Bảo đảm sinh kế bền vững cho người nông dân trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay
09:34 - 29/01/2024
Trước đòi hỏi của quá trình phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, làm phá vỡ cấu trúc kinh tế - xã hội cũ và xuất hiện quan hệ kinh tế - xã hội mới. Quá trình này một mặt làm biến đổi các hoạt động sinh kế truyền thống của người nông dân, mặt khác cũng làm xuất hiện những hoạt động sinh kế mới. Điều này vừa tạo thời cơ, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm sinh kế bền vững cho người nông dân hiện nay.

 
Sinh kế bền vững và ảnh hưởng của đô thị hóa đến sinh kế bền vững của người dân
 
Năm 1998, Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) đưa ra khung sinh kế bền vững gồm có năm nguồn vốn, đó là:
 ​
 
1- Vốn con người: bao gồm các kỹ năng, kiến thức, khả năng lao động và sức khỏe của con người, giúp họ theo đuổi những sinh kế khác nhau và đạt được các mục tiêu của sinh kế. Nguồn lực này đóng vai trò trung tâm, điều tiết các loại nguồn lực khác trong sinh kế bền vững;
 
2- Vốn tự nhiên: bao gồm các yếu tố có sẵn trong tự nhiên phục vụ cho sinh kế của người dân như đất, nước, không khí, các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Trong đó, đất đai đóng vai trò quan trọng nhất và có tính quyết định đối với người nông dân trong việc bảo đảm sinh kế;
 ​
 
3- Vốn xã hội: là một nguồn vốn chủ yếu nằm trong mạng lưới xã hội của các cá nhân. Vốn xã hội là các nguồn lực xã hội mà con người sử dụng để theo đuổi các mục tiêu sinh kế của mình, bao gồm mạng lưới các mối quan hệ xã hội, niềm tin, chuẩn mực... Nguồn lực xã hội được thể hiện thông qua hệ thống các mạng lưới, các mối liên kết, tính đoàn, hội của các nhóm, tinh thần cộng đồng. Bên cạnh đó là sự tương tác với các thiết chế chính trị, văn hóa, chuẩn mực đạo đức…;
 ​
 
4- Vốn vật chất: bao gồm kết cấu hạ tầng và các công cụ sản xuất cần thiết để hỗ trợ sinh kế. Nguồn vốn này đóng vai trò huyết mạch, bảo đảm sự kết nối các loại nguồn lực với nhau một cách nhanh chóng và thuận lợi.
 
5- Vốn tài chính: bao gồm các nguồn lực tài chính mà con người sử dụng nhằm đạt được mục tiêu sinh kế của mình. Nguồn lực tài chính đóng vai trò trung gian cho quá trình trao đổi, có ý nghĩa quan trọng đối với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác. Nguồn lực tài chính của người nông dân được xem xét dưới hai nguồn cơ bản:
 
i- nguồn vốn sẵn có (tiền tiết kiệm, vật nuôi, vay nợ các cơ sở tín dụng…);
 
ii- nguồn vốn thường xuyên (trợ cấp từ Nhà nước, tiền lương…). Khi người nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang nền sản xuất hàng hóa thì nhu cầu về vốn là rất lớn. Việc bảo đảm các nguồn vốn là cơ sở quan trọng và có tính quyết định sinh kế bền vững cho người dân trước những biến đổi hiện nay.
 
Quá trình đô thị hóa mang lại sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, làm biến đổi và xuất hiện nhiều hoạt động sinh kế mới, từ đó làm đa dạng nguồn sinh kế cho người nông dân, nhất là những người dân bị mất đất sản xuất. Sự biến đổi xã hội mà trước hết là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã mang lại bộ mặt mới cho các vùng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, nhiều tư tưởng, quan điểm tích cực, tiến bộ được du nhập làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân.
 
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa làm thay đổi các nguồn vốn sinh kế (con người, tự nhiên, xã hội, vật chất và tài chính) đã tạo tiền đề thúc đẩy sự biến đổi sinh kế một cách mạnh mẽ. Sự biến đổi đó diễn ra một cách toàn diện từ hiện tượng đến bản chất của khu vực nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, quá trình đô thị hóa cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trong đó có vấn đề sinh kế bền vững của người nông dân.
 
Ở Việt Nam, đô thị luôn được coi là nơi nắm giữ các quyền lực về chính trị, kinh tế quan trọng của xã hội và có sức chi phối mạnh mẽ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của vùng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đô thị hóa là chuyển biến và thay đổi một cách căn bản, toàn diện mọi mặt khu vực nông thôn từ cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng, khoa học - kỹ thuật đến nhân lực, cơ cấu việc làm… Quá trình này kéo theo sự thay đổi về tư duy, lối sống, cách ứng xử và các mối quan hệ xã hội. Năm 1986, cả nước có 480 đô thị; năm 1990 là 500 đô thị; năm 2007 là 729 đô thị; năm 2012 là 755 đô thị. Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 12-2021, tổng số đô thị cả nước là 869 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV, 674 đô thị loại V(1).
 
Sản xuất nấm linh chi theo tiêu chuẩn VIETGAP. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

 
Quá trình đô thị hóa đã hình thành các khu công nghiệp, làm xuất hiện các hoạt động sinh kế mới. Sự phát triển các khu công nghiệp làm cho người nông dân mất đất sản xuất, từ đó các công việc liên quan đến nông nghiệp cũng bị thu hẹp, trong khi các công việc mới liên quan đến công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Xét ở góc độ nghề nghiệp - việc làm, đa số đã chuyển đổi từ nông dân sang công nhân vì các hoạt động mưu sinh, sinh hoạt hằng ngày của họ gần như không gắn với nông nghiệp, làng quê, mà gắn với các nhà máy, xí nghiệp ở đô thị.
 
Ở một số nơi, người nông dân có thể tạo sinh kế bằng việc bán đất để “ăn dần” hoặc đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê. Một số người lao động quá tuổi, không được nhận vào các khu công nghiệp thì chọn giải pháp làm các công việc tạm thời, như xe ôm, bốc vác... Một số khác mở các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho công nhân ở các khu công nghiệp. Ở một số địa phương có nghề truyền thống, chính quyền và nhân dân thực hiện đầu tư để khôi phục, phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, “thua ngay trên sân nhà”.
 
 
Như vậy, có thể thấy, ở nước ta, quá trình đô thị hóa làm biến đổi sâu sắc mọi mặt đời sống của người nông dân, đặc biệt là vấn đề sinh kế, nếu xét 5 nguồn lực theo khung tham chiếu của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) có thể khái quát sự biến đổi các nguồn lực ở khu vực nông thôn hiện nay như sau:
 
Vốn con người: Nguồn nhân lực ở các vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi so với trước kia. Sự thay đổi này theo chiều hướng tích cực, nghĩa là dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động tăng và đặc biệt là chất lượng nhân lực có nhiều cải thiện. Lực lượng lao động qua đào tạo ngày càng tăng đã tác động tích cực đến các hoạt động sinh kế của người nông dân theo hướng ứng dụng ngày càng nhiều những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, nguồn lực này chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn do xu hướng di dân ngày càng tăng, từ đó tạo ra những “khoảng trống nhân lực chất lượng cao” ở khu vực nông thôn.
 
 
Vốn tự nhiên: Đất đai được coi là nguồn vốn tự nhiên quan trọng của người nông dân trong quá trình thực hiện hoạt động sinh kế. Khi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra, việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho các công trình công nghiệp, công trình dân sinh là tất yếu. Nhiều diện tích đất nông nghiệp vốn là nguồn tư liệu sản xuất chính và chủ yếu của người nông dân đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành khu công nghiệp, khu đô thị.
 
Vốn xã hội: Trong những năm qua, các thiết chế văn hóa và giá trị văn hóa cộng đồng, văn hóa gia đình góp phần quan trọng vào việc củng cố các mối quan hệ, tăng cường sự đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, cấu trúc và các mối quan hệ trong gia đình dần thay đổi theo sự đổi thay của xã hội. Trước kia, việc “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” sống trong một mái nhà khá phổ biến. Khi đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cấu trúc gia đình lớn dần bị phá vỡ và thay vào đó là quy mô và cấu trúc gia đình nhỏ. Chính sự thay đổi này làm cho các chức năng của gia đình, như chức năng sinh sản, chức năng giáo dục - xã hội hóa cá nhân, chức năng kinh tế, chức năng tâm lý - tình cảm có những biến đổi so với trước kia.
 
Vốn vật chất: Trong những năm gần đây, kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông nông thôn phát triển nhanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp hình thành và phát triển, làm cho quá trình giao thương giữa các vùng, miền trở nên thuận lợi hơn, có điều kiện đi tìm kiếm công việc ở xa cách nhà vài chục ki-lô-mét. Nhờ hệ thống giao thông phát triển sản phẩm, hàng hóa của người nông dân được đưa đi tiêu thụ thuận lợi hơn. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là điện thoại thông minh và internet đã phục vụ hiệu quả cho công việc cũng như nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm và bảo đảm sinh kế cho người nông dân.
 
 
Vốn tài chính: Việc huy động nguồn vốn vào quá trình sản xuất của người nông dân ngày càng đa dạng hơn. Bên cạnh nguồn vốn tích lũy của bản thân và gia đình, trong bối cảnh mới hiện nay, người nông dân còn có thêm các nguồn vốn tài chính khác để đầu tư cho sản xuất và kinh doanh như vay vốn từ hệ thống các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân…; tiền đền bù, giải phóng mặt bằng khi bị thu hồi đất.
 
Với xu hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”; “…công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”(2).
 
 
Như vậy, có thể thấy, Đảng ta luôn ưu tiên quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
 
 
Những vấn đề đặt ra cho việc bảo đảm sinh kế bền vững cho người nông dân hiện nay
 
Thứ nhất, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp và vấn đề an ninh lương thực. Với sự phát triển của các dự án kinh tế - xã hội, các khu, cụm công nghiệp đã làm cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng, đặc biệt là ruộng lúa và đất trồng hoa màu. Quá trình này làm người nông dân mất đất sản xuất, trong khi nhu cầu lương thực của con người ngày càng tăng. Đây thực sự là thách thức đặt ra cho các nhà quản lý trong việc bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh hiện nay.
 
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian tới được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước đây, do thời gian tới, các khu công nghiệp, nhà máy sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Cùng với quá trình đó đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải được nâng cao. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Do đó, cần có kế hoạch và chiến lược cụ thể phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả yếu tố thể lực, trí lực và tâm lực.
 
 
Thứ ba, sự phát triển thiếu tính bền vững. Mặc dù có sự biến đổi mạnh mẽ, tích cực trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhưng thiếu tính bền vững. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhưng chậm và không đồng đều giữa các lĩnh vực và khu vực địa lý. Ở các khu vực ven thành phố, đô thị hóa diễn ra rất nhanh, còn những vùng xa trung tâm thì ngược lại - diễn ra chậm, do đó chỗ thì không theo kịp được sự phát triển, chỗ thì mong mỏi được đô thị hóa. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chưa thực sự triệt để, một bộ phận không nhỏ người nông dân hiện nay vừa là nông dân vừa là công nhân, vừa là công dân thành thị vừa là công dân nông thôn.
 
 
Thứ tư, thiếu vốn sản xuất. Trong quá trình chuyển đổi, vấn đề vốn là rất quan trọng. Hầu hết người nông dân khi chuyển đổi mô hình sản xuất đều rơi vào tình trạng thiếu vốn. Nguồn vốn huy động của người nông dân thường được xem xét dưới hai nguồn cơ bản, đó là nguồn vốn sẵn có, như tiền tiết kiệm, vật nuôi, vay nợ các cơ sở tín dụng… và nguồn vốn thường xuyên, như các khoản trợ cấp từ Nhà nước, tiền lương… Việc huy động nguồn tài chính trong dân chưa hiệu quả; số lượng tiền nhàn rỗi trong dân khá lớn nhưng người nông dân vẫn chủ yếu tích lũy dưới dạng vàng, tiền mặt hoặc các vật dụng có giá trị khác.
 
 
Như vậy, quá trình đô thị hóa vừa tạo ra những thời cơ nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sinh kế bền vững cho người nông dân nói riêng. Để phát huy thời cơ và hạn chế thách thức, trong thời gian tới cần triển khai những giải pháp đồng bộ để bảo đảm sinh kế bền vững cho người nông dân trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay.
   
 
Giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho người nông dân trong thời gian tới
 
Trong bối cảnh có nhiều biến động hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 16-6-2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn cũng như nhiệm vụ, giải pháp cho vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045(3). Để hiện thực hóa chủ trương đúng đắn trên, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể, phù hợp:
 
 
Một là, có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp một cách rõ ràng và hiệu quả. Việc thu hồi đất nông nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến mất đất nông nghiệp là quá trình không thể tránh khỏi. Song, quá trình này không thể thực hiện một cách nóng vội, tùy tiện; trái lại, cần phải có quy hoạch rõ ràng, những khu vực nào được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, những khu vực nào không được phép chuyển đổi. Đối với những vùng được quy hoạch, cần gắn liền với những kế hoạch phát triển toàn diện: kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Tránh quy hoạch công nghiệp ở những vùng được xác định là “bờ xôi ruộng mật”. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn tình trạng quy hoạch treo, các dự án cần được tập trung triển khai và đưa vào sử dụng sớm, tránh lãng phí đất nông nghiệp.
 
 
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nhân lực trẻ. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc phát triển kinh tế và bảo đảm sinh kế cho người nông dân. Khi mất đất, người nông dân buộc phải chuyển đổi sang một nghề nghiệp khác, nhưng muốn làm được điều đó, họ phải có trình độ nhất định, được đào tạo. Hiện tại, nguồn lao động nói chung và lao động khu vực nông thôn nói riêng có trình độ tay nghề thấp. Do đó, cần tập trung vào việc nâng cao thể lực và trình độ chuyên môn cho người dân. Trong bối cảnh hiện nay, tập trung đào tạo các nghề công nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công công nghiệp; những chính sách hỗ trợ học nghề cho người dân mất đất sản xuất cần cụ thể, rõ ràng và thiết thực.
 
Ba là, phục hồi, phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời tiếp nhận các ngành, nghề thủ công mới. Việc phát triển các làng nghề truyền thống giúp tạo công ăn việc làm tại địa phương, giúp người nông dân “ly nông bất ly hương”. Hình thức tạo việc làm này vẫn bảo đảm nguồn nhân lực khi mùa vụ đến, đồng thời nâng cao hiệu quả hệ số sử dụng thời gian của người nông dân. Đối với những làng nghề truyền thống nhưng do biến động của lịch sử đã bị mai một, cần có kế hoạch phục hồi. Với những làng nghề đang phát triển, cần duy trì mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, chủ động tiếp nhận những ngành, nghề mới phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương. Đồng thời với quá trình phục hồi, khi mở rộng các làng nghề thủ công truyền thống cần cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để phát triển bền vững theo hướng này cần có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
 
Bốn là, đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới, hoàn thiện các thiết chế cộng đồng xã hội. Khu vực nông thôn đang có nhiều biến đổi về mọi mặt nên việc củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, trong đó có các thiết chế văn hóa gia đình là rất cần thiết và quan trọng. Bên cạnh đó, cần củng cố và tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ, tương thân, tương ái trong cộng đồng, từ đó giúp người nông dân tự thoát nghèo. Trong các xã, thôn, xóm nên hình thành các quỹ tài chính theo nguyên tắc dựa vào nhau để phát triển kinh tế. Các quỹ này sẽ được thực hiện theo hình thức luân phiên vay vốn trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
 
Củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa cộng đồng tại các xã, thôn, xóm tạo một môi trường sinh hoạt tập thể lành mạnh, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo tiêu chí mới, tiêu chí nâng cao. Huy động sức dân, làm cho người nông dân hiểu và tự nguyện đóng góp công sức, của cải để xây dựng nông thôn mới. Củng cố, phát triển các thiết chế văn hóa từ trong gia đình, cộng đồng dân cư, làng xóm và xã hội.
 
 
Năm là, tăng cường hỗ trợ tài chính cho người nông dân. Quá trình chuyển đổi khiến người nông dân có nhu cầu rất lớn về vốn. Có được nguồn vốn lớn, lãi suất thấp, người nông dân có thể chủ động tạo công ăn việc làm cho chính mình. Do đó, chính quyền cần tăng cường hỗ trợ tài chính, nhất là tạo điều kiện cho người nông dân được tiếp cận với các nguồn tài chính có lãi suất thấp thông qua hệ thống tài chính của Nhà nước, như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần hỗ trợ thủ tục, bảo đảm tín chấp để người nông dân có thể vay vốn đầu tư làm ăn. Bên cạnh đó, có chính sách để huy động được các nguồn tài chính nhàn rỗi, hình thành các quỹ tài chính mà nguồn đóng góp từ chính những người nông dân với nhau. Việc huy động các nguồn vốn tài chính cần linh hoạt, đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau.
 
 
Đối với nguồn tài chính từ các khoản đền bù đất nông nghiệp khi bị thu hồi cần hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân chi tiêu một cách hiệu quả, bảo đảm người nông dân sau khi bị thu hồi đất có được công việc mới tốt hơn, ổn định hơn. Có thể phân chia thành các khoản khác nhau, có những khoản chi trả trực tiếp cho người nông dân, nhưng cũng có những khoản sẽ hỗ trợ lâu dài một cách gián tiếp bằng các hình thức khác nhau.
 
Sáu là, tăng cường xuất khẩu lao động. Đây được coi là hướng đi mới trong giai đoạn hiện nay. Việc xuất khẩu lao động một mặt giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân, xóa đói giảm nghèo; mặt khác, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước, mang nguồn lực tài chính lớn cho gia đình. Trên thực tế rất nhiều gia đình có nhu cầu đi xuất khẩu động nhưng gặp khó khăn về thủ tục, tài chính và trình độ tay nghề, do đó, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu lao động, bên cạnh những thị trường truyền thống cần hướng đến những thị trường khó tính nhưng có mức thu nhập cao./.
 
-------------------------
 
(1) Xem: Hữu Mạnh: Cục Phát triển đô thị: Năm 2022, tập trung xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, https://baoxaydung.com.vn/cuc-phat-trien-do-thi-nam-2022-tap-trung-xay-dung-luat-quan-ly-phat-trien-do-thi-322117.html, ngày 15-12-2021
 
(2) Xem: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-29-nq-tw-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-den-nam-2030-119221129121112971.htm
 
(3) Xem: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thức năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nghi-quyet-19-NQ-TW-2022-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-tam-nhin-den-2045-518922.aspx

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường