Tăng cường liên kết, đưa trái cây Việt vươn xa
08:10 - 24/10/2024
Trái cây Việt Nam năm nay liên tiếp đón nhận những tin vui khi nhiều sản phẩm được cấp “visa” xuất ngoại. DN cần liên kết với nhau để nghiên cứu thị trường và cùng chia sẻ miếng bánh thị trường đưa trái cây Việt vươn xa.
Lô chanh leo đầu tiên của Việt Nam vừa được xuất khẩu sang Australia, đánh dấu loại trái cây thứ 5 của Việt Nam sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long được xuất sang thị trường này.


Nhu cầu thị trường lớn

Trái cây Việt Nam năm nay liên tiếp đón nhận những tin vui khi nhiều sản phẩm được cấp “visa” xuất ngoại. Mới đây, lô chanh leo đầu tiên của Việt Nam vừa được xuất khẩu sang Australia, đánh dấu loại trái cây thứ 5 của Việt Nam sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long được xuất sang thị trường này.

Với hơn 1,5 tấn chanh leo được xuất sang Australia, đánh dấu Công ty CP Xuất nhập khẩu thương mại Blue Ocean (Blue Ocean JSC) là đơn vị Việt Nam đầu tiên xuất khẩu trái chanh leo sang thị trường này, sau nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường.

Cũng trong tháng 10, những lô hàng dừa tươi đầu tiên của Việt Nam với trọng lượng 22,4 tấn, đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trước đó, sầu riêng đông lạnh cũng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Ngoài ra, tháng 8/2024, trái bưởi chính thức là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được thị trường Hàn Quốc đón nhận sau thanh long và xoài,...

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cho biết, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam tính đến hết tháng 9 đạt 5,64 tỷ USD, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 9, XK rau quả vượt 917 triệu USD, tăng 38% và thiết lập kỷ lục mới. Trong đó, sầu riêng là sản phẩm chiếm ưu thế, đóng góp đến 65% giá trị xuất khẩu, theo sau là chuối, thanh long, dưa hấu...

Thương vụ Việt Nam tại Australia dự báo, số lượng trái cây Việt Nam thâm nhập vào "xứ sở chuột túi" sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, Australia được đánh giá là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu nghiêm ngặt. Tại thị trường này, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Do đó, việc bảo đảm chất lượng; cải thiện bao bì, mẫu mã là cách giúp trái cây Việt tạo dựng thương hiệu bền vững tại cường quốc nông nghiệp như Australia nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế về trái cây nhiệt đới. Hiện trái cây Việt Nam xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng chanh leo là 20 quốc gia, dưới nhiều dạng như quả tươi, đông lạnh, nước ép.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, để có sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản, trái cây trong thời gian qua, trước tiên là người nông dân và DN đã từng bước chuẩn hóa quy trình canh tác, tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là sự đầu tư của các DN về công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, ngành hàng trái cây thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Nhà nước. Điều này cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các đối tác. Điển hình như phía Trung Quốc luôn khẳng định sẵn sàng mở cửa cho nông sản của Việt Nam và cơ quan chuyên môn hai nước đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường.

Tăng cường liên kết 

Là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chanh leo tại thị trường Australia, ông Phan Quốc Nam - Giám đốc kinh doanh Blue Ocean JSC cho biết, để trái chanh leo tươi được xuất khẩu sang Australia, DN phải xây dựng được vùng trồng, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và có sự kiểm tra, giám sát của phía đối tác. Đồng thời, khâu sản xuất phải bảo đảm quy trình, quy chuẩn, tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học.

Đại diện Blue Ocean JSC, thông tin, không chỉ trái chanh leo, các sản phẩm được chế biến từ những loại nông sản lợi thế của tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây nguyên lân cận và vùng đồng bằng sông Cửu Long như: sầu riêng, chanh leo, chôm chôm, xoài, thanh long… Tất cả đều được xử lý qua quy trình cấp đông nhanh và đóng gói ngay sau thu hoạch, giúp giữ trọn hương vị, độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng tự nhiên.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam – DN xuất khẩu trái cây lâu năm của Việt Nam, cũng cho biết, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của DN luôn đạt mức rất cao, năm sau đều gần như gấp đôi năm trước. Để có được sự tăng trưởng này, theo ông Tiến, Công ty Ameii đã phải đồng hành cùng bà con nông dân, hợp tác xã để thay đổi quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện liên quan đến vi sinh vật gây hại…

Để câu chuyện xuất khẩu trái cây Việt tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới, Chủ tịch Ameii Việt Nam cho rằng sẽ phụ thuộc phần lớn vào bản thân DN và người nông dân. Bởi xu hướng tiêu dùng của thế giới hiện đang quay về các sản phẩm nông sản có tiêu chí xanh, sạch và an toàn. Đây chính là dư địa cho sự tăng trưởng thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo Ameii Việt Nam cơ chế hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo hành lang thông thoáng cho nông sản Việt cất cánh đi xa hơn. Nhưng có thực sự đi xa được hay không thì lại phụ thuộc vào việc người nông dân đã thực sự hiểu - tuân thủ, sản xuất ra sản phẩm như thế nào và DN đồng hành ra sao để bắt kịp xu thế tiêu dùng của thế giới.

“Tại mỗi thị trường xuất khẩu, Ameii đều phải tìm hiểu rất kỹ về tập quán tiêu dùng để có sự điều chỉnh về bao bì, tem nhãn, khẩu vị khác nhau cho từng thị trường. Sau khi nắm bắt và có sự điều chỉnh, nhu cầu tại các thị trường này đều phát triển rất tốt” – ông Tiến chia sẻ.

Góp ý thêm về câu chuyện đầu ra với trái cây Việt, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói thêm, DN cần liên kết với nhau để nghiên cứu thị trường và cùng chia sẻ miếng bánh thị trường. “Làm được điều này, trái cây Việt Nam sẽ có thể đi rất xa, giảm bớt chi phí và xây dựng được thương hiệu trái cây Việt Nam tại thị trường các nước bạn” – ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đánh giá, dân số tăng, nhận thức và nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe đang tăng lên trên toàn cầu, là những lý do chính đang giúp cho xuất khẩu rau quả Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực. Dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD và hoàn toàn có thể đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.

Xuất khẩu rau quả dự báo đạt đỉnh năm 2024

Dự báo, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, rau quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, Trung Quốc sắp bước vào mùa đông, nên cây trái, rau quả nhiều sẽ thu hoạch kém. Trong khi tại Việt Nam, mùa đông lại là mùa khô nên thuận lợi để trồng rau quả, từ đó sản lượng nhiều. Ngoài ra, Việt Nam có kết nối về đường bộ, đường biển, đường sắt với thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh cho khâu chế biến, nâng cao giá trị nông sản. Ngay trong buổi lễ xuất khẩu chanh leo sang Australia, Blue Ocean JSC đã chính thức khai trương nhà máy chế biến trái cây đông lạnh tại Lâm Đồng. Việc xây dựng nhà máy chế biến tại Lâm Đồng là bước đi chiến lược của công ty, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, với tổng diện tích 10.000m2 và hệ thống công nghệ tiên tiến, nhà máy có khả năng sản xuất và cung cấp thị trường hơn 10 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Các sản phẩm được chế biến từ những loại nông sản lợi thế của tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như sầu riêng, chanh leo, chôm chôm, xoài, thanh long... Tất cả đều được xử lý qua quy trình cấp đông nhanh và đóng gói ngay sau thu hoạch, giúp giữ trọn hương vị, độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng tự nhiên.

Hay như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco Sơn La) đã đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng sẽ là một trong những trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Sơn La. Hiện nay, công ty đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu gần 12.000ha trên địa bàn các huyện. Chỉ tính riêng năm 2023, Công ty thu mua hơn 23.000 tấn xoài, ngô ngọt, đậu tương rau, dứa Queen, rau chân vịt, sản xuất hơn 3.700 tấn sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2024, Doveco Sơn La dự kiến xuất khẩu khoảng 40.000 tấn sản phẩm sang thị trường chủ yếu là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel.

Song song với cơ hội, ông Đặng Phúc Nguyên cũng chỉ rõ, sự cạnh tranh của rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đang gia tăng. Nước này không chỉ tăng nhập khẩu mà còn tự phát triển nhanh các loại nông sản chủ lực của Việt Nam. Điển hình là thanh long, sau 10 năm, diện tích trồng của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Về sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các quốc gia có khí hậu thuận lợi.

Do đó, để có sự phát triển bền vững tại thị trường Trung Quốc, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng, và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam./.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng