Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Đặt nông nghiệp lên tầm lợi thế quốc gia (Bài 2)
16:54 - 23/07/2024
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn qua các Nghị quyết ban hành gần đây, Bộ Chính trị, BCH Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vị trí là chủ thể, là trung tâm của người nông dân với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Thưa ông, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đời sống người nông dân không ngừng được tăng lên, xây dựng nông thôn mới đã tạo ra nhiều đột phá ở khu vực nông thôn. Điều này, khẳng định vai trò và sự đóng góp rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông có cảm nhận như thế nào về những chính sách đặc biệt mà Tổng Bí thư dành cho tam nông?

- Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những năm gần đây Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và ban hành các chủ trương lớn, từ đó định hướng, triển khai thực hiện các chính sách và hệ thống pháp luật để tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực "tam nông" tiếp tục phát triển. Tôi muốn nói đến hai từ đặc biệt, mỗi chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành ra, Đảng đều huy động cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các cấp cơ sở vào cuộc. Trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều buổi làm việc với các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình thực hiện, cũng như những thực tiễn đang diễn ra ở cơ sở. Tôi cho rằng, đây là một điều rất đặc biệt, hiếm thấy.

Trước đó, khi còn giữ cương vị là Chủ tịch Quốc hội (2006-2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26, ngày 5/8/2008 về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và thực sự đã tạo nên sự đột phá, phát triển. Trong đó, dấu ấn nổi bật nhất, rất quan trọng, đó là Việt Nam đã thành công trong xây dựng nông thôn mới, đột phá thay đổi bộ mặt nông thôn và tiến hành chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách mạnh mẽ. Chỉ sau 13 năm triển khai đồng bộ, đến nay đã có 78% số xã đạt đủ tiêu chí nông thôn mới, hơn 13.300 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần dân, sát dân, vì lợi ích của dân

 

Gần đây, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW để nhìn lại các bài học, kinh nghiệm, cũng như các mặt còn hạn chế, từ đó, đồng chỉ đã lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết số 19- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hành ngày 16/6/2022). Điểm đặc biệt mới của Nghị quyết lần này, là không chỉ giới hạn việc thực hiện theo giai đoạn, theo nhiệm kỳ, mà còn hướng tới tầm nhìn cho năm 2045- năm mà nước ta kỷ niệm tròn 100 năm giành độc lập.

Quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết này, đó là gắn nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong mối quan hệ mật thiết và đặt mối quan hệ này vào vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, hội nhập quốc tế. Công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Với sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết số 19 để một lần nữa xác định và khẳng định rõ nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Xưa nay, chưa một ngành hàng nào được xác định ở vị trí quan trọng như vậy cả. Đồng thời, Nghị quyết một lần nữa tái khẳng định vai trò chủ thể, trung tâm của người nông dân với quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đây là cách đặt vấn đề, quan điểm rất hiện đại và độc đáo phù hợp với điều kiện Việt Nam trong một thế giới công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, đô thị hóa được đẩy lên rất mạnh mẽ như hiện nay. Đây là lý do vì sao giữa tình hình chung nhiều biến động, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, giảm đói nghèo, giữ ổn định xã hội. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt. Đặc biệt, ở góc độ cá nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành những tình cảm sâu sắc, sự gần gũi với những người nông dân mỗi khi Tổng Bí thư đi cơ sở. Đặc biệt, Nghị quyết số 46 ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đã tiếp tục khẳng định điều đó thưa ông?

- Trong nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 19 đã nhấn mạnh việc nâng cao vai trò, vị thế năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Trong đó, đề cao chức năng, nhiệm vụ, vị thế của Hội Nông dân Việt Nam. Chính vì vậy, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028, ngày 20/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 46 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 46 có bốn điểm mới đáng chú ý, đó là:

Điểm mới thứ nhất là về quan điểm: Nghị quyết 46 có nhắc rất rõ vai trò của Hội Nông dân trong việc tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, phát huy quyền làm chủ của nông dân. Đây là quan điểm khá mới. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò chủ thể, trung tâm của sự phát triển, kể cả trong kinh tế nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới và cả quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của nông dân.

Điểm mới thứ hai là về nhiệm vụ: Bên cạnh các công tác tuyên truyền xưa nay chúng ta vẫn làm thì lần này Đảng chỉ đạo phải gắn với việc giải quyết lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân, nhất là sinh hoạt cơ sở.

Có nghĩa là, không chỉ là chuyển giao, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính sách pháp luật mà chú ý đến việc giải quyết lợi ích thiết thân. Lấy nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề phát triển nông nghiệp để tuyên truyền, vận động người dân. Ví dụ xây dựng chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ…

Cũng trong phần nhiệm vụ, chỉ đạo của Đảng lần này nhấn mạnh đa dạng hóa phương thức, mô hình tập hợp và đoàn kết nông dân. Điều đó có nghĩa, từ nay phương thức tập hợp nông dân sẽ rất đa dạng, không đơn thuần chỉ là các hình thức xưa nay chúng ta làm mà có thể gắn với nguyện vọng, nhu cầu nghề nghiệp và địa bàn dân cư.

Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình chi Hội, tổ Hội, câu lạc bộ nghề nghiệp, điều này giúp đa dạng hóa cách thức, mở ra khả năng sáng tạo và cho phép chúng ta thử nghiệm những mô hình mới trong việc tổ chức bộ máy của Hội Nông dân.

Điểm mới thứ ba trong nhiệm vụ, là các hoạt động dịch vụ tư vấn giao thêm cho Hội khá mạnh và mới. Trong mảng này, đầu tiên phải nói đến công tác đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ cho nhóm nông dân, tạo điều kiện giúp họ thành lập HTX, hướng dẫn dạy nghề… rồi có cơ chế để Hội Nông dân có thể tham gia cung cấp một số dịch vụ công, tôi nghĩ đây cũng là một điểm rất hay, bởi xưa nay dịch vụ công là trách nhiệm của các bộ, ngành.

Điểm mới thứ tư là, khuyến khích chúng ta xây dựng chỉ số đánh giá để nông dân, hội viên có thể đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ, cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất. Đây là động lực tốt để khuyến khích, thúc đẩy các bộ máy công quyền phục vụ tốt hơn cho người nông dân. 

Có thể khẳng định Nghị quyết số 46 cùng sự có mặt trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện sự quan tâm, quyết tâm hỗ trợ của Đảng với nông dân đã tạo nên tinh thần tự hào, niềm tin mạnh mẽ đối với đội ngũ cán bộ và các hội viên của Hội Nông dân Việt Nam nói riêng và các tầng lớp cư dân nông thôn nói chung trong giai đoạn phát triển mới.

Có thể nói trong Nghị quyết 46, Bộ Chính trị đã xác định rõ hơn trách nhiệm của Hội Nông dân trong vai trò là đại diện về quyền lợi hợp pháp và phát huy quyền làm chủ của người nông dân. Đây là cách đặt vấn đề rất mới, vượt trên yêu cầu chỉ là "cánh tay nối dài" của Đảng và Nhà nước để triển khai các Nghị quyết, chính sách, hướng dẫn người dân thực hiện.

Việc xác định vai trò chủ thể của người nông dân, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của người nông dân thể hiện qua các nhiệm vụ gắn tuyên truyền, vận động với việc giải quyết các vấn đề sát sườn với hội viên, các chương trình đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn như nâng cao chất lượng hệ thống Trung tâm hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ nông dân, Trường đào tạo cán bộ nông dân, cung cấp dịch vụ công, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng vật tư, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, kết nối thị trường...

Đảng đã tạo cho Hội Nông dân những bước đầu rất quan trọng để thể hiện vai trò là "người bạn đường", lực lượng hỗ trợ trực tiếp để nông dân đứng lên làm chủ cuộc sống của mình.

 

Những di sản về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là vô cùng quý báu, chúng ta cần kế thừa và phát huy những di sản ấy ra sao, thưa ông?

- Đường lối của Đảng, Nhà nước nhìn nhận vấn đề "tam nông" trong một tổng thể phối hợp, xác định rõ vai trò quan trọng của "tam nông" trong giai đoạn phát triển mới như một lợi thế của quốc gia, thể hiện yếu tố quan trọng là "phân quyền" cho người dân thông qua nguyên tắc: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Trung tâm của nhiệm vụ quan trọng này là Hội Nông dân Việt Nam với vai trò vừa là người đại diện, hỗ trợ và lãnh đạo, chỉ đạo giai cấp nông dân, mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kỳ vọng, mong mỏi, đó là: Bức tranh "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" đó có thực sự hoàn mỹ hay không và giải đáp câu hỏi làm sao để trở thành hiện thực, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, song Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò trực tiếp và nòng cốt.

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

CÁC CHÍNH SÁCH VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
 
TRONG 3 NHIỆM KỲ CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
 
I. Nội dung các Văn kiện, Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
 
Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng (nhiệm kỳ 2011-2016): Nông nghiệp có bước phát triển theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững, nhiều sản phẩm có giá trị cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tỉ lệ lao động nông nghiệp khoảng 30-35% lao động xã hội.
 
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (nhiệm kỳ 2016- 2021): Cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021- 2026): Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
 
 
 
II. Các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
 
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
 
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
 
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
 
 
 
III. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
 
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới
 
 
 
IV. Các Chỉ thị của Ban Bí thư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
 
Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi
 
Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
 
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng