Hoà Bình: Xây dựng các mô hình kinh tế điển hình từ đồng vốn Quỹ HTND
09:19 - 28/09/2020
(Quỹ HTND)- Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND, tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế điển hình và được nhân ra diện rộng. Tiêu biểu như: Dự án trồng và chăm sóc cam tại các xã Tây Phong, Nam Phong (huyện Cao Phong); trồng và chăm sóc cam, bưởi ở thị trấn Thanh Hà (huyện Lạc Thủy); chăn nuôi bò sữa tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn); chăn nuôi bò sinh sản ở xã Mai Hịch (huyện Mai Châu) và xã Liên Hòa (huyện Lạc Thủy)…
|
Nguồn vốn vay của Quỹ HTND góp phần xây dựng nhiều mô hình kinh tế điển hình và đang tiếp tục được nhân ra diện rộng |
Có thể thấy, sau nhiều năm thành lập và hoạt động, Quỹ HTND ở các cấp Hội trong tỉnh ngày càng phát triển và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, để giúp nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng thường xuyên và liên tục, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội tích cực thực hiện.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang quản lý 33.342 triệu đồng. Trong đó, nguồn do Trung ương Hội ủy thác 13.850 triệu đồng; ngân sách tỉnh cấp 8.249 triệu đồng; ngân sách huyện cấp 4.890 triệu đồng; nguồn ủng hộ, đóng góp từ cán bộ, hội viên, nông dân đạt 6.213 triệu đồng.
Đạt được kết quả như trên trước hết là nhờ Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tập trung triển khai tốt việc thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND”. Theo đó, tỉnh Hội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Hội ND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và hoạt động của Quỹ HTND.
Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp để kịp thời cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ từ ngân sách sang. Đồng thời, Hội ND tỉnh cũng sớm giao chỉ tiêu vận động, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ cụ thể cho từng cơ sở Hội và đưa vào làm tiêu chí bình xét thi đua định kỳ.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã tổ chức và hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng thành công nhiều mô hình, dự án theo hình thức nhóm hộ, với hàng nghìn lượt hộ đăng ký tham gia để cùng phát triển sản xuất một loại cây, con có thế mạnh ở địa phương. Các chương trình, dự án được triển khai vừa để quản lý tốt và bảo toàn nguồn vốn vay; đồng thời, còn khuyến khích hội viên, nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất kinh doanh, giúp nâng cao thu nhập và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn triển khai tốt việc cho vay theo các phương án sản xuất- kinh doanh nhóm hộ ở cơ sở, mỗi chu kỳ cho vay khoảng 2- 3 năm/mô hình, dự án. Qua đó, Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình cũng như phát triển các giống cây, con chủ lực theo định hướng chung của tỉnh.
Mặt khác, thông qua các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề được tiến hành thường xuyên, các cấp Hội còn tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên, nông dân cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Tổ chức đi tham quan tại các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giúp bà con học hỏi thêm những kiến thức mới, từ đó đem áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi để gia tăng lợi nhuận.
Cụ thể, từ nguồn vốn 13.850 triệu đồng do Trung ương ủy thác đã triển khai cho 397 hộ vay để thực hiện 33 dự án. Trong đó: Có 16 dự án trồng trọt (chiếm 56,3%) cho 198 hộ vay 7.800 triệu đồng; 17 dự án chăn nuôi (chiếm 43,7%) với 201 hộ đang vay 6.050 triệu đồng.
Trong kỳ, Quỹ HTND tỉnh cũng đã thu hồi 2.060 triệu đồng tại 07 dự án đã triển khai trước đó. Năm 2019, cùng với nguồn vốn 1.000 triệu đồng được bổ sung từ ngân sách tỉnh, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã hướng dẫn các huyện, thành phố tiến hành giải ngân 3.040 triệu đồng tại 10 dự án cho 104 hộ hội viên, nông dân vay.
Đến nay, tổng dư nợ từ nguồn Quỹ HTND tỉnh đạt 8.235 triệu đồng đang cho 313 hộ vay triển khai tại 30 dự án. Trong đó: 13 dự án trồng trọt với 136 hộ vay 3.595 triệu đồng (chiếm 43,6%); 15 dự án chăn nuôi với 158 hộ vay 4.140 triệu đồng (chiếm 50,2%); 2 dự án thủy sản cho 18 hộ vay 500 triệu đồng (chiếm 6,2%).
Từ nguồn vốn 9.284 triệu đồng do Quỹ HTND các huyện, thành phố quản lý hiện cũng đang triển khai cho 535 hộ vay tại 104 dự án. Trong đó: 42 dự án trồng trọt (chiếm 26,06%) với 257 hộ vay 2.341 triệu đồng; 57 dự án chăn nuôi (chiếm 72,18%) cho 255 hộ vay 6.485 triệu đồng; 02 dự án loại hình khác (chiếm 1,76%) cho 08 hộ vay 157,7 triệu đồng.
Để bảo toàn nguồn vốn Quỹ HTND, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể về hoạt động Quỹ HTND ở tất cả các cấp. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều triển khai tốt công tác quản lý, điều hành nguồn vốn Quỹ.
