“Điểm tựa” của các hộ nghèo
15:17 - 09/01/2023
(Quỹ HTND) – Song song với việc tập trung các giải pháp phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, những năm qua, Hội ND tỉnh Hậu Giang còn tăng cường chỉ đạo các cấp Hội tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn để triển khai tốt hoạt động ủy thác nguồn vốn vay. Qua đó, giúp hàng ngàn lượt hội viên, nông dân được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhằm từng bước thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Ngay từ đầu năm, để nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Hội ND tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác cho các huyện, thị, thành và cơ sở Hội; lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, bình xét xếp loại thi đua. Qua các năm, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua kênh của Hội ND liên tục tăng trưởng và phát huy hiệu quả.


Nguồn vốn vay ủy thác giúp ngày càng nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh có điều kiện đầu tư mua thêm con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi giúp gia tăng thu nhập, ổn định đời sống


 
Đến nay, với 17 chương trình tín dụng chính sách đang được phối hợp triển khai, tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng Chính sách xã hội cho các cấp Hội trong tỉnh đạt trên 1.195 triệu đồng với 35.674 thành viên tham gia vay vốn thông qua 774 Tổ TK&VV; tăng 1.751 thành viên so với cùng kỳ.

 
Đồng thời, 774 Tổ TK&VV được ủy nhiệm thu lãi, đạt 100%. Có 34.708/35.674 hộ thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số tiền 53.167 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 97,3%).

 
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các hoạt động ủy thác cho vay vốn; việc lựa chọn đối tượng cho vay, giám sát hộ vay vốn nhằm kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh trong quá trình sử dụng nguồn vốn của người vay được thực hiện theo đúng qui định.
 

Theo định kỳ, hai bên phối hợp tiến hành đối chiếu, phân loại nợ; đôn đốc người vay trả nợ đến hạn, đôn đốc thu hồi các khoản nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn… Nhờ đó nguồn vốn vay từng bước phát huy hiệu quả tích cực. 
 

Hàng năm, công tác củng cố chất lượng mô hình Tổ TK&VV được thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; đồng thời, tích cực phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn để kịp thời có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.

 
Thực hiện chương trình phối hợp liên tịch giữa Hội ND với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh tỉnh Hậu Giang, hai ngành đã triển khai hợp đồng ủy thác đến các đơn vị Hội. Nhờ đó, tổng dư nợ của các cấp Hội với ngân hàng hiện đạt hơn 13.190 triệu đồng, đang hỗ trợ cho 217 hộ hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.

 
Cùng với việc đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, Hội ND tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kĩ thuật và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp Hội trong tỉnh đã chú trọng thực hiện trong thời gian qua.
 

Từ các nguồn vốn trên, hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư mua thêm cây, con giống, xây dựng chuồng trại, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Nhìn chung, các hộ hội viên, nông dân khi được tham gia thực hiện các mô hình, dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, sử dụng vốn đúng mục đích nhằm phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn; đồng thời, có trách nhiệm hoàn trả vốn vay khi đến thời hạn đúng quy định.

 
Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Trương Văn Vững ở ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) trước đây vốn chỉ chuyên canh trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nhờ nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh đã quyết định chuyển đổi 1 ha đất trồng mía sang trồng cây mít Thái.

 
Được Hội ND xã hướng dẫn hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh phấn khởi đầu tư mua gần 1.500 cây mít Thái; đồng thời mua thêm một số loại vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất như: Máy bơm nước, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật…

 
Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại chịu khó áp dụng các kĩ thuật trong khâu chăm sóc, nên vườn cây của gia đình anh phát triển tốt, bình quân ước tính mỗi năm cho thu hoạch từ 9- 15 tấn quả/ha/vụ. Sau khi xuất bán ra trên thị trường, trừ hết các chi phí, mỗi năm lợi nhuận anh thu được gần 100 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

 
Được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn ngân hàng Chính sách xã hội, hộ gia đình anh Lê Thanh Tuân ở ấp 2A, xã Vị Tân (thành phố Vị Thanh) đã mở rộng quy mô sản xuất để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn kết hợp với trồng dứa.

 
Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, anh đã tích lũy được thêm ít vốn để mua thêm 2 công đất vườn với dự định tiếp tục tăng quy mô sản xuất. Hiện nay, ngoài 4 công đất trồng dứa, anh cũng đang nuôi thêm cua đinh và thả nuôi 3 con dê để có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống ngày càng khấm khá, kinh tế gia đình được cải thiện rõ nét.

 
Hộ ông Nguyễn Minh Toản ở ấp 3, xã Vị Đông (huyện Vị Thủy) được xét vay 30 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội giúp gia đình ông tạo thêm nguồn lực để chuyển đổi từ 5 công ruộng cho năng suất thấp sang trồng 400 cây mít ruột đỏ. Vườn cây được chăm sóc tốt, phát triển khỏe mạnh nên vừa qua, ông thu hoạch được gần 1 tấn quả. Nắm bắt được xu thế hiện nay, sản phẩm mít ruột đỏ có giá bán ổn định trên thị trường, được thương lái thu mua hết nên sắp tới gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng giống mít này.

 
Trong năm, cùng với hoạt động vay vốn, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ HTND và chương trình phối hợp ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn cũng được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn.

 
Theo đó, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tiến hành 6 cuộc kiểm tra tại 1.324 đơn vị. Cụ thể: Hội ND tỉnh tổ chức kiểm tra đối với 48 đơn vị; Hội ND huyện kiểm tra đối với 150 đơn vị; Hội ND xã tiến hành kiểm tra tại 1.126 cơ sở Hội, các Tổ TK&VV và các hộ vay vốn trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các sai phạm trong hoạt động thực hiện các chương trình ủy thác vay vốn với phía ngân hàng.
 

Thông qua kênh vốn ưu đãi này đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được tiếp cận chính sách mới một cách nhanh chóng, thuận lợi. Có thể thấy, các nguồn vốn vay đã thực sự trở thành “điểm tựa” giúp bà con nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Trọng Ninh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng