Vốn Quỹ tiếp sức, đồng hành cùng hội viên, nông dân làm giàu
16:16 - 04/01/2023
(Quỹ HTND)- Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh Quảng Bình đã đã triển khai kịp thời đến các hội viên, tiếp sức, đồng hành cùng hội viên, nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu thông qua những mô hình, dự án.
Nguồn vốn Quỹ không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi tập quán, phương thức trồng trọt, chăn nuôi



Năm 2022, nguồn Quỹ HTND tăng trưởng 8.928,86 triệu đồng với nguồn cấp tỉnh tăng 7.200 triệu đồng, cấp huyện 1.207,6 triệu đồng, cấp xã vận động được 521,26 triệu đồng.


8/8 đơn vị cấp huyện đều được ngân sách cấp bổ sung cho Quỹ HTND từ 100-300 triệu đồng. Đến nay tổng nguồn Quỹ trong tỉnh đạt 44.907,34 triệu đồng, tăng 8.856,04 triệu đồng so với năm 2021.


Quỹ HTND tỉnh thu hồi 9 dự án nguồn vốn Trung ương và 34 dự án nguồn tỉnh với số tiền 10.775 triệu đồng, không phát sinh nợ quá hạn. Nguồn vốn của Quỹ đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên, nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn.


Phong trào thi đua SXKD giỏi trở thành động lực, phát huy trí tuệ của nông dân vào công cuộc hiện đại hóa nông thôn với nhiều mô hình hiệu quả, tiêu biểu.


Thông qua hoạt động SXKD của các HTX đã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế tập thể, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng dân cư.


Từ nguồn cấp bổ sung và nguồn quay vòng vốn, Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân 18.000 triệu đồng 52 dự án cho 368 hộ vay, trong đó nguồn Trung ương số tiền 4.150 triệu đồng 95 hộ vay tại 9 dự án; nguồn tỉnh 43 dự án 13.850 triệu đồng cho 273 hộ vay.


Hội ND các huyện, thành phố, thị xã giải ngân 10.959,2 triệu đồng cho 289 hộ vay 174 dự án. Cấp xã giải ngân 2.677,42 triệu đồng cho 260 hộ vay.


Để hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tiếp tục giảm 10% phí vay các dự án Quỹ Hỗ HTND nguồn tỉnh quản lý trong 6 tháng đầu năm 2022. Tất cả các dự án Quỹ HTND đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả, không có hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích.


Các mô hình Quỹ HTND đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cho xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, là các điển hình để nông dân học tập và làm theo.


Hoạt động Quỹ HTND dân gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.


Hội tích cực xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.


Các cấp Hội phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể; xây dựng kế hoạch hỗ trợ và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể cho hội viên nông dân; hướng dẫn và thành lập 7 Hợp tác xã, 25 Tổ hợp tác; đồng thời gắn việc xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn Quỹ HTND với thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.


Một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, như: Chăn nuôi bò sinh sản xã Tây Trạch, phường Quảng Long, xã Phong Hóa, xã Mai Hóa; chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng rừng kinh tế xã Văn Hóa; nuôi cá nước ngọt xã Hàm Ninh; đầu tư mua sắm vật tư khai thác thủy sản xã Cảnh Dương…


Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.


Chị Dương Thị Hiệp ở thôn Cà, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND để triển khai thực hiện dự án nuôi bò lai sinh sản. Với 2 con bò giống ban đầu, gia đình đã chăm sóc để sinh sản ra nhiều bê con. Bên cạnh việc nhân đàn, chị cũng xuất bán một số bê con để lấy vốn tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển kinh tế.


Hiện tại, chị xây dựng được một trang trại có quy mô 1,5 ha, nuôi bò lai sinh sản, lợn thịt và cá các loại. Mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 5 – 7 bê con, 250 con lợn thịt và khoảng 5 - 7 tấn cá, sau khi trừ chi phí gia đình chị Hiệp thu lãi trên 400 triệu đồng.


Hiện tại chị đã hoàn trả được vốn vay và đang đóng góp xây dựng nguồn Quỹ HTND để giúp các hội viên khác có điều kiện được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.


Ông Trần Khánh – Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồng Trạch được Hội ND xã Hòa Trạch xét duyệt cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ.


Nhờ đó, ông đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm trong ao đất sang nuôi tôm trong bể nổi nhằm thuận lợi trong việc chăm sóc, cũng như hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu.


Qua quá trình nuôi cho thấy, nuôi tôm trong bể nổi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đặc biệt là việc xử lý ao nuôi định kỳ bằng chế phẩm sinh học giúp kiểm soát môi trường ao nuôi và môi trường tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.


Thông qua các mô hình, dự án được đầu tư triển khai trên địa bàn cho thấy những hiệu quả về kinh tế đạt được rất rõ nét và thiết thực. Theo đó, nhờ các mô hình, dự án được các cấp Hội triển khai xây dựng tại các địa phương đã giúp hội viên, nông dân kịp thời tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.


Công tác tuyên truyền, tư vấn và quản lý các nguồn vốn Quỹ HTND, ngân hàng CSXH được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, các Tổ Vay vốn đã có nhiều sáng tạo trong quản lý, cho vay, thu hồi vốn, lãi, phí thành lập các tổ TK&VV theo quy định...


Đến nay, 146/150 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội thực hiện ủy thác với ngân hàng CSXH, quản lý 823 Tổ TK & VV với 29.711 thành viên; tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là 1.574,6 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm giúp nông dân có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.


Chất lượng các Tổ TK & VV không ngừng được nâng cao với 762 Tổ xếp loại tốt (chiếm 92,58%), 42 Tổ xếp loại khá (chiếm 5,1%), 18 Tổ xếp loại trung bình (chiếm  2,18%). Có 823 Tổ tham gia 78,27 tỷ đồng gửi tiền tiết kiệm với 29.928 thành viên.


Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hác cấp Hội đã phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống cho nông dân.


Hội còn phối hợp với Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương tổ chức kiểm tra hoạt động Quỹ HTND ở xã Bắc Trạch và Hội ND huyện Bố Trạch; phối hợp với ngân hàng CSXH kiểm tra hoạt động ủy thác tại huyện Lệ Thủy.


Hội ND tỉnh đã tiến hành kiểm tra 24 lượt cơ sở, 16 lượt đơn vị huyện; Hội ND cấp huyện, cơ sở tổ chức 380 cuộc kiểm tra về thực hiện Nghị quyết số 04, 05, 06 của Ban Chấp hành Trung ương Hội ND khóa VII; hoạt động Quỹ HTND, Chương trình ủy thác ngân hàng CSXH kiểm tra toàn diện công tác Hội và phong trào nông dân.


Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển Quỹ HTND, tích cực thu hồi các dự án đến hạn, tham mưu lựa chọn dự án đầu tư, thẩm định và giải ngân kịp thời để tránh tồn động vốn; tiếp tục chỉ đạo nâng cao hoạt động Quỹ HTND các cấp; phối hợp với ngân hàng CSXH thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; chủ động kết nối, hướng dẫn thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã và hỗ trợ phát triển các Tổ hợp tác thành lập Hợp tác xã gắn với hoạt động Quỹ HTND và công tác dạy nghề của Hội, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, biện pháp phát triển mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn.
 


Văn Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng