Lai Châu: Đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế nhờ Quỹ HTND
15:44 - 06/11/2020
(Quỹ HTND) – Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lí 40.653 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ủy thác của Trung ương 10.900 triệu đồng; Quỹ HTND cấp tỉnh quản lí 18.948 triệu đồng; nguồn Quỹ cấp huyện đạt 8.670 triệu đồng.

Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình theo phương thức nhóm hộ cùng liên kết sản xuất giúp gia tăng giá trị

 
Đã có 8/8 huyện, thành Hội xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND cùng cấp; trong đó, 5/8 huyện, thành Hội có nguồn vốn đạt mức 1 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, 97 Hội ND xã, phường, thị trấn cũng đã tổ chức vận động và phát triển nguồn vốn hiệu quả, chuyển lên Quỹ cấp huyện quản lý đạt 2.134 triệu đồng.

 
Có được kết quả trên là nhờ hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch vận động ủng hộ xây dựng Quỹ và tích cực triển khai thực hiện đến từng cơ sở Hội. Hội ND các huyện, thành phố cũng chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp và nhận được sự quan tâm, ủng hộ.

 
Hiện, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang triển khai cho 825 hộ hội viên, nông dân vay với dư nợ đạt 39.198 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi thông qua 96 mô hình, dự án.

 
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ban quản lý Quỹ HTND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương chú trọng việc khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng đối tượng vay vốn; đồng thời, tổ chức tư vấn, hướng dẫn việc xây dựng các dự án gắn với quy hoạch phát triển kinh tế chung của địa phương. Nhờ đó, nhìn chung các dự án đều đã phát huy tính hiệu quả. Bình quân thu nhập của các hộ vay vốn Quỹ ước tính đã tăng lên từ 15 - 25 triệu đồng/hộ/năm.

 
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình theo phương thức nhóm hộ để cùng liên kết sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm giúp gia tăng giá trị. 

 
Nhiều mô hình, dự án sử dụng vốn Quỹ HTND được đánh giá đã mang lại hiệu quả thiết thực và hiện các cấp Hội cũng đang tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn. Điển hình như: Dự án nuôi ngựa sinh sản tại phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu); trồng, chăm sóc chế biến chè tại các phường Quyết Thắng và Quyết Tiến (thành phố Lai Châu); trồng cây chanh đào tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường)…

 
Đáng chú ý, những năm gần đây, nhiều hộ hội viên, nông dân ở xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) đã biết cách phát huy tối đa lợi thế của địa phương để làm kinh tế. Nhờ có mặt hồ thủy điện Lai Châu với nguồn nước khá sạch, rất thích hợp cho việc nuôi thủy sản, bà con nông dân đã tập trung phát triển mô hình nuôi cá lồng và đã thành công.

 
Theo đó, ban đầu dự án nuôi cá lồng được triển khai thực hiện với 15 nhóm hộ hội viên, nông dân trên địa bàn cùng tham gia; mỗi nhóm có từ 2 - 3 hội viên, nông dân. Được sự hướng dẫn cụ thể về cách thức xây dựng và lập dự án của Hội ND, đại diện các nhóm hộ nuôi cá lồng đã đứng ra vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND.

 
Sau khi dự án được giải ngân, các thành viên tham gia đã tiến hành làm lồng nuôi ngay trên lòng hồ thủy điện và đầu tư mua cá giống về thả nuôi, chăm sóc. Những giống cá được thả nuôi đều là các loại vật nuôi dễ thích nghi và chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, chủ yếu gồm: Cá lăng chấm, rô phi, trôi, chép...

 
Đến nay, qua đánh giá sơ bộ, dự án nuôi cá lồng đã phát huy được hiệu quả rõ nét. Từ 30 lồng cá ban đầu, hiện đã được hội viên, nông dân phát triển lên thành 45 lồng nuôi. Ước tính bình quân mỗi hộ sau khi đã trừ các chi phí mua giống, thức ăn cũng cho thu nhập gần 50 triệu đồng/lồng/năm, tùy vào từng loại giống cá nuôi cụ thể.

 
Nhiều năm qua, làng nghề miến dong ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường) vốn nổi tiếng với sản phẩm miến làm ra ngon và đảm bảo chất lượng. Hiện, toàn xã có trên 50 hộ dân đang trực tiếp sản xuất miến dong. Để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư nhiều máy móc, thiết bị vào quá trình sản xuất để giúp phát huy hiệu quả kinh tế.

 
Nắm bắt được nhu cầu về nguồn vốn vay của bà con nông dân trên địa bàn, Hội ND xã đã phối hợp với Quỹ HTND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Đầu tư mua máy sản xuất miến dong theo công nghệ mới” với số vốn vay 500 triệu đồng. Tham gia dự án có 10 hộ hội viên, nông dân cùng sinh sống tại các bản Vân Bình và Tòng Pẳn của xã Bình Lư.

 
Được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND, hộ anh Bùi Văn Bình, bản Tòng Pẳn rất phấn khởi khi có thêm nguồn lực để đầu tư nâng cấp máy móc giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Theo đó, anh đã mua 1 máy ép sợi miến theo công nghệ mới, 200 phên mới và cải tạo lại giàn phơi miến; đồng thời xây dựng 2 bể khoắng bột. Nhờ có máy mới, mỗi ngày gia đình anh đang sản xuất trung bình từ 50 – 60 kg miến để cung cấp ra thị trường.

 
Đáng chú ý, cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ HTND, ngày càng xuất hiện nhiều các loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là tiền đề và điều kiện thuận lợi để giúp các cấp Hội thành lập nên mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.

 
Hoạt động của các tổ, nhóm nông dân liên kết không chỉ tạo điều kiện để các hộ được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh mà còn khuyến khích bà con nông dân tích cực sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, góp phần hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, hiện đại. Tiêu biểu như mô hình nuôi thỏ chiết xuất vaccine ở xã Phúc Than (huyện Than Uyên) và xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên). 

 
Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Quang Thành ở bản Nà Phát, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên chính là người tiên phong và đi đầu trong phong trào phát triển mô hình nuôi thỏ chiết xuất vaccine theo nhóm hộ gia đình trên địa bàn xã. Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình, thông qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, công ty dược phẩm Nip Ponzoki (Nhật Bản) đã tới tận trang trại của anh Thành để tìm hiểu và ký kết hợp đồng hợp tác.

 
Cụ thể, khi tham gia vào dự án, các hộ dân nuôi thỏ sẽ được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật; đồng thời, còn được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Mô hình hiện đang cho thấy tính hiệu quả thiết thực khi từ 400 con thỏ giống ban đầu thì nay đã được các hộ dân phát triển lên gần 2.000 con, bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao.

 
Có thể khẳng định, thông qua việc vay vốn từ Quỹ HTND đã giúp đỡ nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn vay vốn phát triển sản xuất, từ đó có thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Đặc biệt, nhờ phương thức cho vay theo dự án và phát triển các mô hình liên kết sản xuất cũng đã giúp các cấp Hội quản lý, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.


 

Trung Hiếu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường