Trồng thuốc lào ở Nga Sơn: Giỏi chịu hạn, không sợ chuột phá mà lại “bỏ túi” chục triệu mỗi vụ
12:48 - 02/07/2020
Nắm bắt nhu cầu thu mua hàng của thương lái, những năm gần đây, người dân Nga Sơn, Thanh Hóa đã chuyển từ trồng ngô, trồng đậu sang trồng thuốc lào để cải thiện cuộc sống.

Cây thuốc lào được trồng từ tháng 12 (Âm lịch) nhưng đến tháng 4 (Âm lịch) năm sau mới thu hoạch và chủ yếu dùng lá. Tại huyện Nga Sơn, thuốc lào được trồng ở các xã Nga Văn, Nga Thiện, Nga Tiến, Nga Mỹ và một số xã khác…Trong đó Nga Văn là địa phương trồng với diện tích lớn nhất.
 

Thời điểm thu hoạch thuốc lào là cây to, có những lá ngả màu vàng. Bằng cảm quan và kinh nghiệm, người trồng sẽ xác định được đúng thời điểm lá thuốc "chín" già. Nếu hái sớm, lá thuốc còn xanh sẽ khiến thuốc có màu không sáng đẹp, chất lượng kém.
 

Ở xã Nga Tiến, ngoài trồng thuốc lào trên những cánh đồng thì một số hộ còn "tranh thủ" trồng tại diện tích vườn của gia đình. Cụ thể, những hộ trồng ít nhất cũng khoảng 1000 cây, còn hộ trồng nhiều nhất có thể lên đến 1 vạn cây giống.

Thuốc lào sau khi được cắt nhỏ dùng đũa chuyên dụng trên các nong phơi. Đũa làm thuốc lào gồm 6 thanh, có công dụng giúp lá thuốc lào được rải đều


Sau khi rải đều trên các nong phơi, thuốc lào được người dân nhanh chóng đưa lên xe chở đến địa điểm phơi để tránh bị xỉn màu. Theo người dân Nga Sơn, một sào cây thuốc lào rải được khoảng hơn 200 nong phơi.
 

Bên cạnh việc trồng thuốc lào thì nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nga Sơn cũng tự thu mua và sản xuất ra các sản phẩm thuốc lào khô để đóng gói xuất khẩu.
 

Sợi thuốc lào thành phẩm có màu nâu đậm, thơm, người dân sẽ gói lại thành từng bánh. Mỗi nong phơi khô có thể gói được từ 26 – 30 bánh thuốc lào. Sau đó đóng gói bằng ni lông để chống ẩm và xuất đi các địa phương.
 

Đây là lần đầu tiên trồng và chăm sóc thuốc lào nên cô Nguyễn Thị Tâm vẫn còn nhiều bỡ ngỡ so với các hộ nông dân khác. Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Tâm nói: "Một số hộ gia đình trồng thuốc lào thử nghiệm trước và sau đó chúng tôi cũng đã trồng theo. Ban đầu cũng chưa nghĩ đến hiệu quả kinh tế có cao hay không, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là chuột nó không ăn".
 

Ông Hào – xã Nga Văn – Nga Sơn – một hộ chuyên sản xuất thuốc lào khô trên địa bàn chia sẻ kinh nghiệm: "Khi phơi cần phải theo dõi thời tiết, nếu trời mưa hoặc mát mẻ, không có nắng sẽ ảnh hưởng đến thời gian ngả màu và chất lượng của thuốc lào.
 

Năm nay, mặc dù dịch Covid – 19 kéo dài nhưng thuốc lào không bị rớt giá. Anh Tiến – thương lái đến từ huyện Quảng Xương – Thanh Hóa chia sẻ : "Giá thuốc lào năm nay dao động từ 5.000- 12.000 đồng/cây (tùy thuộc vào cây tốt, lá to, dày thì sẽ giá cao và ngược lại). Giá thu mua mỗi vườn khác nhau. Tôi thường ra thăm vườn, phác giá và đặt cọc, đến khi lá già, tôi sẽ trực tiếp thuê người dân địa phương thu hoạch giúp".
 

Ngoài thu hoạch lá, người dân còn chăm cây để cho ra hoa lấy hạt, phục vụ mùa sau. Đây là cách duy trì giống truyền thống của các địa phương. Hiện nay, thuốc lào ở Nga Sơn được các thương lái từ nhiều nơi tìm về thu mua. Thuốc lào trong dân gian còn được sử dụng như một vị thuốc để cầm máu, chữa rắn cắn, chữa vết thương, chữa sâu quảng, bỏng...

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường