Tiếp vốn Quỹ giúp hội viên, nông dân khởi nghiệp
15:23 - 06/02/2023
(Quỹ HTND) – Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp tỉnh Bắc Ninh cho thấy đã có tác động tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần giúp các cấp Hội tập hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân chủ động tham gia vào mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cùng phát triển.


Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Gia Bình đầu tư phát triển mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn giúp mang lại giá trị và lợi nhuận cao

 
Năm 2022, nhờ chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các cấp Hội trong tỉnh đã tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt 14.012 triệu đồng. Cụ thể: Nguồn ngân sách UBND tỉnh cấp bổ sung 12.000 triệu đồng, nguồn cấp huyện tăng 1.800 triệu đồng, cấp xã tăng trên 212 triệu đồng.

 
Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh đang quản lý hơn 112.912 triệu đồng. Trong đó: Nguồn Trung ương Hội ủy thác 16.600 triệu đồng; nguồn ngân sách tỉnh cấp 83.200 triệu đồng; nguồn cấp huyện quản lý trên 12.100 triệu đồng.

 
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội giải ngân cho 1.608 hộ vay triển khai 379 dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã và đang phát huy tốt hiệu quả, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất ở nhiều lĩnh vực như: Chăn nuôi bò, dê, lươn, trồng cây ăn quả... Có thể thấy, đây là nguồn lực hết sức quan trọng giúp các cấp Hội khẳng định và nâng cao vai trò trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân.

 
Để tận dụng và phát huy tốt những lợi thế sẵn có của từng địa phương, các cấp Hội còn xây dựng và hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, vừa giúp bà con nâng cao lợi nhuận vừa gia tăng tính bền vững. Đáng chú ý, nhiều mô hình triển khai tốt đã được các cấp Hội quan tâm, hướng dẫn trong việc thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp gắn với nguồn vốn vay Quỹ HTND.

 
Thông qua các mô hình, dự án được triển khai đã góp phần giúp hội viên, nông dân thay đổi về nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm. Qua đó, các hộ cùng nhau tập trung nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh giúp tăng năng suất, chất lượng và thu nhập; đồng thời giải quyết việc làm cho 3.458 lao động nông thôn.

 
Đạt được những kết quả như trên trước hết là nhờ sự tích cực, chủ động của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh trong những năm qua đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh”. Đồng thời, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giúp cho công tác xây dựng, phát triển nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh ngày càng mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

 
Bên cạnh việc huy động, phát triển nguồn vốn Quỹ, công tác quản lý, điều hành, thẩm định dự án và giải ngân nguồn vốn luôn đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định của Trung ương Hội; mặt khác, còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Ban Điều hành Quỹ HTND các cấp. Hiện, hoạt động của Quỹ HTND các cấp đã đi vào nề nếp, đạt hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền, các cấp Hội và đông đảo hội viên, nông dân trong tỉnh.

 
Đáng chú ý, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ HTND tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2030" và đã được chấp thuận.

 
Theo đó, UBND tỉnh đảm bảo trích từ nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho Quỹ HTND từ 10 tỷ đồng trở lên/năm (giai đoạn 2021- 2025) và từ 15 tỷ đồng trở lên/năm (giai đoạn 2026- 2030). Đối với nguồn vốn cấp huyện, ngân sách huyện cấp từ 300 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm; nguồn cấp xã được ngân sách cùng cấp bổ sung từ 10 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm.

 
Mục tiêu của Đề án nhằm giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, có thêm nguồn lực để đầu tư, mở rộng và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh thông qua vốn Quỹ HTND các cấp. Nhờ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

 
Từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giúp mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình, dự án vay vốn đang chuyển đổi theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết, cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp tăng năng suất và chất lượng.

 
Nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ biết tận dụng tốt lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương cũng đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các mô hình phát triển sản xuất vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho những hộ trực tiếp tham gia dự án vừa đóng góp tích cực trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 
Tại một số địa phương cũng đã xuất hiện và hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, dần xây dựng được thương hiệu đặc thù cho các mặt hàng nông sản mang tính đặc trưng của vùng, có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng như: Vùng trồng cà rốt ở huyện Lương Tài; trồng khoai tây của huyện Quế Võ; trồng cây ăn quả huyện Tiên Du… Hay như việc duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống như: Sản xuất bánh đa nem ở xã Yên Phụ (huyện Yên Phong); sản xuất bún bánh ở phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh)... đồng thời, tạo động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP tại các địa phương trong tỉnh.

 
Một tấm gương nông dân điển hình trong việc sử dụng nguồn vốn vay Quỹ HTND mang lại hiệu quả rõ nét là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đỉnh ở xã Long Châu, huyện Yên Phong. Từ khu ruộng trũng bỏ hoang rộng 8.000m2 đất, anh đã quyết tâm thuyết phục gia đình đầu tư và bắt tay ngay vào cải tạo để chăn nuôi lợn, đào ao thả cá.

 
Ban đầu, do không có vốn, lại thiếu kinh nghiệm nên gia đình anh chỉ mới xây dựng mô hình trang trại VAC có quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Được Hội ND xã tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ HTND, cộng với số tiền tích lũy của gia đình, anh đã mở rộng chăn nuôi vịt, dê kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

 
Đến nay, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh đang duy trì nuôi hơn 10.000 con vịt thương phẩm, 300 con dê, ngoài ra còn có 4 ao nuôi cá với diện tích trên 1.200m2. Bình quân mỗi năm, trang trại của anh đang cung cấp cho thị trường trên 200 tấn thịt thương phẩm, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Không những đã trả hết nợ từ Quỹ HTND, vươn lên trở thành hộ khá giàu mà anh Đỉnh còn tích cực giúp đỡ các hộ hội viên, nông dân khó khăn khác trong xã có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

 
Cũng đạt được thành công nhờ vào quyết tâm cùng sự kiên trì, nỗ lực bền bỉ là tấm gương anh nông dân Trần Văn Hiển ở xã Bình Dương, huyện Gia Bình. Với xuất phát điểm ban đầu mới chỉ là một trang trại có qui mô nhỏ, anh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi thành Hợp tác xã nông nghiệp rau sạch Hoàng Gia, chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích canh tác 5 ha.

 
Sau thời gian tập trung sản xuất, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng cao cũng như đánh giá rõ về tiềm năng từ mô hình, anh tiếp tục thuê thêm 5 ha để phát triển mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà Hợp tác xã gặp phải chính là cần có thêm nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.

 
Được sự hỗ trợ kịp thời từ Hội ND tỉnh, Hợp tác xã của anh đã được xét vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, kết hợp với nguồn vốn tự có, anh đầu tư xây dựng 2 ha nhà lưới, 3 ha nhà kính để đẩy mạnh việc sản xuất rau an toàn. Đồng thời, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất cũng như giá trị các mặt hàng nông sản.

 
Sản xuất ngày càng đi vào ổn định, đạt hiệu quả rõ nét giúp Hợp tác xã của anh trả hết số tiền vay trước đó và tiếp tục được các cấp Hội tạo điều kiện cho vay thêm 500 triệu đồng nữa để thúc đẩy mô hình phát triển bền vững. Hiện toàn bộ sản phẩm đầu ra của Hợp tác xã Nông nghiệp rau sạch Hoàng Gia đều được trồng theo đơn đặt hàng, năng suất khoảng 5 tấn/ngày. Bình quân lợi nhuận của Hợp tác xã sau khi đã trừ hết mọi chi phí đạt từ 600- 800 triệu đồng/năm. Ngoài ra, giúp giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại chỗ với mức thu nhập ổn định từ 5- 8 triệu đồng/người/tháng.

 
Cũng là hộ gia đình được hưởng lợi từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, chị Hoàng Thị Phi ở thôn Trạm Trai, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành lại lựa chọn mô hình phát triển kinh tế gia đình theo hướng kinh doanh các loại hoa, cây cảnh. Thời gian đầu khởi nghiệp, chị phải mất khá nhiều thời gian đi tới các địa phương cả trong và ngoài tỉnh để học hỏi kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa và đặc điểm riêng của từng loại cây cảnh. Sau hơn 2 năm nỗ lực và cố gắng, hiện mô hình kinh tế của gia đình chị đã cho thấy thu được nguồn lợi nhuận đáng kể bước đầu.

 
Đầu năm 2020, được các cấp Hội tạo điều kiện xét cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND huyện, chị phấn khởi thuê thêm diện tích đất để mở rộng hoạt động kinh doanh buôn bán. Hiện, mô hình đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ việc kinh doanh các loại hoa và cây cảnh. Đồng thời, còn tạo việc làm cho 3- 4 lao động ở địa phương với mức lương bình quân đạt từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng.

 
Nhìn chung, các dự án vay vốn Quỹ HTND đều khả thi và đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đáng chú ý, các mô hình, dự án được triển khai còn giúp phát huy tốt những thế mạnh của các địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cũng như góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

 
Bên cạnh đó, để hỗ trợ hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đảm bảo đúng mục đích, mang lại hiệu quả lâu dài, trong quá trình cho vay vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND các cấp đã phân công cán bộ theo sát dự án, hướng dẫn, định kỳ giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay của các hộ hội viên, nông dân.
 

Mặt khác, các cấp Hội tăng cường phối hợp cùng ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật; tổ chức cung ứng cho bà con nông dân các dịch vụ nhằm phục vụ, hỗ trợ sản xuất (cung ứng phân bón trả chậm, liên kết tiêu thụ nông sản, hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và trên các kênh thương mại điện tử...

 
Song song với đó, Hội ND các cấp còn vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia thành lập chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, các Hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Kết quả, đã có 37 chi Hội ND nghề nghiệp và 388 tổ Hội ND nghề nghiệp được thành lập. Từ hoạt động của các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đã tạo điều kiện thiết thực để các hộ nông dân trong cùng một lĩnh vực sản xuất có thêm điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, liên kết sản xuất với quy mô lớn nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Nguyễn Cao
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng