Hiệu quả từ dự án vay vốn Quỹ
08:28 - 02/01/2023
(Quỹ HTND) - Quỹ HTND tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn, xây dựng các mô hình, dự án theo chuỗi giá trị, trong đó có dự án sản xuất rau công nghệ cao tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương.
Mô hình “Trồng rau công nghệ cao” tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng


 
Xã Lạc Lâm là một xã nằm dọc theo Quốc lộ 27 một trong những tuyến đường chính nối Lâm Đồng với các tỉnh Duyên Hải miền Trung. Đây cũng là khu vực trung chuyển sản phẩm lớn đối với các tỉnh Nam Bộ và Duyên Hải miền Trung (đặc biệt là hàng nông sản) qua các tuyến quốc lộ 20 và quốc lộ 27 là điều kiện thuận lợi để nhân dân trong xã chuyển đổi và phát triển sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là nông sản có chất lượng cao; đây cũng là khu vực thu hút nhiều lao động là điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho đội ngũ lao động địa phương.

 
Lạc Lâm có điều kiện thuận lợi về khí hậu mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng, đất đai phì nhiêu thích hợp với các loại hoa, rau thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, có thể trồng các loại rau màu quanh năm, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển vùng chuyên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 

Những năm qua, nông dân xã Lạc Lâm đã tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, như: Sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động, tưới thông minh.


Cán bộ, hội viên và nhân dân xã Lạc Lâm có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, có khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin và tiếp thu ứng dụng khoa học vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư sản xuất các mặt hàng theo nhu cầu thị trường.
 
 
Đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân ngày càng được cải thiện, các phong trào thi đua trọng tâm của Hội được triển khai thường xuyên đến toàn thể hội viên và nông dân, công tác xóa đói giảm nghèo được chú trọng và đạt kết quả lớn.


Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ hội viên nông dân có điều kiện về đất đai, lao động nhưng thiếu vốn xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động nhưng thiếu nguồn vốn để đầu tư.


Được sự quan tâm của Trung ương Hội, Hội ND tỉnh đã đầu tư dự án “Trồng rau công nghệ cao” tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương với 20 hộ hội viên, nông dân tham gia. Tổng số vốn thực hiện dự án 1.430.000 đồng, trong đó vốn vay từ nguồn Quỹ HTND 600.000.000 đồng, vốn tự có của các hộ tham gia dự án 830.000.000 đồng. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng.


Trong quá trình bình xét cho vay, Hội ND xã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.
 

 Qua 2 năm triển khai thực hiện dự án, Hội ND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn với 40 lượt người tham dự. Bên cạnh đó trong quá trình thực hiện dự án định kỳ hàng quý Ban quản lý họp các hộ tham gia dự án với nội dung họp tập trung vào phản ánh tình hình phát triển sản xuất, trao đổi, học tập, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, cách phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng và tìm kiếm thị trường trong tiêu thụ sản phẩm.
 

Cùng với vốn đối ứng của hộ, các hộ đã mua trang thiết bị vật tư nông nghiệp, mua các loại cây giống và trồng rau trong nhà kính, nhà lưới với diện tích trên 04 ha. Các loại cây trồng chủ yếu là những loại cây cao cấp như: Cà chua, ớt tây, ớt sừng, sú. Các sản phẩm làm ra, chất lượng, sản lượng ngày càng cao, mang lại thu nhập tương đối ổn định, thu nhập bình quân của hộ từ 180 - 240 triệu/năm.

 
Điển hình một số hộ có thu nhập cao như: Hộ anh Nguyễn Văn Tho trồng ớt tây, ớt sừng với diện tích 7.000m2 thu nhập khoảng 450 triệu/năm, hộ chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên trồng sú, ớt tây với diện tích 8.000m2 thu nhập 420 triệu/năm. Ngoài ra, các hộ tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động có thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng nâng cao đời sống cho nông dân.


Dự án thực hiện tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm rau sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.


Trồng rau công nghệ cao ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước, sản phẩm rau an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. So với kiểu trồng thông thường trên cùng đơn vị diện tích, trồng theo mô hình này sản lượng rau tăng từ 3% - 5%, lượng thuốc trừ sâu giảm từ 2 - 3 lần phun/vụ.


Từ việc sản xuất rau theo phương pháp thủ công, trồng ngoài trời sang trồng rau hoa ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau theo hướng hữu cơ trong nhà kính, nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới công nghệ cao của đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương.
 

Mặt khác, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao không chỉ tiết kiệm được công lao động, công chăm sóc mà còn tiết kiệm được nguồn nước, nguồn vật tư phân bón, đặc biệt là chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đang bán tràn lan trên thị trường.


Do vậy, chất lượng nông sản của bà con nông dân ngày càng được nâng cao, đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho các siêu thị. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Lạc Lâm với diện tích 117,87 ha/180 hộ.

 
Qua 2 năm thực hiện dự án trồng rau công nghệ cao quy mô sản xuất của các thành viên cũng được nâng lên đáng kể, 100% các hộ có hệ thống tưới tự động, máy phun thuốc tự động... Thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia vào Hội.


100 % hộ tham gia dự án đóng góp xây dựng Quỹ HTND mức thấp nhất là 100.000 đồng/hộ/năm. Vận động hội viên nông dân xây dựng Quỹ HTND hàng năm đạt 100% chỉ tiêu Hội ND huyện giao.


Dự án sản xuất rau công nghệ cao tại xã Lạc Lâm đã góp phần nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã nói riệng và toàn huyện nói chung.


Lưu Kỳ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường