|
Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023- 2028) ngày 22/9 vừa qua. Ảnh: Mai Chiến |
THÍCH ỨNG VỚI TÌNH HÌNH MỚI, XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI VÀ CỦNG CỐ GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM VỮNG MẠNH
Trước những thách thức, thay đổi đối với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 5 năm qua, BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII đã tập trung thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đến các cấp Hội trong việc xây dựng tổ chức Hội và giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh dựa trên 5 công tác then chốt.
Thứ nhất, về Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng
Theo báo cáo của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân được các cấp Hội chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung tuyên truyền trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; các chủ trương, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Trung ương 4 khóa XIII; các sự kiện chính trị lớn của đất nước; cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các nghị quyết, chỉ thị của Hội.
Các phong trào thi đua yêu nước, gương "người tốt, việc tốt", các mô hình điển hình tiên tiến, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến cán bộ, hội viên, nông dân. Thông qua các hoạt động, sự kiện lớn được Trung ương Hội tổ chức hằng năm đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân và xã hội, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, khơi dậy truyền thống yêu nước, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của hội viên, nông dân; tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các quy định, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động; Kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Trung ương Hội đã phát động Chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình", vận động cán bộ, hội viên, nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19.
Thứ hai, về Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội
Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành, triển khai thực hiện 03 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tổ chức kiện toàn nhân sự lãnh đạo các cấp Hội sau Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, các cấp Hội tiếp tục đổi mới, sắp xếp, củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ Hội tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tổ chức bộ máy của cơ quan Trung ương Hội giảm 9 đơn vị cấp phòng và tương đương; bộ máy chuyên trách các tỉnh, thành Hội được bố trí theo mô hình gồm 03 ban chuyên môn và 01 đơn vị sự nghiệp, giảm 6 Hội Nông dân cấp huyện và 507 cơ sở Hội. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ Hội được chú trọng, nhất là cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số; chất lượng cán bộ được nâng lên, được nhân dân tín nhiệm, cấp ủy tin tưởng; cơ bản thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội VII đề ra, góp phần nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ sở Hội và chi Hội được nâng lên, số cơ sở Hội khá và vững mạnh vượt 14,48% so với chỉ tiêu Đại hội VII và không có cơ sở yếu kém. 100% chi Hội có quỹ hoạt động Hội, đạt chỉ tiêu đề ra; số lượng cơ sở Hội ở địa phương chưa thoát nghèo có quỹ hoạt động bình quân từ 50.000 đồng trở lên vượt 0,77%, số lượng cơ sở Hội ở địa phương đã thoát nghèo có quỹ hoạt động bình quân từ 100.000 đồng trở lên vượt 11,17% so với chỉ tiêu Đại hội VII. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp đạt kết quả tốt; đổi mới nội dung, phương thức vận động, mở rộng đối tượng kết nạp đã thu hút đa dạng thành phần, đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội, vượt 28,69% so với chỉ tiêu Đại hội VII. Công tác quản lý hội viên ngày càng tốt hơn; chất lượng hội viên được nâng lên, gắn bó với Hội.
Thứ ba, về Công tác kiểm tra, giám sát
Ủy ban Kiểm tra của Hội được thành lập từ Trung ương đến cơ sở, trong nhiệm kỳ các cấp Hội thường xuyên củng cố, kiện toàn Ủy ban kiểm tra đảm bảo cơ cấu, số lượng, ổn định tổ chức, hoạt động. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Hội được tăng cường, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; hằng năm 100% Hội Nông dân các cấp đều xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát; chú trọng kiểm tra chuyên đề, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, nhất là kiểm tra, giám sát cơ sở Hội.
Các cấp Hội đã tổ chức 251.517 cuộc kiểm tra, giám sát tại 192.437 đơn vị (25); thi hành kỷ luật 142 cá nhân đúng thẩm quyền, quy trình, quy định (26). Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót, ngăn chặn và hạn chế tiêu cực, sai phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, động viên, khuyến khích, phát huy các nhân tố mới, tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, kỷ luật, kỷ cương của các cấp Hội, bảo đảm việc chấp hành nghiêm Điều lệ, Nghị quyết, quy định của Hội và chủ trương, chính sách, pháp luật.
Thứ tư, về Công tác thi đua, khen thưởng
Công tác thi đua, khen thưởng được đổi mới cả về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua. Trung ương Hội đã thành lập 06 cụm thi đua và 06 Ban Chỉ đạo cụm thi đua về công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 - 2023. Hàng năm, các cấp Hội xây dựng kế hoạch, phát động, ký giao ước thi đua, cụ thể hóa các chỉ tiêu thi đua và tổ chức các phong trào thi đua thiết thực gắn với hoạt động Hội và phong trào nông dân; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua của Hội, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức tốt Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, các chương trình, hội nghị tôn vinh, biểu dương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh và trong công tác Hội, phong trào nông dân.
Công tác khen thưởng được các cấp Hội thực hiện kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch; coi trọng thành tích sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác Hội; chú trọng khen thưởng đối với cơ sở Hội, cán bộ chi Hội, tổ Hội, hội viên, nông dân, cán bộ Hội có thành tích tiêu biểu, xuất sắc góp phần động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần thi đua của các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các phong trào thi đua và nhiệm vụ của Hội.
Thứ năm, về Xây dựng giai cấp nông dân và người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Các cấp Hội đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức; đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.
Trực tiếp, phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo nghề cho hội viên, nông dân, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân là chủ trang trại, gia trại, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nông sản hàng hóa. Một bộ phận nông dân sau học nghề được hỗ trợ, giúp đỡ đã "khởi nghiệp" thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương.
Tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng lối sống lành mạnh, cần, kiệm, nhân nghĩa, tôn trọng pháp luật, quy ước cộng đồng; khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm tập thể, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của nông dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, đức tính lao động chăm chỉ, trung thực trong giao thương và hợp tác sản xuất, nâng cao tính kỷ luật lao động của nông dân.
Để xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, Trung ương Hội đã triển khai xây dựng Đề án, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về "Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới".
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, CỦNG CỐ CƠ SỞ HỘI, HƯỚNG MẠNH VỀ CƠ SỞ
Đánh giá về những kết quả đạt được, cũng như những nhiệm vụ thời gian tới, phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII ngày 13/8 vừa qua, đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, các cấp Hội Nông dân tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước trên tinh thần hướng mạnh về cơ sở với 6 giải pháp trọng tâm.
Một là: Các cấp Hội tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Hội Nông dân Việt Nam đến với đông đảo hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; chủ động nêu cao cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền; thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng để kích động, lôi kéo chia rẽ trong nội bộ nông dân, đồng bào dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Hai là: Các cấp Hội tiếp tục đổi mới phương pháp tập hợp hội viên, nông dân trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân; lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc tập trung củng cố, xây dựng chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, không ngừng củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy từ tỉnh xuống cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bồi dưỡng, đào tạo các bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức Hội phải luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; cán bộ Hội luôn phải đúng vai, thuộc bài.
Ba là: Các cấp Hội tập trung nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân các cấp tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào; thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi duy trì, phát huy, phát triển mạnh hơn nữa thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ.
"Tổ chức Hội Nông dân các cấp phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nói.
Bốn là: Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Đó là tư vấn và trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về vốn; hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; chuyển đổi số trong nông nghiệp; tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực; về kết nối, hỗ trợ vật tư đầu vào; xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ kết nối, xây dựng mối liên kết bền vững, hiệu quả giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp góp phần xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Năm là: Tổ chức Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân; kịp thời, trực tiếp tham mưu, phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong đời sống và sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân. Tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư"; củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh.