Đại biểu Quốc hội băn khoăn quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần
09:15 - 28/05/2024
Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Quốc hội thảo luận ở hội trường

 

Liên quan nội dung này, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.


Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: Nhóm 1: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, nếu có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2: Người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.


Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.


Kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, 2 phương án được đưa ra trong dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần và tạo được sự đồng thuận cao.


Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ, đến tháng 4/2024, số người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần cao nhất từ trước đến nay. Dự báo nếu đà tăng này tiếp tục thì đến năm 2024, ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
 

Để bảo đảm hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của bảo hiểm xã hội là bảo đảm an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, đại biểu Thu đánh giá, Phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một bộ phận người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.


Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của bảo hiểm xã hội là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội để tích lũy cho tương lai khi về già, trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.


Đề xuất lựa chọn Phương án 1 với cùng lý do như trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng cần có định hướng truyền thông tham gia bảo hiểm xã hội để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế và lương hưu khi về già.


Đồng thời, cũng cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để những người này có thể vượt qua được khó khăn trước mắt và tránh việc rút bảo hiểm xã hội một lần gây ảnh hưởng đến quyền lợi về sau.


Có chung quan điểm đồng tình với Phương án 1, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đề nghị cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm như tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, qua đó giảm thiểu tình trạng người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí.


Bảo đảm quyền lựa chọn, giữ được an sinh tối thiểu cho người tham gia bảo hiểm

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) bày tỏ ủng hộ Phương án 2, đánh giá phương án này vừa bảo đảm quyền lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm xã hội và vừa giữ được an sinh tối thiểu cho người tham gia bảo hiểm.


Tuy nhiên, theo đại biểu, Phương án 2 lại chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động. Bởi đa phần những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều có khó khăn trong cuộc sống. Do đó, họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.


“Tôi cho rằng, để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội và hạn chế được tình trạng rút bảo hiểm một lần, dự thảo Luật cần thiết kế thêm chế độ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi gặp khó khăn trong cuộc sống”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.


Tán thành với phương án nêu trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) nhận định việc quy định như vậy dù không chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời giữ chân được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.


Cân nhắc tích hợp 2 phương án

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nêu rõ, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm.


Theo đại biểu, Phương án 1 là phương án tối ưu, tuy nhiên lại tạo ra "lát cắt", chia thành 2 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung các đánh giá tác động kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.


Dẫn số liệu cho thấy việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý I năm 2024 - mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng.


"Do đó, việc cho rằng Phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác", đại biểu nói.


Nữ đại biểu đoàn Bạc Liêu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện phương án này theo hướng giảm thời gian xem xét việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động từ 12 tháng xuống còn 3-6 tháng để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, duy trì cuộc sống trong điều kiện nhiều khó khăn.


Đối với quy định theo Phương án 2 là người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng quy định này là chưa rõ ràng.


Đại biểu kiến nghị nên kết hợp giữa 2 phương án, quy định người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng, bảo đảm nguyên tắc có đóng có hưởng.


"Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm bảo đảm chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí", đại biểu cho hay.


Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, 2 phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 phương án này là thời điểm tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2025 thì được hưởng bảo hiểm xã hội rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng.


Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật này có hiệu lực.


Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của 2 phương án, đại biểu đề xuất tích hợp 2 phương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry. Từ đó, giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động, về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn: Chinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng