(Quỹ HTND) – Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cách làm hay, xây dựng nhiều mô hình mới giúp hội viên liên kết sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập.
|
Tại địa phương, các dự án được triển khai đúng quy trình cho vay, công tác khảo sát và lựa chọn phát triển mô hình được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, chọn mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, phát huy được thế mạnh vùng |
Việc xây dựng nguồn Quỹ dân được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Hội ND các cấp. Đây là kênh trợ vốn hiệu quả cho hội viên, qua đó, còn xây dựng những mô hình kinh tế có thu nhập cao, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp đặc thù địa phương, vừa có sức lan tỏa, cụ thể hóa được Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa góp phần đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.
Nhằm duy trì và tăng trưởng vốn Quỹ, thành Hội đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lồng ghép qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt; qua các lớp tập huấn, các hội thi nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ý nghĩa của Quỹ.
Các hình thức tuyên truyền được Hội triển khai đa dạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Bản tin công tác Hội, Website; biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho vay vốn; tài liệu hướng dẫn cho các cơ sở Hội trong việc vận động xây dựng Quỹ HTND và các văn bản chính sách mới liên quan; lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; thường xuyên nêu gương các tập thể, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ HTND.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố đạt 46,517 tỷ đồng cho 1.509 hộ vay thông qua 263 dự án phát triển sản xuất. Để đảm bảo công khai, minh bạch, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ HTND chú trọng xây dựng hệ thống quản lý đến tận cơ sở.
Hệ thống sổ sách, chứng từ, báo cáo hoạt động thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Đáng chú ý, Hội còn chú trọng tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng Qũy HTND nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ về nội dung này.
Hội ND các cấp đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng quỹ cho hàng ngàn lượt cán bộ Hội chuyên trách để trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành. Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nông dân kết nối, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị.
Các cấp Hội chú trọng phát triển các mô hình Tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP.
Khuyến khích các Tổ hợp tác, HTX tăng cường liên kết để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường. Hội ND thành phố chỉ đạo Hội ND cơ sở lựa chọn cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh liên kết theo hình thức Tổ hợp tác, HTX, Câu lạc bộ sản xuất, trang trại, chi, tổ Hội nghề nghiệp.
Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội ND thành phố đã tích cực tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND. Trong quá trình cho vay, Hội ND thành phố đã khảo sát nhu cầu vay vốn, ưu tiên lựa chọn các hộ nông dân có khát vọng và ý chí làm giàu, cần cù lao động, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay.
Đồng thời, Ban Điều hành Quỹ HTND thành phố tiếp tục xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi, triển khai thêm các dự án mới khả thi. Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ quy trình trợ vốn, thu hồi vốn dự án, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng con giống, vật tư đầu vào gắn với giải quyết nông sản hàng hóa đầu ra, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, nâng chất hoạt động của Quỹ từ đó, có thêm nhiều hội viên, nông dân được hưởng lợi.
Với việc đưa nguồn vốn Quỹ HTND đến với bà con, Hội đã khẳng định vai trò là chỗ dựa của nông dân, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia. Qua đó, hoạt động của mạng lưới Hội tại cơ sở ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả tập hợp nông dân.
Tại địa phương, các dự án được triển khai đúng quy trình cho vay; công tác khảo sát và lựa chọn phát triển mô hình được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, chọn mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, phát huy được thế mạnh của vùng.
Nhiều mô hình, dự án được triển khai đã tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các loại nông sản hàng hoá chất lượng.
Với tiến trình phát triển nhanh của đô thị kèm với nhu cầu sản xuất kinh doanh của hội viên nông dân trên địa bàn lớn. Hiện nay có 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh các loại và hơn 50 hộ trồng hoa cây cảnh trên địa bàn trên địa bàn phường Hòa Xuân thuộc quận Cẩm Lệ, thì vấn đề đặt ra đối với các hộ ban đầu về nguồn vốn cũng gặp không ít khó khăn. Hội ND phường đã phối hợp Hội ND các cấp cho vay các ngồn vốn ưu đãi để hội viên, nông dân có điều kiện để sản xuất kinh doanh.
Từ nguồn vốn nguồn Quỹ 13 hộ vay với số tiền 600 triệu đồng thực hiện dự án “Đầu tư phát triển trồng hoa, cây cảnh”. Chủ dự án là ông Hồ Đắc Lành, Chủ tịch Hội ND phường Hòa Xuân.
Dự án được thực hiện với mục đích giúp hội viên, nông dân tổ chức liên kết sản xuất của các thành viên trong chi Hội nghề nghiệp trồng hoa, cây cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng; thúc đẩy động lực cho nông dân cùng nhau hợp tác liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do quá trình đô thị hóa nhanh chống đất dự án bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi giải ngân, Hội ND quận đã tổ chức tập huấn cho các hộ kỹ thuật trồng hoa cây cảnh và kỹ năng tiếp cận thị trường trong sản xuất, kinh doanh. Các hộ tham gia thực hiện dự án sau khi có vốn đã tập trung đầu tư trồng hoa các loại gồm: Cúc đại đóa, vạn thọ, thược dược, hoa treo các loại, hoa lan. Dự án đã giải quyết được 30 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 5-7 triệu đồng/người.
Điển hình trong dự án có hội viên Nguyễn Thành Lâm chuyên trồng hoa cúc, hoa vạn thọ và đúc chậu đã giải quyết việc làm thường xuyên 4 lao động với thu nhập hằng tháng khoảng 6 triệu đồng/người. Hộ chị Nguyễn Thị Thu Hiền trồng hoa lan các loại thu nhập hằng tháng trừ chi phí thu nhập từ 9 đến 12 triệu đồng/người.
Hộ anh Lê Văn Đại trồng hoa cúc bán thường xuyên trong những ngày rằm, mùng một, mang lại thu nhập cho gia đình từ 5-7 triệu đồng/tháng. Dự án trồng hoa cây cảnh được triển khai thực hiện trên địa bàn phường góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương phù hợp đem lại thu nhập khá cho bà con.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội đã trực tiếp đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên, giúp củng cố lòng tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước; từ đó vị thế của tổ chức Hội được nâng lên, vận động thêm nhiều nông dân vào tổ chức Hội.
Thông qua dự án đã thu hút và kết nạp được 20 hội viên, nông dân vào Hội, thành lập mới Tổ hợp tác trồng hoa cây cảnh gồm 9 thành viên, ủng hộ 9 triệu đồng xây dựng Quỹ HTND quận và xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Cùng với việc hỗ trợ vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân kết nối cung ứng vật tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm...
Đồng thời, để hỗ trợ vốn cho bà con, các cấp Hội tiếp tục tăng cường phối hợp với ngân hàng CSXH nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, dư nợ đến nay đạt 827 tỷ đồng cho 17.206 hộ vay.
Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời đã giúp cho nông dân mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Điển hình như: Hộ các ông Hồ Văn Hổ, Võ Văn Thành ở xã Hòa Liên với mô hình nuôi cá nước ngọt; hộ anh Nguyễn Văn Nhi ở xã Hòa Nhơn với mô hình trồng nấm; hộ ông Phan Đủ với mô hình chăn nuôi gà ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.
Trước đây ông Hồ Văn Hổ ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang làm nhiều nghề để mưu sinh, nhưng với tình yêu nông nghiệp, ông quyết định vay vốn ngân hàng CSXH huyện để đào ao nuôi tôm.
Thời gian đầu nuôi tôm, ông Hổ có thu nhập khá, nhưng càng về sau nuôi tôm càng lỗ, ông mạnh dạn chuyển hướng từ nuôi tôm sang nuôi cá dìa đặc sản. Trên diện tích 3,4ha ao nuôi tôm trước đó, ông cải tạo lại và ươm thả hơn 30.000 con cá dìa giống.
Ngay từ năm đầu nuôi cá dìa, ông đã bán được 9 tấn cá. Cứ 1 tấn cá dìa xuất bán, ông thu về 190 triệu đồng. Từ sự thành công của năm đầu nuôi cá dìa, ông chủ động mở rộng quy mô nuôi cá dìa lên 150.000 con giống trong năm 2022. Hiện nay, cá dìa đang phát triển tốt, ông ước tính sẽ đạt hơn 20 tấn cá dìa.
Hộ ông Phan Đủ ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đã vay vốn của ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Có vốn, ông đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà mía với 2.000 con. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi, chăm sóc tốt nên đàn gà của gia đình ông lớn nhanh, ít rủi ro về dịch bệnh.
Lứa đầu tiên ông bán thu lãi hơn 20 triệu đồng, thấy mô hình chăn nuôi gà mía hiệu quả, ông lấy tiền lãi thu được mỗi lứa để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, trang trại chăn nuôi gà của ông Đủ có diện tích 1.500m2, mỗi năm ông nuôi 2,5 lứa gà, mỗi lứa 3.000 con, xuất bán hơn 10 tấn gà thương phẩm/năm, với giá bán giao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Ngoài ra, ông còn nuôi thêm khoảng hơn 1.000 con vịt xiêm. Với trang trại chăn nuôi gà mía và vịt xiêm, mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Thành Hội phối hợp với phối hợp với ngân hàng NN & PTNT đã tạo điều kiện cho 70 hộ nông dân vay 11,836 tỷ đồng. Đến nay, hiệu quả vốn vay mang lại khá rõ rệt, góp phần mở rộng quy mô, diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết nhiều lao động và tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Để giúp cho hội viên, nông dân kịp thời nắm bắt khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, các cấp Hội đã có chương trình phối hợp với Trung tâm công nghệ sinh học Đà Nẵng, Trung tâm khuyến ngư nông lâm; Chi cục nông nghiệp, phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho 639 học viên; tổ chức tập huấn cho 2.295 hội viên, nông dân để chuyển giao kỹ thuật nông ngư nghiệp; kỹ năng bán hàng trong thời đại số; chuyển đổi số…
Thành Hội tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ cho hội viên, nông dân xây dựng mới 54 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các cấp Hội chủ động tuyên truyền, vận động hỗ trợ và phối hợp với các ngành liên quan để tư vấn, hướng dẫn thực hiện được 09 mô hình liên kết, sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Các mô hình phát triển kinh tế do các cấp Hội hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng đã thu hút nhiều hội viên, nông dân tham gia thực hiện và là địa điểm trao đổi khoa học, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm sản xuất trong hội viên, nông dân và là địa chỉ đáng tin cậy để nông dân đến tham quan, học tập cách làm ăn, phát triển kinh tế.
Từ các nguồn vốn Quỹ HTND và của ngân hàng, các cấp Hội chú trọng công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động từ các nguồn vốn trên nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.