằm sử dụng đồng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, các cấp Hội đã chú trọng việc cho vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ. Thông qua đó, đã giúp hình thành nên các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm và gia tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia mô hình.
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã kịp thời giải ngân giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân vay để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Nhiều mô hình, dự án vay vốn trên địa bàn hiện đã và đang chuyển dịch theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng giá trị. Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ biết tận dụng lợi thế vùng để phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tại nhiều địa phương cũng đã xuất hiện những mô hình kinh tế hiệu quả, được các cấp, các ngành đánh giá cao. Tiêu biểu như: Dự án nuôi bò sữa tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn); trồng và chăm sóc bưởi Diễn ở xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy); trồng và chăm sóc cây cam ở các xã Tây Phong và Nam Phong (huyện Cao Phong); chăn nuôi trâu vỗ béo xã Dũng Phong, huyện Cao Phong; chăn nuôi dê ở xã An Bình và nuôi bò sinh sản ở xã Liên Hòa (huyện Lạc Thủy); nuôi cá dầm xanh tại xã Vạn Mai (huyện Mai Châu)…
Qua đánh giá, nhìn chung các mô hình, dự án khi triển khai đều đạt được cả hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội. Ước tính thu nhập của các hộ gia đình tham gia dự án đều gia tăng qua từng năm, bình quân đạt 40 triệu đồng/hộ/năm; một số mô hình còn đạt mức thu nhập cao tới trên 50 triệu đồng/năm…
Bên cạnh việc xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội còn thường xuyên tăng cường sự phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn nhằm triển khai tốt những nội dung của hoạt động uỷ thác đã ký kết. Qua đó, tạo điều kiện đa dạng hóa các “kênh” vay vốn để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh giúp gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Những năm qua, Hội ND tỉnh cũng tích cực phối hợp ngân hàng CSXH thực hiện các công đoạn ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác. Hiện tổng dư nợ của các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua 698 Tổ TK&VV đạt 854.600 triệu đồng với 26.441 hộ tham gia vay vốn.
Chất lượng hoạt động tín dụng được nâng lên qua từng năm; việc đánh giá phân loại Tổ TK&VV được phối hợp thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp Hội đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ; đồng thời, tích cực phối hợp với phía ngân hàng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV để từ đó có giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém. Theo đó, có 590 Tổ xếp loại tốt (chiếm 84,53%); 98 Tổ loại khá (chiếm 14,04%); 09 Tổ trung bình (chiếm 1,3%)...
Toàn tỉnh có 100% số Tổ TK & VV đã tổ chức ký xong hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiền tiết kiệm vay vốn. Nhìn chung, công tác thu lãi đều đạt kết quả tốt với tỷ lệ thu lãi, thu tiết kiệm hàng tháng đạt 99%. Các hộ vay vốn cũng tích cực tham gia hoạt động gửi tiền tiết kiệm với số dư đạt 25.187 triệu đồng; bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi Tổ TK&VV đạt trên 31 triệu đồng; bình quân mỗi thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm đạt trên 84.000 đồng/thành viên.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên việc phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trong thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 11/11 huyện, thành Hội và 175/208 xã đã ký kết chương trình phối hợp với chi nhánh ngân hàng Agribank cùng cấp. Tổng dư nợ trên toàn địa bàn hiện đạt 2.572 tỷ đồng, cho 32.542 thành viên tham gia vay thông qua 976 Tổ Vay vốn (tăng 302.597 triệu đồng).
Qua quá trình kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả của các mô hình, dự án sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn cho thấy, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, trả gốc và phí đầy đủ, đúng hạn; không có hiện tượng xâm tiêu hay chiếm dụng vốn.
Ngoài ra, để đa dạng hóa các nguồn vốn ưu đãi, Hội ND tỉnh còn tích cực phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank tổ chức tập huấn quy trình vay vốn tại các huyện: Lạc Sơn, Yên Thủy cho 82 cán bộ Hội cấp huyện, xã. Tổng dư nợ với ngân hàng hiện đạt 54,740 tỷ đồng cho 897 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua mô hình 95 Tổ Liên kết. Đồng thời, Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với ngân hàng tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho 272 cán bộ Hội các cấp.
Từ các nguồn vốn vay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân khi tham gia vay vốn đã ý thức được rõ trách nhiệm của mình để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, biết đầu tư đúng hướng, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định. Đáng chú ý, nhiều hội viên, nông dân tại cơ sở còn biết tương trợ, giúp đỡ nhau trong làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất để phát triển kinh tế, trở thành những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Được xét duyệt tham gia vào dự án chăn nuôi gà do Hội ND tổ chức, anh Quách Văn Trọng ở thôn Măng, xã Hưng Thi- huyện Lạc Thủy đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND huyện và vay thêm 50 triệu đồng từ vốn ngân hàng CSXH để mua con giống, xây dựng chuồng trại kết hợp mở rộng diện tích trồng một số loại cây ăn quả. Sau 2 năm triển khai, nhờ biết tích cực áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt được tham dự, mô hình tổng hợp của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Đến nay, trang trại của gia đình anh đang tập trung chủ yếu nuôi gà kết hợp trồng 2 ha cây ăn quả lâu năm (gồm cam và bưởi); ngoài ra, anh còn tận dụng diện tích 6.000 m2 đất vườn để trồng quả lặc lày cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả/vụ. Ước tính tổng thu nhập bình quân của gia đình anh từ mô hình tổng hợp nói trên đạt gần 300 triệu đồng/năm.
Hộ ông Bùi Văn Nhạn ở xóm Be Dưới, xã Chí Đạo- huyện Lạc Sơn được vay 20 triệu đồng từ ngân hàng CSXH để mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Sau vài tháng chăn nuôi và thực hiện việc phòng trị bệnh đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, đã đẻ thêm được 02 con bê. Ngoài ra, tận dụng địa hình núi đá ở địa phương, ông đầu tư nuôi thêm dê núi và gà bản địa để tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ biết cách tính toán làm ăn kiểu luân canh gối vụ, hiện mỗi năm, mô hình tổng hợp đã giúp gia đình ông dần ổn định cuộc sống.
Có thể thấy, việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao trình độ canh tác; phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững... Qua đó, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương đạt kết quả.
Duy Mạnh