Đồng Tháp: Đem rơm chất vô nhà, nấm mọc chi chít, lời 14 triệu/tháng
09:06 - 06/07/2020
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hòa Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã vận động nông dân sau khi thu hoạch vụ lúa xong, ngoài dự trữ rơm để chăn nuôi còn vận động hội viên lấy rơm để trồng nấm. 

Hiện trên địa bàn xã Hòa Thành có 15 hộ trồng nấm rơm trong nhà với 46 nhà nấm. Trong số đó, anh Ngô Tấn Dũng ngụ ấp Tân Long, xã Hòa Thành đầu tư 14 kệ giàn trồng nấm trong 5 nhà...

Nhà nấm của anh Ngô Tấn Dũng ở xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Nhờ đảm bảo nhiệt độ trong suốt quá trình nên nấm phát triển, năng suất đạt khá cao. Với giá bán thấp nhất là 50.000 đồng/kg, cao nhất là 65.000 đồng/kg, thậm chí những dịp rằm, lễ, Tết có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg. 
 

Sau khi trừ chi phí và các khoản đầu tư, anh Dũng có thu nhập mỗi tháng từ 14 triệu đồng đến 16 triệu đồng.
 

Bình quân mỗi bó rơm cuộn 20kg được mua với giá 20.000 đồng; sau khi ủ và đóng thành bánh sẽ chất những bánh rơm lên kệ giàn 3 tầng, ủ chín khoảng 1 tuần sẽ cấy meo nấm; từ 7 - 10 ngày, mỗi bánh nấm rơm hái được 2 - 3kg nấm tươi và thu hoạch hơn nửa tháng.
 

Anh Ngô Tấn Dũng chia sẻ: “Mô hình trồng nấm rơm trong này có nhiều ưu thế như không chiếm nhiều diện tích trồng, không bị động về thời tiết thất thường; nắng nóng hay mưa nhiều cũng không bị ảnh hưởng...".
 

Theo anh Dũng, trồng nấm rơm trong nhà khi mùa nước về, nhà nấm không bị ẩm ướt, đảm bảo được độ ẩm, ánh sáng nên năng suất và chất lượng của nấm rất tốt, an toàn, bán được giá cao.
 

Trồng nấm rơm trong nhà là mô hình hiệu quả của Hội Nông dân xã Hòa Thành đang phát triển nhiều nhất trong huyện Lai Vung, có nhiều Hội Nông dân trong và ngoài huyện, các tỉnh bạn đến tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm rơm và làm đầu mối mua sản phẩm sạch đưa vào hệ thống siêu thị ổn định thị trường. 
 

Trồng nấm rơm trong nhà ở xã Hòa Thành đã và đang giúp nhiều nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường