An Giang: Vốn Quỹ HTND giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm
11:06 - 25/11/2020
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Hội ND các cấp đã quan tâm, hỗ trợ hội viên, nông dân nguồn lực về vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý đạt 31 tỷ đồng; hàng năm ngân sách tỉnh phê duyệt và hỗ trợ nguồn vốn cho Quỹ cấp tỉnh 1 tỷ đồng, đối với Quỹ cấp huyện là 500 triệu đồng.

Nhiều dự án vay vốn Quỹ HTND còn giúp hội viên, nông dân cùng liên kết, xây dựng các mô hình Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh mang lại giá trị kinh tế cao

 

Từ nguồn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn, kịp thời đầu tư cho phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.


Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả và sử dụng đúng mục đích, các cấp Hội đã chú trọng việc xây dựng kế hoạch và triển khai giải ngân cho vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, Câu lạc bộ sản xuất, nhóm hộ, trang trại...

 
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất ở nhiều lĩnh vực, gồm: Chăn nuôi bò, dê, lươn và cây ăn trái… Bên cạnh đó, có nhiều dự án vay vốn Quỹ HTND đã xây dựng được các mô hình Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh; góp phần giúp hội viên, nông dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm để cùng tập trung nguồn lực đầu tư thâm canh giúp tăng năng suất và thu nhập cũng như giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

 
Tính đến nay, Hội ND huyện Chợ Mới đang quản lý gần 5,3 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND, triển khai hỗ trợ cho 177 lượt hộ hội viên, nông dân vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó: Nguồn vốn do Trung ương ủy thác 2,54 tỷ đồng; nguồn cấp tỉnh quản lý 1,04 tỷ đồng; nguồn cấp huyện đạt gần 1,7 tỷ đồng.

 
Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội ND huyện thường xuyên chỉ đạo và phối hợp với Hội ND các xã tiến hành việc khảo sát đối với các hộ có nhu cầu vay vốn; tập trung ưu tiên lựa chọn các hộ gia đình chí thú làm ăn. Từ nguồn vốn Quỹ HTND được các cấp trong huyện triển khai hiệu quả, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.

 
Đáng chú ý, hiện nay, các cấp Hội trong huyện còn đang tập trung triển khai phương thức cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh có sự liên kết của các Tổ hợp tác, Câu lạc bộ sản xuất, nhóm hộ, làng nghề… giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình phát huy tính hiệu quả rõ rệt, đem lại nguồn thu nhập cho các hộ tham gia từ 50- 100 triệu đồng/năm.

 
Được vay 1,3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND, 35 hộ hội viên, nông dân tại xã Bình Phước Xuân đã mở rộng sản xuất, tham gia mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; lợi nhuận bình quân đạt từ 300- 400 triệu đồng/ha/năm.

 
Phát huy hiệu quả đạt được, mô hình hiện còn được đưa vào chương trình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và đang tiếp tục nhân rộng ra các xã như: Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ. Hầu hết các hộ trồng xoài đều đã tham gia vào Hợp tác xã trái cây VietGap, tham gia Hội quán nông dân và thực hiện đúng các quy trình sản xuất của chuỗi cung ứng trái cây sạch giúp mang lại nguồn lợi nhuận ổn định.

 
Hội ND huyện cũng xác định chăn nuôi bò được xem là nghề đơn giản, đem lại sinh kế ổn định cho nông dân, đồng thời tận dụng được thời gian nhàn rỗi và khả năng rủi ro thấp nên đã xây dựng và triển khai dự án 3B (Bắp- Bò- Biogas) tại địa bàn xã Mỹ An. Các hộ dân khi tham gia vào dự án được hỗ trợ nguồn vốn vay từ 20 – 50 triệu đồng/hộ. Ban đầu, các hộ đầu tư nuôi từ 2 con bò, đến nay số lượng bò của mỗi hộ đều đã tăng lên khá nhiều (khoảng từ 4 – 10 con bò).
 

Với 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, hộ ông Nguyễn Văn Hưng ở tổ 7, ấp Mỹ Phú, xã Mỹ An đã đầu tư và phát triển mô hình 2B (trồng bắp - nuôi bò). Nhờ được chăm sóc tốt nên đàn gia súc ngày càng khỏe mạnh và phát triển thành 10 con bò thịt, giúp mang lại lợi nhuận cao cho gia đình ông. Nhận thấy hiệu quả của mô hình tổng hợp mang lại, ông tiếp tục xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò thịt và trồng bắp (ngô) làm thức ăn cho đàn gia súc.

 
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND huyện An Phú quản lý đạt trên 1,8 tỷ đồng. Hội ND huyện luôn xác định rõ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND nên trong công tác chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên, nông dân hiểu và xây dựng ủng hộ. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn đều đã xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND; trong đó, 3 xã có nguồn vốn đạt trên 100 triệu đồng.

 
Từ nguồn vốn này, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn huyện đã có 77 lượt hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, với mức vay bình quân từ 10 - 50 triệu đồng/hộ.

 
Bên cạnh đó, Hội còn hướng dẫn cách thức sản xuất cho các hộ vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi để giúp hội viên, nông dân có thêm kiến thức. Đồng thời, các cấp Hội ở cơ sở cũng thường xuyên quan tâm, kiểm tra, theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng nguồn vốn vay của các hộ hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Nhiều mô hình vay vốn Quỹ HTND đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò thịt tại xã Đa Phước. Các hộ hội viên, nông dân tham gia mô hình đều được hỗ trợ nguồn vốn vay mức từ 20 - 50 triệu đồng/hộ; đến nay, các hộ đều phát huy tốt hiệu quả mô hình, gia tăng số lượng đàn bò thả nuôi từ 2 - 4 con/hộ giúp có nguồn thu nhập ngày càng ổn định.

 
Gia đình bà Trịnh Thị Sen ở xã Đa Phước được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND để phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc do các cấp Hội tổ chức và được hỗ trợ tiêm phòng, khám bệnh đầy đủ nên đàn bò của gia đình bà phát triển khỏe mạnh. Hiện, từ 4 con bò ban đầu thả nuôi, bà đã phát triển lên 6 con bò, cuộc sống được cải thiện rõ nét.
 

Mỗi hộ dân tham gia vào các dự án nuôi lươn triển khai tại địa bàn xã Vĩnh Châu (thành phố Châu Đốc), xã Tân An (thị xã Tân Châu), phường Mỹ Thạnh (Long Xuyên) được vay từ 30 - 70 triệu đồng, nguồn vốn đều được các hộ sử dụng đầu tư hiệu quả. Đến nay, mỗi hộ ban đầu nuôi chỉ từ 4 bồn lươn đã phát triển và tăng số bồn nuôi lên gấp 2 lần; cá biệt còn có hộ đã phát triển được thành 20 bồn nuôi lươn.

 
Hiện, ở địa bàn xã Vĩnh Châu (thành phố Châu Đốc) và xã Tân An (thị xã Tân Châu), nghề nuôi lươn đang được xem là mô hình điển hình, đem lại nguồn thu đáng kể cho những hộ không có đất sản xuất. Mô hình được các cấp Hội quan tâm và tiếp tục nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.
 

Ngoài ra, để tận dụng và phát huy thế mạnh của các địa phương, các cấp Hội cũng tập trung triển khai dự án cải tạo đất vườn tạp, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái tại địa bàn các xã gồm: Xã Bình Thạnh Đông, xã Hòa Lạc, thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân); xã Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn); các xã Thới Sơn và An Phú (huyện Tịnh Biên; xã Long Giang (huyện Chợ Mới; xã Khánh Bình (huyện An Phú)...

 
Đây đều là các dự án hiệu quả, góp phần hỗ trợ tích cực trong việc giúp cho bà con nông dân đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sản xuất theo đúng chủ trương của tỉnh. Các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ vay vốn từ 30 - 100 triệu đồng để mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn cũng như làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, giàu có.

 
Thông qua những dự án được triển khai trên địa bàn, các cấp Hội đã quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn xây dựng mới 14 Tổ hợp tác với hơn 200 thành viên tham gia; giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 3.000 hội viên, nông dân địa phương (bình quân mỗi hộ tạo việc làm cho 2 lao động). Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân bằng những việc làm cụ thể, tích cực đóng góp để xây dựng Quỹ HTND các cấp để ngày càng có thêm nhiều hộ hội viên, nông dân khó khăn được hỗ trợ nguồn lực, vươn lên trong cuộc sống.

 
Có thể nói hoạt động của Quỹ HTND đã tạo điều kiện tích cực trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp Hội, giúp công tác vận động hội viên, nông dân ở cơ sở ngày càng đi vào thực chất.


 

Văn Dũng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng