Tiền Giang: Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân
(Quỹ HTND) – Năm 2022, các cấp Hội chủ động trong việc tham mưu xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp tốt với các ngân hàng để tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển sản xuất.
|
Nhờ vay được vốn Quỹ HTND, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả. Ảnh: Trần Đáng |
Các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh tiếp tục thực hiện tốt. Cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
Công tác phát triển nguồn vốn Quỹ HTND cũng được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 11/2022, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 82 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn ngân sách cấp tỉnh tăng: 2 tỷ đồng - theo Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 23/5/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân năm 2022 đạt trên 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ cho quỹ HTND là 2 tỷ đồng.
Nguồn vốn Trung ương ủy thác hiện đang thực hiện 22 dự án cho 400 hộ vay với số tiền 12,955 tỷ đồng. Nguồn vốn tỉnh quản lý hiện đang thực hiện 32 dự án cho 598 hộ vay với số tiền 14,6 tỷ đồng. Nguồn vốn huyện, xã quản lý hiện đang cho vay trên 9.210 hộ với số tiền trên 46 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội theo văn bản liên ngành 3948/VBLL ngày 03/12/2014 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã Hội Việt Nam về việc ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là 1.498.652,86 triệu đồng, với 1.206 Tổ TK&VV, có 46.502 thành viên tham gia.
Chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng là 2.529.625 triệu đồng, với 1.000 Tổ LDVV, có 31.992 hộ vay vốn.
Các dự án triển khai từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, không có hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích. Các mô hình Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cho xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, là các điển hình để nông dân học tập và làm theo.
Hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Nhằm phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội còn phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống cho nông dân.
Có thể thấy, hoạt động của Quỹ HTND ngày càng có nhiều đổi mới, tập trung cho vay vào các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, duy trì và phát triển các chi/tổ Hội ND nghề nghiệp. Các dự án mới đều hướng đến những loại sản phẩm là cây, con chủ lực đặc trưng của địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông thôn, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên, nông dân; góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.