Trà Vinh: Phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND
09:39 - 15/12/2020
(Quỹ HTND) – Hiện nay, công tác xóa đói, giảm nghèo đang được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp hội viên, nông dân tiếp cận được với các nguồn vốn, chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất các loại cây, con đặc sản.

Nguồn vốn Quỹ HTND đã có những tác động rất lớn đến việc nâng cao nhận thức cho các hộ hội viên, nông dân, biết đầu tư tập trung phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi giúp gia tăng lợi nhuận

 
Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội ND tỉnh luôn chú trọng việc quan tâm và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất để tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Quỹ HTND tỉnh cũng luôn đồng hành cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nhằm giúp cho nhiều lao động nông thôn có thêm việc làm, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

 
Hiểu được vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND ở tất cả các cấp. Năm 2020, nhờ triển khai nhiều giải pháp phù hợp, linh hoạt đã giúp cho nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện phát triển và tăng trưởng đạt gần 02 tỷ đồng.

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do các cấp Hội trong tỉnh quản lý đạt trên 32 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương ủy thác 9,4 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh cấp 7 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện cấp 10,3 tỷ đồng; nguồn vốn vận động được hơn 4,6 tỷ đồng.

 
Từ nguồn vốn Quỹ, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo, giải ngân cho 3.927 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh tại 325 dự án, mô hình. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.800 lao động nông thôn; tập trung xây dựng 194 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả.

 
Trong năm 2020, Quỹ HTND đã giải ngân trên 6,38 tỷ đồng cho 28 dự án và mô hình với 254 hộ hội viên, nông dân vay. Quỹ HTND đã kịp thời tiếp sức, chia sẻ những khó khăn nhằm giúp cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân từng bước phục hồi và đẩy mạnh phát triển sản xuất trên các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, mua bán nhỏ…
 

Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi tại các địa phương cho thấy đã mang lại hiệu quả và giá trị về kinh tế, đồng thời giúp phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất hoa kiểng; chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, dê sinh sản, lợn, gà; sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; trồng màu an toàn; trồng cam sành; bưởi da xanh…

 
Hiện, dư nợ nguồn vốn vay của Quỹ HTND thành phố Trà Vinh đạt hơn 1,9 tỷ đồng; trong đó, từ nguồn vốn ủy thác của tỉnh Hội là 800 triệu đồng và từ nguồn vốn của thành phố hơn 1,1 tỷ đồng. Hội ND thành phố đang tập trung triển khai và đầu tư cho 105 hộ hội viên, nông dân vay vốn thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt… nhằm phát huy tốt những lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế.

 
Hầu hết các dự án do nguồn vốn Quỹ HTND thành phố quản lý đều được triển khai tại những vùng tập trung đông dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận động bà con nông dân cùng đầu tư sản xuất hàng hóa, nuôi trồng một loại cây, con, phát triển cùng ngành nghề, lĩnh vực cho đến ứng dụng khoa học kỹ thuật… Thông qua cách làm này, các hộ dân biết chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho nhau; đồng thời, các thành viên trong vùng dự án còn biết phân công các công đoạn sản xuất theo mỗi nhóm hộ để có thể nhanh chóng hỗ trợ lẫn nhau, giúp giảm chi phí và nâng hiệu quả sản xuất.

 
Đáng chú ý, từ nguồn vốn vay đã giúp hội viên, nông dân hình thành mô hình các nhóm hộ liên kết sản xuất để tạo ra giá trị hàng hóa lớn hơn, vươn lên làm giàu theo hướng nông nghiệp đô thị. Các dự án vay vốn Quỹ HTND đã góp phần xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân.

 
Một điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND là mô hình chăn nuôi gà Ai Cập của hộ ông Thạch Nhân ở khóm 6, phường 8. Được Hội ND phường tạo điều kiện xét cho vay 20 triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư mua 300 con gà Ai Cập về nuôi.

 
Qua việc chịu khó học hỏi, tìm hiểu về đặc tính và các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho giống gà siêu đẻ trứng (trung bình đạt 200 quả trứng/con mái) có nguồn gốc từ vùng Ai Cập này nên ông đã lựa chọn và xây dựng chuồng nuôi ở vị trí cao ráo, dễ thoát nước. Đến khi đàn gà nuôi được khoảng hơn 1 tháng tuổi sẽ thả ra sân để gà tự do vận động và tìm kiếm thức ăn.

 
Hiện, đàn gà của gia đình ông có trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 - 2 kg/con và bắt đầu đẻ trứng. Với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay khoảng 2.500 đồng/quả trứng thì gia đình ông sẽ có nguồn thu không hề nhỏ. Ngoài ra, ước tính mỗi con giống gà Ai Cập kể từ lúc nuôi còn nhỏ cho đến khi xuất bán chi phí chỉ tốn khoảng 70.000 đồng, tuy nhiên lại có giá bán khá cao (từ 100.000 - 120.000 đồng), lợi nhuận thu được cao hơn so với một số loại gia cầm khác.

 
Hộ anh Bùi Văn Hồng ở ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức nhờ nắm bắt kịp thời xu thế của thị trường nên đã đầu tư phát triển mô hình trồng hoa lan kiểng. Được vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND thành phố, anh đã xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị là vườn bonsai, hoa lan trên diện tích 2.500 m2. Hiện, gia đình đang chăm sóc trên 3.000 giò hoa lan kiểng với hơn 20 chủng loại khác nhau, từ lan rừng cho đến một số giống lan được nhập về từ Thái Lan.

 
Để đảm bảo đủ nguồn sản phẩm đầu ra cung cấp cho thị trường, nhất là phục vụ các dịp lễ, Tết, anh tập trung thực hiện mô hình theo hình thức cuốn chiếu. Theo đó, từ khi nhập giống cây về, anh tiến hành ươm và chăm dưỡng từ 5- 6 tháng là có thể xuất bán, với giá bán hơn 80.000 đồng/giò lan, bình quân gia đình anh có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn có thêm nguồn thu khác từ việc bán các loại cây kiểng, bon sai…

 
Đến nay, Hội ND huyện Châu Thành đang quản lý gần 4,1 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND, hỗ trợ cho 224 hộ hội viên, nông dân trong huyện vay để thực hiện 17 dự án, mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hình thức liên kết nhóm giúp mang lại hiệu quả kinh tế.

 
Được hỗ trợ kịp thời nguồn vốn vay 500 triệu đồng, 20 thành viên của Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản tại địa bàn các ấp Đa Hòa Bắc và Qui Nông A của xã Hòa Lợi rất phấn khởi, tự tin đầu tư phát triển mô hình. Có vốn, các thành viên mạnh dạn đầu tư mua 40 con bò cái để nuôi sinh sản (trung bình mỗi thành viên mua 02 con).

 
Sau 03 năm thực hiện mô hình, trung bình mỗi thành viên trong Tổ hợp tác đều đã có thêm từ 03- 04 con nghé, giúp tổng đàn bò sinh sản của Tổ hợp tác tăng lên thành 70 con. Các thành viên tham gia mô hình có thu nhập ổn định, từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, lợi nhuận bình quân đạt từ 50- 80 triệu đồng/người.

 
Ông Nguyễn Hữu Phú ở ấp Qui Nông A, xã Hòa Lợi là một trong số các thành viên của Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản. Được Hội ND xã tạo điều kiện hỗ trợ vay 25 triệu đồng, ông đã mua 02 con bò cái nuôi sinh sản. Hiện, đàn bò của gia đình ông phát triển thành 05 con; theo cách tính toán, mỗi năm lợi nhuận đạt khoảng 80 triệu đồng. 

 
Từ nguồn vốn trên 03 tỷ đồng, Quỹ HTND huyện Cầu Kè giải ngân cho 133 hộ hội viên, nông dân vay để phát triển các mô hình như: Nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn, sản xuất lúa, trồng bưởi, mua bán nhỏ... Nhìn chung, nguồn vốn đã có những tác động rất lớn đến việc nâng cao nhận thức cho các hộ hội viên, nông dân trong huyện, tập trung phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi.

 
Hộ bà Huỳnh Thị Hoa ở ấp An Hòa, xã An Phú Tân là một trong 10 hộ dân được xét tham gia vào dự án nuôi bò sinh sản. Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Quỹ HTND, gia đình bà đầu tư thêm 15 triệu đồng nữa để mua 01 con bò mẹ và 01 bò con về chăm sóc. Sau gần 03 năm, đàn bò sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đã đẻ thêm 02 con bê; trừ các khoản chi phí, mỗi con bò sau khi xuất chuồng cho thu nhập từ 13- 15 triệu đồng/con. Ngoài ra, để tăng thêm nguồn thu nhập, bà còn tích cực chăm sóc 500 m2 vườn cây ăn quả, tận dụng các khu vực đất trống trong vườn để trồng cỏ giúp chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò.

 
Để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 3.205 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách thức làm ăn cho 165.214 lượt hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn và thành lập mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để liên kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, tư vấn về phương án sản xuất, hướng dẫn cách quản lý, sử dụng… giúp gắn kết và gia tăng giá trị kinh tế.

 
Hàng năm, các cấp Hội tiếp tục chủ động phối hợp với ngân hàng CSXH cùng cấp hỗ trợ vốn cho 38.538 hộ hội viên, nông dân tham gia vay tại 919 Tổ TK&VV. Hiện, tổng dư nợ của Hội với ngân hàng CSXH đạt trên 807 tỷ đồng, đang đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giúp hội viên, nông dân xóa nghèo và vươn lên làm giàu.

 
Các cấp Hội còn chủ động phối hợp thường xuyên với ngân hàng CSXH tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ ủy thác vay vốn cho 2.144 lượt cán bộ Hội ở cơ sở, các chi, tổ Hội và Tổ TK&VV. Qua đó, giúp các cán bộ làm công tác chuyên trách nâng cao ý thức, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tín dụng, thực hiện tốt việc phối hợp với cán bộ ngân hàng triển khai công tác bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn vốn vay cũng như việc đôn đốc trả nợ gốc, thu lãi tiền vay và huy động tiền gửi tiết kiệm…

 
Có thể thấy, việc ưu tiên đầu tư cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt là hướng đi đúng đắn, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, xã hội của các địa phương trong tỉnh, giúp phát huy hiệu quả, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho hội viên, nông dân. Đáng chú ý, từ các mô hình vay vốn Quỹ HTND đã và đang dần hình thành những nhóm hộ liên kết theo chuỗi; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.


 

Thanh Tú
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng