Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Ngành chăn nuôi có sự đóng góp của hàng triệu hộ nông dân
15:19 - 08/07/2024
Giai cấp nông dân là lực lượng nòng cốt, đóng góp rất lớn vào công cuộc cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc và trong quá trình phát triển của đất nước. Người nông dân có quyền tự hào về đóng góp to lớn của mình, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.  

Bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định với Báo NTNN/Dân Việt như vậy khi nói về vai trò của nông dân đối với sự phát triển của ngành Chăn nuôi những năm qua.

 

3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi

Thưa bà, có thể khẳng định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" do Trung ương Hội Nông dân phát động đã góp phần hình thành nên thế hệ nông dân tri thức và chuyên nghiệp trong thời đại mới. Theo bà đâu là yếu tố cốt lõi giúp phong trào có sức lan tỏa như hiện nay?

- Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, "dồn điền, đổi thửa" tạo vùng sản xuất tập trung, cánh đồng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

 

Bình quân mỗi năm có trên 6,2 triệu hộ đăng ký thi đua, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 6,7% so với chỉ tiêu Đại Hội VII. Thông qua phong trào này, trên khắp các vùng miền của đất nước đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, có mức thu nhập cao. 

 

Có được điều này là nhờ các cấp Hội đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức; đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động; hướng dẫn nông dân tiếp cận với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Các cấp Hội đã trực tiếp, phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo nghề cho hội viên, nông dân, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân là chủ trang trại, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận nông dân sau học nghề được hỗ trợ, giúp đỡ đã "khởi nghiệp" thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập...

 

Tiêu biểu như hộ nông dân Hoàng Mạnh Ngọc ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đang sản xuất giống gia cầm trên diện tích 12.000m2, sử dụng công nghệ tự động hoá, mang lại lợi nhuận bình quân đạt 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động nông thôn. Hộ ông Phạm Văn Lượng, xã Hồng Phong, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng với mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Hay như mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương (ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), được Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ thành lập năm 2019. Đến nay mô hình đã phát triển trên diện tích 4ha, trong đó anh Vương chăn nuôi hơn 3.000 con gà thịt; 1.000 con vịt và hơn 30 con lợn gồm cả lợn nhà và lợn rừng lai theo hướng hữu cơ.

 

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương. Ảnh: Ngọc Vũ
 

Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, anh Vương đã tập hợp những người chung chí hướng thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Vương Tây Sơn cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm cho bà con, xây dựng chuỗi thực phẩm sạch khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đến chế biến, đóng gói sản phẩm theo phương pháp hút chân không, cung cấp cho người tiêu dùng tại Quảng Trị và một số tỉnh lân cận. Trang trại của anh Vương đạt doanh thu mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương. 

 

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng các mô hình tập hợp, thu hút phát triển phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", như thành lập "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú", "Câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế"... 

 

Tiêu biểu như Hội Nông dân TP. Hải Phòng, Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Dương, Bến Tre… Theo đó các địa phương đã thành lập và ra mắt 1.965 Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

 

Được biết, những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã luôn sát cánh, hỗ trợ hội viên, nông dân khắc phục khó khăn, kịp thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho bà con phát triển sản xuất, trong đó có chăn nuôi. Bà có thể cho biết một số kết quả nổi bật?

- Đúng như vậy, Hội Nông dân Việt Nam đạt được rất nhiều kết quả nổi bật trong việc hỗ trợ vốn cho nông dân. Cụ thể, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 1.761,2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5%, vượt chỉ tiêu Đại hội VII; nâng tổng nguồn vốn Quỹ toàn hệ thống Hội đạt 4.827 tỷ đồng. Công tác cho vay, thu hồi vốn được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn nguồn vốn.

 

Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp được sử dụng ngày càng hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ nhiều hộ nông dân khởi nghiệp thành công, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi; phát triển hàng nghìn mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, mô hình tổ, nhóm liên kết hợp tác chăn nuôi, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. 

 

Các cấp Hội đã tích cực tín chấp hỗ trợ hàng triệu nông dân vay vốn trên 171.000 tỷ đồng. Trong đó, tính đến 30/6/2023, tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội qua Hội Nông dân Việt Nam đạt 90.370 tỷ đồng, tăng 33.087 tỷ đồng so với cuối năm 2018 với 2.018.942 thành viên thuộc 51.282 Tổ tiết kiệm và vay vốn; của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 79.702 tỷ đồng, tăng 25.857 tỷ đồng so với cuối năm 2018 với 560.642 thành viên thuộc 25.122 Tổ vay vốn; một số ngân hàng khác khoảng 1.000 tỷ đồng.

 

Các chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân không chỉ giúp bà con có "cần câu" kịp thời để đầu tư sản xuất, kinh doanh, mà còn hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới có năng suất chất lượng cao vào chăn nuôi; xây dựng các mô hình chăn nuôi VietGAP, mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

 

Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập 10.561 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả (trong đó 2.127 hợp tác xã, 8.434 tổ hợp tác), đạt chỉ tiêu Đại hội VII.

 

"Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về các nội dung kí kết chương trình phối hợp giữa hai bên, đó là: "5 nội dung hợp tác sẽ là 5 nội dung về cuộc cách mạng trong nông nghiệp, từ đó hình thành một thế hệ nông dân mới, biết liên kết, hợp tác với nhau cùng phát triển, thay đổi tư duy để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp". Tin tưởng từ các nội dung hoạt động này, 2 đơn vị sẽ góp phần xây dựng và hình thành những người nông dân chuyên nghiệp, hiện đại hóa ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung"- Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Chăn nuôi hiện đại cần có những người nông dân chuyên nghiệp

Thời gian qua Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam gây tiếng vang lớn, trong đó tôn vinh rất nhiều nông dân tỷ phú có nhiều thành công xuất sắc trong lĩnh vực chăn nuôi, thưa bà?

 

- Từ những chương trình, hoạt động hỗ trợ sát cánh với nông dân, trên khắp cả nước đã có nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Năm 2013, chúng tôi và Công ty CP Phân bón Bình Điền đã có sáng kiến tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, nhằm tôn vinh các gương mặt nông dân xuất sắc nhất trong các lĩnh vực sản xuất, trong đó có các hộ chăn nuôi giỏi. 

 

Mỗi năm chúng tôi bình chọn 63 – 100 nông dân xuất sắc đại diện cho các tỉnh, thành. Đến nay đã có gần 800 nông dân vinh dự được trao danh hiệu này, trong đó có hàng trăm hội viên, nông dân là tỷ phú chăn nuôi.

 

Tôi rất ấn tượng với ông nông dân Đào Hữu Thuân, xã Cẩm Đông, (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) - 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Từ một hộ buôn bán nhỏ, ông Thuân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà đẻ. 

 

Trải qua hơn 30 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, đến nay, ông Thuân hiện đã có 6 trang trại nuôi gà đẻ trứng hiện đại, tổng diện tích 6.000 m2, nuôi 7 vạn con gà, trong đó luôn có 5 vạn con gà đẻ, 2 vạn gà hậu bị, doanh thu trung bình đạt 2 tỷ đồng mỗi năm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, được sự tư vấn của các chuyên gia, ông Thuân đã chuyển hướng từ chăn nuôi thông thường sang đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP.

 

Năm 2023, trong danh sách này cũng có 1 gương nông dân rất ấn tượng, đó là ông Bùi Đức Luận ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ). Hơn 20 năm chăn nuôi lợn, có lúc thua liểng xiểng, như ở dưới vực thẳm, lỗ bết bát trên 10 tỷ trong một năm, nhưng ông Luận không gục ngã, không bỏ cuộc. Với ý chí ham làm giàu, đam mê nghề chăn nuôi nên ông Luận đã kiên trì tích lũy kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi lợn, tích tụ đất đai lên đến gần 7ha rồi vay vốn ngân hàng 17 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trang trại khép kín, chăn nuôi lợn an toàn sinh học quy mô hơn 2.000 con. Ngoài ra, ông còn nuôi cá, trồng mít, bưởi..., mỗi năm đạt doanh thu 20 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 2 tỷ đồng.

 

Còn vô vàn những gương nông dân đáng nể khác, họ chính là những "viên ngọc" sáng giữa đời, giúp lan tỏa và khơi dậy khát vọng làm giàu trong các cấp Hội nông dân. Đặc biệt, họ có đóng góp mang tính dẫn dắt trong quá trình hồi phục của nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau khi đại dịch COVID-19 được cơ bản kiểm soát.

 

Đó là những kết quả nói chung, còn riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, Hội Nông dân Việt Nam đã có những hành động cụ thể gì để giúp các hội viên phát triển mạnh lĩnh vực này?

- Mới đây nhất, tháng 12/2021, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký kết chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó cũng đề cao việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao. 

 

Theo Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có 5 chương trình phối hợp lớn giữa hai bên. Trong đó, hai cơ quan cùng tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

 

Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

 

Về việc ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng đã đề nghị 2 cơ quan sẽ tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

 

Trong đó mỗi năm, ở cấp Trung ương phối hợp tổ chức ít nhất 1 hoạt động trên. Phối hợp tổ chức các hoạt động như Hội thi "Nhà nông đua tài", "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông", chương trình "Tôn vinh nhà khoa học của nhà nông"; hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp tài ba…

 

Hai cơ quan cùng phối hợp và chỉ đạo ngành dọc thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; ưu tiên cán bộ Hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 1.000 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng", tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ quan đầu mối phối hợp phía Bộ là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; còn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là Ban Kinh tế.

 

Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về các nội dung kí kết chương trình phối hợp giữa hai bên, đó là: "5 nội dung hợp tác sẽ là 5 nội dung về cuộc cách mạng trong nông nghiệp, từ đó hình thành một thế hệ nông dân mới, biết liên kết, hợp tác với nhau cùng phát triển, thay đổi tư duy để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp". Tôi tin tưởng từ các nội dung hoạt động này, 2 đơn vị sẽ góp phần xây dựng và hình thành những người nông dân chuyên nghiệp, hiện đại hóa ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng