(Quỹ HTND) – Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND huyện Hoài Đức đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội trong huyện triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực để nâng cao đời sống. Trong đó, các cấp Hội tập trung quan tâm việc giải ngân kịp thời các nguồn vốn vay từ Quỹ HTND và các ngân hàng, vận động hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất và ổn định kinh tế gia đình.
|
Nguồn vốn vay giúp các hộ nông dân có thêm nguồn lực tập trung cải tạo vườn tạp, trồng các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng, vừa mang lại giá trị kinh tế cao |
Hàng năm, căn cứ vào đặc điểm thực tế và thế mạnh của mỗi xã, Ban Thường vụ Hội ND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Hội xây dựng và lập dự án bảo đảm tính khả thi để tập trung phát triển kinh tế. Đồng thời, các cấp Hội tổ chức xét duyệt kỹ lưỡng, công khai, minh bạch các dự án, kịp thời chuyển giao nguồn vốn sớm đến tay các hộ hội viên, nông dân.
Đến nay, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã hỗ trợ hơn 4.300 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đạt gần 170 tỷ đồng. Cụ thể: Dư nợ 32,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND; ngân hàng CSXH có dư nợ ủy thác 128,4 tỷ đồng; Hội đứng ra tín chấp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 6,8 tỷ đồng…
Từ nguồn vốn trên đã được các cấp Hội giải ngân kịp thời, giúp hội viên, nông dân đầu tư để thực hiện hàng chục mô hình, dự án như: Trồng rau sạch, vườn - ao - chuồng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi lợn thịt, nuôi gà thịt, gà đẻ trứng... Qua đánh giá, Hội ND huyện Hoài Đức là một trong những đơn vị Hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đã quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND.
Nhìn chung, các nguồn vốn vay đều được hội viên, nông dân sử dụng hiệu quả, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh tại các địa phương. Việc thu hồi, hoàn trả các nguồn vốn vay luôn được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, không để xảy ra nợ xấu, nợ quá hạn.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt công tác giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND và các ngân hàng, các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp hội viên, nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả. Hội ND huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thường xuyên các buổi tập huấn kiến thức khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho gần 11.000 lượt hội viên, nông dân tham dự.
Đồng thời, các cấp Hội tạo điều kiện tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế tập thể theo phương thức nhóm hộ, liên kết để giúp nhau cùng phát triển, nâng cao sản lượng và thu nhập. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất ở nhiều lĩnh vực.
Các cấp Hội đã triển khai tốt công tác hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng thành công và đang tiếp tục nhân rộng các mô hình tiêu biểu, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Tại nhiều địa phương trong huyện đang dần hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh tập trung mang lại giá trị và lợi nhuận cao.
Tiêu biểu như mô hình trồng nhãn chín muộn được Hội ND huyện chỉ đạo tập trung phát triển mạnh tại khu vực các xã nằm ven vùng bãi. Hiện nay, mô hình có diện tích hơn 120 ha canh tác, năng suất đạt từ 15- 18 tấn/ha/năm, cho thu nhập khoảng 500- 550 triệu đồng/ha/năm.
Hay như mô hình trồng giống bưởi đường của địa phương cũng được quan tâm phát triển từ nhiều năm nay. Diện tích trồng bưởi đường đạt khoảng 186 ha, tập trung tại địa bàn các xã: Cát Quế, Đông La, Yên Sở, Dương Liễu. Mô hình cho năng suất từ 35- 40 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập cho các hộ dân từ 400- 500 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, mô hình trồng táo, ổi ở xã Di Trạch cũng cho thấy hiệu quả rõ nét khi lợi nhuận đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm…
Việc tạo điều kiện và giải ngân các nguồn vốn vay từ Quỹ HTND và các ngân hàng chính là hoạt động thiết thực của các cấp Hội để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Từ đó, gia tăng doanh thu cho các hộ tham gia mô hình, góp phần tích cực trong việc tham gia vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương.
Tính đến nay, dư nợ từ nguồn Quỹ HTND trên địa bàn xã An Thượng đạt 1,7 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2023, Hội ND huyện đã chỉ đạo giải ngân 500 triệu đồng để triển khai thực hiện dự án đầu tư chăm sóc cây nhãn chín muộn tại xã An Thượng từ nguồn vốn ủy thác của Hội ND thành phố. Tham gia dự án có 15 hộ hội viên, nông dân trong xã, mức vay từ 30- 40 triệu đồng/hộ trong thời gian 2 năm, phí vay 0,4%/năm.
Hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Vinh ở thôn Đào Nguyên có diện tích 1.025 m2 vườn trồng giống nhãn chín muộn. Nhờ hưởng lợi từ mô hình, với nguồn vốn vay 35 triệu đồng được xét hỗ trợ, ông dùng để đầu tư mua phân bón và chăm sóc 92 cây nhãn chín muộn theo hướng hữu cơ. Do trước đó, gia đình ông đã mua cây nhãn trưởng thành để trồng nên sẽ rút ngắn được thời gian chăm sóc, dự kiến đến vụ nhãn năm 2023 là cho thu hoạch.
Hộ ông Nguyễn Hữu Hùng ở thôn Thanh Quang lại được Hội ND xã hỗ trợ cho tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH để đầu tư trồng vườn nho hạ đen áp dụng công nghệ cao. Ban đầu, diện tích vườn của ông mới có khoảng 3.600 m2, nhận thấy những tín hiệu tích cực và lợi nhuận mà mô hình mang lại, ông đã tiếp tục mạnh dạn vay thêm nguồn vốn, đầu tư mua thêm giống, chăm sóc cây và mở rộng diện tích vườn trồng nho lên thành 9.700 m2.
Địa bàn xã Tiền Yên cũng là một trong những điển hình Hội ND quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi. Theo đó, từ nguồn vốn hơn 2,3 tỷ đồng ủy thác của Quỹ HTND thành phố, đã có gần 100 hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ giải ngân để thực hiện dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Đạo ở thôn Tiền Lệ được vay vốn để tập trung cải tạo vườn, trồng chuyên canh 7 lứa rau mỗi năm. Hiện các loại rau xanh đang được ông trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu gồm: Mùng tơi, rau dền, rau cải ăn lá… Mô hình vừa góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 650- 700 triệu đồng/ha/năm cho gia đình ông.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023, Hội ND huyện Hoài Đức phấn đấu tiếp tục tăng trưởng Quỹ HTND cấp huyện đạt 250 triệu đồng; đồng thời, dư nợ nguồn vốn vay ủy thác tại ngân hàng CSXH đạt 132 tỷ đồng và ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn 5 tỷ đồng... Bên cạnh đó, các cấp Hội trên địa bàn huyện cũng quan tâm thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo toàn và phát huy tốt các nguồn vốn.
Đến nay, tính trên địa bàn huyện Hoài Đức, từ nguồn Quỹ HTND thành phố Hà Nội ủy thác hơn 14 tỷ đồng đang được các cấp Hội thực hiện cho vay quay vòng tại các mô hình, dự án.
Riêng trong năm 2023, Hội ND huyện được thành phố cấp bổ sung 2,5 tỷ đồng nguồn vốn sẽ tiếp tục việc giải ngân sớm để kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập. |