Qua thống kê, nhiều mô hình, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4.000 lao động nông thôn. Đồng thời, tỷ lệ thu hồi vốn Quỹ HTND ở tất cả các cấp đạt 100%, không có nợ quá hạn; bình quân mỗi hội viên, nông dân sau khi vay vốn tham gia các mô hình sản xuất, chăn nuôi có mức thu nhập gia tăng từ 4,5- 7,2 triệu đồng/người/năm.
Nhờ được Hội ND tỉnh thẩm định, phê duyệt và giải ngân cho vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương, Hội ND thị trấn Hàng Trạm- huyện Yên Thủy đã tạo điều kiện cho 10 hộ hội viên, nông dân phát triển mô hình kinh tế vườn theo Đề án trồng, chăm sóc cây bưởi Diễn.
Để quản lý tốt nguồn vốn và giúp phát huy hiệu quả, Hội ND huyện đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội cũng hướng dẫn việc thành lập Tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn về các phương án sản xuất, kinh doanh nhằm giúp bà con khi tham gia mô hình sẽ tăng năng suất và thu nhập, cải thiện đời sống.
Sau một thời gian triển khai, các hộ hội viên, nông dân vay vốn đều đã duy trì và phát huy được hiệu quả mô hình. Điển hình như vườn cây của gia đình ông Tạ Hữu Hậu ở khu phố 2, thị trấn Hàng Trạm, nguồn vốn vay đã được ông đầu tư cải tạo và phát triển 3 ha diện tích để trồng các giống bưởi ngon như: Da xanh, Diễn, Đoan Hùng... Bình quân tổng thu nhập của gia đình ông từ trồng bưởi đạt 1,5 tỷ đồng, trừ hết mọi chi phí còn cho thu lãi 1,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, để gia tăng lợi nhuận, ông tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp bằng việc nuôi 70 con lợn bản, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Mô hình của gia đình ông hiện đang giải quyết việc làm cho 05 lao động thường xuyên với mức lương trung bình khoảng 5,8 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra còn có 15 lao động khác làm theo thời vụ.
Giống như gia đình ông Tạ Hữu Hậu, mô hình vườn cây tổng hợp trồng giống bưởi da xanh và chanh không hạt trên diện tích 5,5 ha của hộ anh Nguyễn Sơn Trường cũng mang lại kết quả rõ rệt. Bình quân lợi nhuận của gia đình anh sau khi đã trừ hết các chi phí còn thu lãi 570 triệu đồng/năm; mô hình đang giúp cho 10 lao động thường xuyên và 25 lao động thời vụ có việc làm.
Cùng với việc hỗ trợ 10 hộ hội viên, nông dân trên địa bàn được vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương, Hội ND huyện Cao Phong còn phối hợp và tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp việc chăm sóc giống cam lòng vàng của bà con đạt hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực trong việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu giống cam ngon- là một đặc sản của vùng ra nhiều địa phương khác. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, các thương lái ở khắp nơi đều tìm đến tận vườn để thu mua, vì vậy giá bán cam của bà con lúc nào cũng ổn định.
Điển hình như mô hình phát triển kinh tế vườn của gia đình bà Vũ Thị Hòa ở khu 6- thị trấn Cao Phong. Được xét vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, bà quyết định mua 300 gốc cam lòng vàng về trồng và chăm sóc trên diện tích hơn 4.000 m2 vườn của gia đình.
Sau vài năm, nhận thấy có lãi từ vườn cam lòng vàng đặc sản, hiện bà Hòa cũng đã mạnh dạn trồng thêm 150 gốc cam Canh trên vùng đất đồi để gia tăng nguồn thu nhập. Đến nay, ước tính lợi nhuận từ vườn cam của gia đình bà đang cho thu lãi khoảng 240 triệu đồng/năm, kinh tế ngày càng vững chắc.
Tại huyện Tân Lạc, nhờ tập trung phát huy được thế mạnh của vùng, các cấp Hội ở cơ sở đã xây dựng phương án và triển khai các dự án nuôi trâu sinh sản, nuôi dê sinh sản ở các xã: Quy Mỹ, Quy Hậu. Đến nay, các mô hình đều đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như mô hình nuôi dê thương phẩm của 15 hộ dân xã Quy Hậu- huyện Tân Lạc. Được Quỹ HTND tỉnh hỗ trợ cho vay 300 triệu đồng, các hộ hội viên, nông dân đã đầu tư mua 180 con dê giống về nuôi. Sau hơn 3 năm triển khai mô hình, hiện tổng đàn dê đã tăng lên thành 360 con. Lợi nhuận từ việc bán dê thương phẩm không những giúp các hộ dân tham gia dự án hoàn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi mà có nhiều hộ còn đang tiếp tục nhân đàn với qui mô nuôi hàng chục con dê/hộ giúp ổn định kinh tế gia đình.
Có thể thấy, từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND đã giúp giải quyết một phần khó khăn về vốn trong sản xuất cho bà con nông dân, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa bàn nông thôn.
Huy Trung