Gỡ “điểm nghẽn” kho lạnh để nâng giá trị nông sản Việt
08:02 - 09/10/2024
Đầu tư vào bảo quản, chế biến để giảm rủi ro, nâng cao giá trị và hoàn thiện chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản là câu chuyện đã được nhắc đến từ lâu. Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư kho trữ lạnh và chế biến sâu lại càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kho lạnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bền vững


Nâng cao chất lượng nông sản

Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, sản lượng nông sản Việt Nam hàng năm luôn duy trì tăng trưởng. Theo đó,  nông sản không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho 100 triệu dân trong nước mà còn góp phần quan trọng vào xuất khẩu, thu về ngoại tệ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đơn cử như: hệ thống bảo quản, sơ chế, chế biến còn thiếu, chưa hiện đại và chưa đồng bộ, dẫn tới tổn thất sau thu hoạch khá cao. Theo thống kê, tỷ lệ hao hụt sản lượng nông sản chiếm tới 25-30%. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của mặt hàng nông sản Việt. Đã rất nhiều lần, đơn hàng bị đối tác trả lại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh trên thị trường, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp cũng như quốc gia.

Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, phải sử dụng kho lạnh bảo quản nông sản. Bởi vì, đơn vị nào xây dựng được hệ thống bảo quản sản phẩm tốt thì sẽ chủ động hơn trong việc dự trữ hàng cho đối tác cũng như phục vụ chế biến của mình.

Theo đó, sau thu hoạch, nông sản được lưu trữ trong kho lạnh, sản phẩm sẽ được bảo quản lâu hơn không cần phải bán ngay. Điều này sẽ giúp điều tiết sản lượng, đưa sản phẩm đến nhiều địa điểm, đặc biệt là vận chuyển xuất khẩu với thời gian bảo quản lâu hơn. Toàn bộ chuỗi này cho phép chúng ta cân đối được cung - cầu,  có vị thế thương lượng giá bán tốt hơn. Đặc biệt, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu các mặt hàng sang các thị trường khác với giá tốt hơn. Nông sản, nhất là trái cây, có mùa vụ, có lúc đại trà. Có kho lạnh sẽ giảm tổn thất, giữ được giá, kéo dài thời gian để bán ở thị trường xa.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung ở xã Xuân Bảo (Cẩm Mỹ - Đồng Nai), có hơn 30 năm làm nông nghiệp, nên hiểu được nỗi lo của người nông dân. Khi khan hàng, thương lái tìm kiếm khắp nơi, giành nhau mua, nhưng khi dội mùa, quá nửa nông sản bị xếp vào hàng dạt, giá thấp. Có thời điểm, nông sản bị bỏ héo rũ, thối mục ngoài vườn vì ăn không hết, bán không ai mua. Ý tưởng đầu tư kho lạnh cũng được nhen nhóm từ đó. Sau nhiều năm vào nghề, hiện tại, bà Mỹ Dung có 5 kho lạnh, công suất bình quân 4 tấn/kho. Sản phẩm sầu riêng, mít cấp đông được bán cho các công ty sản xuất bánh kẹo, đồ uống xuất khẩu tươi và sấy khô. Vào vụ mùa, hơn 100 nhân công làm các công việc như vận hành kho lạnh, thu hoạch và bốc xếp hàng, lột trái cây.

Cũng tại huyện Cẩm Mỹ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng là một trong những điển hình thành công nhờ từng bước đầu tư kho lạnh để bảo quản và chế biến sản phẩm sầu riêng. Trong thời điểm mặt hàng trái cây tươi gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Công ty vẫn có thể đưa vào chế biến từ 30 - 50 tấn sầu riêng tươi/ngày và mua, trữ đông hàng trăm tấn sầu riêng tươi. Hiện, doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm vào Trung Quốc; Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc); Thái Lan.

Theo ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng, đây là tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, mở rộng quy mô chế biến, tính chuyện xuất khẩu vào những thị trường khó tính hơn như Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Nhằm phục vụ cho lĩnh vực vận tải nông nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu hàng trái cây, nông sản sang thị trường thế giới, từ năm 2019, THACO đã đưa vào hoạt động kho lạnh trái cây trên diện tích 4.800m2, sức chứa 2.400 tấn tại cảng Chu Lai (Quảng Nam).

Việc đầu tư hệ thống kho lạnh đã góp phần đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics nông nghiệp và hoàn thiện chuỗi giá trị xuyên suốt trong lĩnh vực nông nghiệp của THACO; đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vận chuyển nông sản tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam, từng bước xây dựng cảng Chu Lai thành trung tâm giao nhận - vận chuyển mặt hàng trái cây xuất khẩu.

Thiếu kho đông lạnh

Trên thực tế, việc phát triển kho lạnh tại nước ta còn nhiều hạn chế, cung không đủ cầu. Có nơi tập trung quá nhiều dự án, cũng có địa phương chưa tìm thấy một kho lạnh hiện đại nào đủ năng lực tiếp nhận, bảo quản hàng hóa xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm, hiện tại, số lượng  kho lạnh, kho bảo quản vẫn còn hết sức hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lưu trữ và vận chuyển của doanh nghiệp. Điều đó đã làm giảm giá trị sản phẩm, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển và lưu trữ. Trong khi đó, Chính phủ và các địa phương vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích và đầu tư cho lĩnh vực này với tính chất là quốc sách chung từ Trung ương đến địa phương.

Từ đây có thể thấy, việc sử dụng kho lạnh bảo quản nông sản mang lại kết quả ưu việt hơn so với những phương pháp bảo quản truyền thống. Giúp giảm tỉ lệ hao hụt, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cung cấp cho thị trường và người tiêu dùng những sản phẩm sạch, giá thành thấp, đảm bảo về sức khỏe. Bên cạnh đó, nó giúp các doanh nghiệp, chủ đầu tư thu được lợi nhuận cao.

Do vậy, để tiến đến sản xuất nông sản lớn, chuyên nghiệp và ổn định thì việc đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch cũng như trong quá trình chế biến là rất quan trọng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, trong ngành thủy sản, công suất kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên khi dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thiếu kho thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, lưu trữ hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo ông Hòe, kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để doanh nghiệp thu mua hết nguyên liệu tôm, cá nông dân sản xuất ra mà còn giúp doanh nghiệp dự trữ được nguồn hàng lớn, kịp thời đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng.

Theo thống kê, hiện cả nước có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông - thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet (tương đương 700.000 tấn) và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định, chủ yếu là xuất khẩu. Chỉ tính riêng ngành rau quả, mỗi năm sản lượng thu hoạch đạt hơn 15 triệu tấn. Trong khi tổng công suất của các kho lạnh chưa tới 2 triệu tấn, qua đây để thấy, con số này khá chênh so với nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh xuất hàng khó khăn, việc thiếu kho lạnh khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực khi chi phí lưu kho tăng, hàng hóa ứ đọng không có nơi bảo quản, gây thiệt hại không nhỏ.

Hiện trạng các kho lạnh tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường. Trong đó, vùng ĐBSCL chỉ có 6 kho lạnh, quy mô nhỏ lẻ, các dịch vụ kho lạnh thông minh chưa phát triển.

Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Bắc Giang), cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh với sức chứa khoảng 700-800 tấn vải, nhưng có thời điểm không đủ chỗ bảo quản nên phải thuê kho lạnh của  doanh nghiệp khác, dẫn tới tăng chi phí sản xuất.

Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển nông - thủy sản… Tuy nhiên, số lượng kho lạnh đó chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.

Cùng với đó, hạ tầng kho bãi tại các cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu lưu giữ hàng hóa xuất - nhập khẩu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh. Thiết bị nâng, hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa còn thiếu. Hiện nay, việc xếp dỡ hàng hóa nông sản chủ yếu bằng thủ công là chính, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá.

Ngoài nông sản, xuất khẩu thủy sản cũng là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. Hiện, nguồn cung kho lạnh tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao JLL thị trường Việt Nam, cho biết, do thị trường kho đông lạnh Việt Nam còn khá phân mảnh, những nhà cung cấp dịch vụ kho đông lạnh có thị phần tương đối như Emergent Cold, Minh Phú Gemadept, ABA, Hoàng Phi Quân, Lotte, An Việt Cold Storage, Phan Duy, Satra, Meto, Alpha, Transimex… mới đáp ứng được một phần rất nhỏ của thị trường, cũng như chưa tích hợp nhiều dịch vụ trong kho lạnh.

Vì sao phát triển kho lạnh gặp khó?

Lợi ích của đầu tư vào việc bảo quản nông sản, trong đó có hệ thống kho lạnh đã rõ, nhưng chưa có nhiều nông dân, HTX, kể cả doanh nghiệp, mặn mà với việc phát triển hệ thống này.

Phân tích về vấn đề này, ThS. Trần Thị Anh - Nguyễn Thị Thọ (Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ, phần đông nhân lực logistics trong phục vụ nông nghiệp còn rất thiếu kinh nghiệm, thiếu sự hiểu biết về đặc tính riêng của hàng hóa nông sản, nên nhiều doanh nghiệp coi chuỗi kho lạnh là chi phí đầu tư tốn kém, không hiệu quả và giá trị gia tăng thấp…, dẫn đến tình trạng các chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân tán làm cho nông sản của nước ta bị giảm giá trị, tăng giá thành khi tiêu thụ nội địa và giảm năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế…

Mặt khác, đặc điểm của hàng hóa nông sản cần đảm bảo tươi sống và chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn, nên dịch vụ logistcs đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp khác biệt hơn và việc đầu tư hạ tầng kho, bãi cũng tốn kém hơn so với nhiều loại hàng hóa khác..., chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp logistics chưa “mặn mà” với lĩnh vực kho lạnh cho nông sản. Tất cả những yếu tố trên đã và đang kìm hãm sự phát triển xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Ở góc độ HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc phát triển kho lạnh đang “vướng” phải khâu chi phí, vì để phát triển kho bảo quản lạnh như vậy, cần nguồn vốn khá lớn. Cụ thể, chi phí bỏ ra lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, vượt khả năng của HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

HTX Thanh Bình (Trảng Bom - Đồng Nai) hiện có 70ha chuối. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu đầu ra cho nhiều nông dân trong vùng. HTX đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến. Đối với việc đầu tư hệ thống kho lạnh, Giám đốc HTX Thanh Bình Lý Minh Hùng cho biết, mỗi ngày HTX xuất đi hơn 20 tấn chuối, nhưng công suất kho lạnh để bảo quản chỉ được 5 tấn, không “thấm tháp” vào đâu. “Chúng tôi đang làm việc với ngân hàng để tìm hướng thu xếp vốn, đầu tư vào hệ thống nhà máy sản xuất, chế biến, kho bảo quản sản phẩm nhưng trong giai đoạn hiện nay, đây vẫn là bài toán khó”, ông Hùng chia sẻ.

Tương tự, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội), tâm sự, HTX rất muốn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng không có tiềm lực kinh tế.

Đặc biệt, tại một số địa phương, quỹ đất dành cho xây dựng kho lạnh và chế biến nông sản sau thu hoạch cũng là một trở ngại với HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, mỗi tháng HTX sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam, xã Ea Yông (Krông Pắk - Đắk Lắk) thu mua và xuất khẩu hàng ngàn tấn sầu riêng tươi. Tới đây, đơn vị dự kiến chế biến thêm hàng cấp đông. Thế nhưng, việc tìm quỹ đất để làm kho lạnh vào thời điểm này là không hề dễ.

Ông Nguyễn Tiến Điệp, Giám đốc HTX sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp đang tự tìm, tự mua, tự xây, chưa có quy hoạch nào về kho bãi cho ngành sầu riêng. Chúng tôi mong muốn được quy hoạch vào một khâu nào đó để sản xuất, bóc tách cho quy chuẩn”. 

Cần chính sách hỗ trợ

Bảo quản nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Để tối ưu năng suất nông sản thì đầu tư vào hệ thống kho lạnh cần được doanh nghiệp, HTX xem là ưu tiên hàng đầu.

Do vậy, Nhà nước cần có quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản chủ lực, tập trung. Trong đó, chú trọng đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh…). Cùng với đó, cần hình thành các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín - Hà Nội), cho rằng, các cơ quan chức năng cần tham mưu Chính phủ có chính sách với lãi suất vay ưu đãi đối với doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ dịch vụ hậu cần, bảo quản hàng hóa nông sản.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho biết, để đạt được hiệu quả cao nhất khi đầu tư xây dựng kho lạnh, các địa phương cần quy hoạch hệ thống kho lạnh phù hợp với từng vùng sản xuất và đặc tính của từng loại nông sản như vải thiều, thanh long, nhãn…, không để tự phát như hiện nay. Cùng với đó, cần ưu tiên đầu tư kho lạnh cỡ nhỏ cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ để các đơn vị chủ động thu mua nông sản cho nông dân trong bối cảnh sản lượng thu hoạch có số lượng lớn.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ưu tiên xây dựng kho lạnh. Bộ sẽ đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế và lãi suất vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống kho lạnh. Trước mắt, Bộ Tài chính cần xem xét miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh cho doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản...

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, duy tu phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống các bến cảng lớn, cảng nước sâu đảm bảo cho tàu biển có tải lớn có thể hoạt động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các bến cảng hiện có để đảm bảo các phương tiện có thể lưu thông thuận lợi. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản.

 

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường