Hà Nội cấp mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp
08:18 - 22/08/2024
Để kiểm soát hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường, Hà Nội đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Sơ chế, bảo quản rau cung cấp cho thị trường tại Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm).



Cấp mã số cho vùng trồng nông sản

Trước yêu cầu của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, đỏi hỏi các sản phẩm nông sản đều cần phải có nguồn gốc truy xuất rỏx ràng. Đây cũng là một xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị nông sản và tham gia vào các thị trường trên thế giới, Hà Nội đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Cung ứng rau sạch Thắng Lợi (huyện Thường Tín) Trương Văn Thường, trước những yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, từ năm 2021 đến nay, hợp tác xã đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp mã số vùng trồng; sản phẩm chuối xuất khẩu được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP. Việc cấp mã vùng trồng, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đạt chuẩn VietGAP giúp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, thuận lợi hơn. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã có từ 600 - 800 tấn chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản.

Có thể nói, việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông sản khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn góp phần tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) Lưu Thị Hằng cho biết, thành phố đã cấp được 16 mã số vùng trồng xuất khẩu và 133 mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt. Sau khi cấp mã vùng trồng, chi cục thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, trong 6 tháng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 58,5%, trong đó hàng nông sản đạt 836 triệu USD. Một số nông sản xuất khẩu chính là sản phẩm quế, hồi, gia vị, chè xanh, rau, củ, quả và các sản phẩm nông sản khác như: Gạo, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, tinh bột sắn…

Nhưng, việc xây dựng, duy trì mã số vùng trồng còn có những hạn chế, do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng này gây khó khăn cho công tác kiểm soát mã số vùng trồng. Ðể được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất cần bảo đảm các yêu cầu, như: Quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất. Trong khi đó, trình độ người dân còn hạn chế, nên không dễ tiếp cận với quy trình cập nhật thông tin sản xuất trên cơ sở dữ liệu quản lý theo quy định về cấp mã số vùng trồng.

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra và siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời vận động, kêu gọi doanh nghiệp tích cực phối hợp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp

Việc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí.

Hiểu rõ điều này nên thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, trang bị cho nông dân những kiến thức mới để ứng dụng vào thực tiễn canh tác, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Viết Hùng, để tiết kiệm chi phí, nhân công lao động, vụ xuân 2024, hợp tác xã sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ trên diện tích gần 400ha. Việc cơ giới hóa trong làm đất, ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ mang lại rất nhiều lợi ích. Cây lúa không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, mà còn giảm chi phí và cho giá trị cao gấp 2-3 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.

Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm Trần Văn Tuấn cho biết, với mục đích đưa nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn, hợp tác xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, như: Tưới phun, nhỏ giọt, gieo trồng trong nhà kính, nhà lưới và ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói. Ngoài ra, hợp tác xã còn ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Hiện tại, mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 2 đến 3 tạ rau sạch, doanh thu đạt 50-70 triệu đồng/tháng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương, áp dụng công nghệ số là một trong những nội dung quan trọng mà trung tâm đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân. Thông qua tập huấn, các hợp tác xã, nông dân được hướng dẫn cách xây dựng mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất, triển khai hệ thống giám sát bằng công nghệ thông minh và cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số. Tại các buổi tập huấn, trung tâm cũng giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhất là trang bị cho người sản xuất kỹ năng đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hiện ngày càng có nhiều mô hình đưa cơ giới hóa, công nghệ số vào sản xuất, làm thay đổi thói quen canh tác của người nông dân.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, việc xây dựng nền nông nghiệp thông minh và thị trường số là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp, cần có sự chung tay, hỗ trợ của các ngành chức năng để ngành Nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ canh tác; hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

 

Nguồn: hanoimoi.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường