Nghỉ lái xe tải giúp hàng nghìn nông dân trồng lúa lai
09:39 - 08/09/2023
QUẢNG NAM- Ông Cảm nghỉ chạy xe tải, vực dậy hợp tác xã đang làm ăn bết bát, giúp gần 2.000 hộ dân trồng lúa lai làm giống thu lãi 80 triệu đồng mỗi ha.
Gạo an toàn do hợp tác xã Ái Nghĩa sản xuất


Ngày cuối tháng 8, ông Trương Cảm, 58 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc có mặt từ sớm trên cánh đồng sản xuất giống lúa lai F1. Trận mưa giông chiều hôm trước kèm gió lớn khiến ông lo lắng bởi chỉ một tuần nữa là thu hoạch lúa.

Quan sát lúa đứng vững trên ruộng của các xã viên, ông cho hay vụ này năng suất đạt hơn 200 kg mỗi sào (gần 500 m2). Lúa sau khi gặt được hợp tác xã Ái Nghĩa thu mua đưa vào xưởng sấy và bán lại cho doanh nghiệp cung ứng giống.

Một sào lúa lai trừ chi phí, nông dân lãi ròng 4 triệu đồng một vụ, gấp ba lần trồng lúa thuần thương phẩm. "Tiền bạc thanh toán đầy đủ nên gần 2.000 hộ nông dân ở thị trấn Ái Nghĩa bắt tay hợp tác xã sản xuất hạt giống lúa lai", ông Cảm nói.Mười năm trước, ông Cảm quyết định bỏ nghề lái xe tải để quay về nghề nông với tư cách thành viên hợp tác xã Ái Nghĩa. Đây cũng là thời điểm Luật Hợp tác xã ra đời, song Ái Nghĩa đang trên bờ vực phá sản dù quản lý gần 500 ha đất nông nghiệp kèm kinh doanh vật tư, phân bón.

"Hợp tác xã làm ăn manh mún, tự phát như thời bao cấp, bị thành viên chiếm dụng vốn, kinh doanh dậm chân tại chỗ nên không có nguồn thu", ông Cảm nhớ lại khó khăn khi được bầu làm chủ tịch, kiêm giám đốc hợp tác xã Ái Nghĩa.

Để có vốn đầu tư trong khi Ái Nghĩa không có tài sản thế chấp, ông Cảm cầm sổ đỏ để vay mượn ngân hàng gần nửa tỷ đồng, bất chấp rủi ro tài sản cá nhân sau này thành tài sản chung của hợp tác xã.

Nhưng thách thức lớn nhất là phải vực dậy niềm tin, lôi kéo nông dân trở lại với đồng ruộng, liên kết hợp tác xã và doanh nghiệp để sản xuất giống lúa lai F1 (lai tạo giữa hai hoặc ba dòng lúa).


Mới nghe ông Cảm thuyết phục, đa số nông dân lắc đầu vì trước đây trồng lúa lai thua lỗ, mất mùa không được hợp tác xã, doanh nghiệp hỗ trợ nên phải chuyển qua trồng lúa thuần. Lúa thuần được chọn lọc qua nhiều đời nên chống chịu tốt với sâu bệnh, chắc mẩy. Trong khi trồng lúa lai tuy đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhưng đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, mất nhiều công chăm sóc và rủi ro mất mùa.

"Là nông dân nên tôi hiểu rõ cái gì họ cần, nếu hợp tác xã đáp ứng được thì người dân sẽ làm", ông Cảm nói và cho hay đã đến nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra hạt giống lúa lai.

Nghĩa Ái ký hợp đồng trồng giống lúa lai với một doanh nghiệp, thỏa thuận ràng buộc một kg lúa lai đổi được 4 kg lúa thuần. Nếu trồng lúa lai mất mùa, doanh nghiệp đền bù cho nông dân 360 kg lúa thuần mỗi sào.Để nông dân tin tưởng, vụ đông xuân 2013, Ái Nghĩa giữ vai trò tổ chức sản xuất, vận động một số hộ dân trồng 20 ha lúa lai (tương đương 400 sào). Sau bốn tháng gieo trồng giống lúa lai, năng suất thu hoạch đạt trung bình 200 kg, quy đổi 800 kg lúa thuần thương phẩm.

Nhìn thấy thành quả, gần 2.000 nông dân tham gia và mở rộng diện tích trồng lúa lai lấy giống lên 200 ha vụ đông xuân và 50 ha vụ hè thu. Đầu vụ sản xuất, Ái Nghĩa cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, người dân chỉ phải trả tiền sau khi thu hoạch lúa.

"Nông dân tăng thu nhập từ trồng giống lúa lai, hợp tác xã hưởng tiền bán phân bón, sơ chế lúa, còn doanh nghiệp có nguồn hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường", ông Cảm nói về lợi ích liên kết ba bên.

Bà Nguyễn Thị Lựu, thị trấn Ái Nghĩa, cho biết từ ngày trồng giống lúa lai, nông dân nhận được hỗ trợ từ đầu vụ, đến khi thu hoạch lại được hợp tác xã thu mua lúa tươi, không phải mất công phơi khô.

"Làm nông nghiệp thường rủi ro nhưng khi liên kết hợp tác xã lại được cam kết đền bù. Lúa lai mất mùa, doanh nghiệp hỗ trợ 360 kg một sào lúa thuần thương phẩm nên không lo trắng tay", bà nói.

Hiện tại, gần 2.000 hộ nông dân thị trấn Ái Nghĩa canh tác mỗi năm hai vụ. Vụ đông xuân trồng lúa lai được hợp tác xã thu mua sơ chế để bán cho doanh nghiệp. Vụ hè thu sản xuất lúa thuần thương phẩm theo quy trình an toàn, bán cho hợp tác xã để chế biến gạo an toàn và làm bánh tráng.Sau 10 năm, hợp tác xã Ái Nghĩa từ nguy cơ giải thể đến nay có vốn điều lệ hơn một tỷ đồng. Doanh thu hàng năm dao động 25-30 tỷ đồng, sau khi trừ tiền lương cho bộ máy quản lý, hợp tác xã lãi ròng 300 triệu đồng một năm.

"Hợp tác xã lấy lợi ích thành viên là chính, còn lợi nhuận thu về chi trả lương cho bộ máy hợp tác xã, không dư ra nhiều. Doanh thu của hợp tác xã lớn nhưng nông dân hưởng", ông Cảm nói.

Với thành công của hợp tác xã Ái Nghĩa, ông Cảm được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Lộc, đánh giá ông Cảm đã xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hạt giống lúa lai F1 tăng thu nhập cho nông dân. "Không chỉ lúa lai, hợp tác xã phát triển nhiều ngành nghề giải quyết lao động cho hàng trăm người khi mùa vụ đến như sấy lúa, nông sản, bốc vác...", ông Mai nói, cho hay các sản phẩm của Ái Nghĩa như gạo an toàn, bánh tráng Đại Lộc đã tạo thương hiệu cho huyện Đại Lộc.

Huyện Đại Lộc hiện là vùng chuyên canh lúa giống lớn nhất tỉnh Quảng Nam, mỗi năm sản xuất hàng nghìn tấn hạt giống lúa lai F1.


 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường