Yên Bái: Hỗ trợ nguồn vốn xây dựng các mô hình điểm
16:42 - 08/01/2023
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Quỹ HTND các cấp đã giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nhiều hộ gia đình tại địa phương được hưởng lợi từ việc vay vốn Qũy phát triển kinh tế thông qua các mô hình



Bên cạnh đó, công tác huy động xây dựng Quỹ, quản lý, điều hành, thẩm định dự án và giải ngân nguồn vốn đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định của Trung ương Hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Ban Điều hành Quỹ HTND các cấp.


Đến nay các hoạt động của Quỹ đều đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp Hội và đông đảo hội viên, nông dân. Năm 2022, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 31 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác trên 7 tỷ đồng; Quỹ tỉnh trên 13,5 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện, thị xã, thành phố là 10,5 tỷ đồng.


Để phát triển nguồn vốn Quỹ, bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Hội ND các cấp trong toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND, tích cực đóng góp xây dựng Quỹ.


Đồng thời, huy động từ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các tổ chức, cá nhân và tranh thủ từ các chương trình, dự án để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.


Quỹ HTND hoạt động với phương châm “phi lợi nhuận”, trở thành kênh tín dụng trợ giúp nông dân vay vốn với lãi suất thấp, ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, thời gian qua từ nguồn vốn vay Quỹ đã góp phần xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả cao.


Nhằm phát huy có hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND các cấp đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay.


Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và được phát huy.


Với những cách làm hiệu quả, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát số hộ hội viên, nông dân cần được vay vốn. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ hội viên; xây dựng các dự án mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, giúp hội viên vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.


Gia đình anh Thôi Đức Lượng, thôn 8 xã Bạch Hà, huyện Yên Bình là một trong  những hộ gia đình được hưởng lợi từ việc vay vốn Qũy phát triển kinh tế. Có vốn anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trồng cây ăn quả.


Đến nay, mô hình của anh đã có khoảng 400 trăm gốc bưởi và hàng trăm con lợn. Theo ước tính của anh Lượng, với 400 gốc bưởi sẽ cho thu hoạch chính cộng với việc chăn nuôi kinh tế chắc chắn đời sống kinh tế gia đình anh sẽ khấm khá hơn.


Với số tiền vay 50 triệu từ vốn Quỹ cùng tiền tích lũy, chị Trần Thị Thủy ở xã Hán Đà đã tận dụng lòng hồ của địa phương để đầu tư nuôi 10 bè cá lồng cùng với việc bán cá giống, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm chị đã có thu về hơn 40 triệu đồng.


Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, anh Nguyễn Cao Thường ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã triển khai thực hiện mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc, dưa lê Cẩm Ngọc trong nhà lưới ở thôn Ngòi Hóp với quy mô gần 3.000 m2

 
Anh Thường được vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ để đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động. Hệ thống nhà lưới có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất. 

 
Đối với hệ thống tưới, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh, nước được tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây. Hệ thống tưới tự động, chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều.


Hiện tại, mô hình trồng dưa có tổng diện tích gần 3.000m2 với hơn 5.000 gốc dưa theo cách gối vụ, sản lượng thu hoạch đạt bình quân 5 - 6 tấn/vụ, giá bán từ 40-50 nghìn đồng/kg mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh. 


Trong thời gian tới, anh đang hướng tới việc mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời xây dựng sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn OCOP để nâng các giá trị thu nhập.
 

Không riêng gì gia đình anh Thường mà nhiều hộ hội viên, nông dân ở xã Báo Đáp đã được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư, xây dựng nhà xưởng, mô hình phát triển sản xuất.


Điển hình như chương trình phát triển dâu tằm, trên địa bàn xã đã có 10 hộ dân được vay vồn từ nguồn vốn Quỹ với tổng số tiền 500 triệu đồng để thuê đất trồng dâu, mua phân bón, xây dựng nhà tằm và đầu tư các dụng cụ nuôi tằm. 


Các mô hình vay vốn phần lớn đều đạt hiệu quả giúp người vay tăng thu nhập. Một số mô hình đã được nhân rộng như: Nuôi bò sinh sản ở xã Phúc An, huyện Yên Bình; nuôi ba ba ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn; sản xuất miến đao ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái; chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình; trồng và chăm sóc cam tại xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn; chăn nuôi trâu sinh sản tại Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng tại Minh Bảo, thành phố Yên Bái.


Bên cạnh đó, để kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng, năm 2022, Hội ND tỉnh tổ chức 9 cuộc kiểm tra tại 9 huyện, thị, thành phố kiểm tra 10 xã, 19 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn và 95 hộ vay; cấp huyện, tổ chức 75 cuộc kiểm tra tại 158 đơn vị xã, thị trấn, 219 Tổ Vay vốn và 1.024 hộ vay; cấp xã, phường, thị trấn, tổ chức 203 cuộc tại 458 Tổ Vay vốn và 4.881 hộ vay.


Qua kiểm tra cho thấy hội viên vay vốn đúng mục đích theo hướng dẫn của Hội cấp trên; việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn đảm bảo theo quy định… Việc triển khai tốt các dự án vay vốn Quỹ HTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nhiều mô hình kinh doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.


Thông qua hoạt động vay vốn để thực hiện mô hình dự án, các hoạt động phong trào của Hội cũng không ngừng được đẩy mạnh và phát triển, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giầu và giảm nghèo bền vững.



Long Trọng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng