Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ:
Nhiều hoạt động đổi mới, thiết thực và hiệu quả trong thực hiện Chương trình phối hợp
18:37 - 28/08/2023
 Sáng nay (28/08), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo sơ kết đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa hai ngành giai đoạn 2021- 2025.


Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang- Thứ trưởng Bộ KH&CN


 
Đồng chủ trì có đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang- Thứ trưởng Bộ KH&CN. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị của hai cơ quan; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN và đại diện lãnh đạo Hội ND hơn 20 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra.

 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho biết: Những năm qua, bên cạnh chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, lĩnh vực KH&CN luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đề cao; vai trò của KH&CN luôn được cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng, trong chỉ đạo, định hướng của người đứng đầu đất nước.

 
Thực tế cho thấy, KH&CN luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước ta, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhất là trong giai đoạn hiện nay- giai đoạn “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra hẳn 01 nhóm nhiệm vụ và giải pháp (số 6), đó là: Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.
 

 

Đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội thảo


Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách trên về KH&CN, trong nhiều năm qua, Trung ương Hội NDVN cùng với Bộ KH&CN định kỳ ký kết các chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai ngành; đồng thời, hai bên cũng tích cực chỉ đạo theo ngành dọc để 63 tỉnh, thành phố phối hợp triển khai thực hiện. Chương trình phối hợp hoạt động số 07-CTrPH/HNDVN-BKHCN, giai đoạn 2021- 2025 là một minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả của hai ngành. 

 
Mục tiêu chính Chương trình phối hợp, gồm: Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả nước tích cực ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể; góp phần thực hiện “Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn và hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chương trình phối hợp đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.


 
“Với quyết tâm thực hiện hiệu quả các nội dung của chương trình phối hợp giai đoạn 2021- 2025, hai cơ quan, hai ngành phối hợp tổ chức Hội nghị hội thảo sơ kết đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình phối hợp với mục tiêu: Thứ nhất, Hội thảo trao đổi làm rõ những kết quả đạt được của chương trình phối hợp, thấy được tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; định hướng được phương hướng, đưa ra được những nhiệm vụ hoạt động hiệu quả chương trình phối hợp trong thời gian tới. Thứ hai, thông qua Hội thảo để nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa hai ngành trong thực hiện chương trình phối hợp từ Trung ương tới cơ sở, góp phần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.


 

Toàn cảnh buổi Hội thảo sơ kết đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa hai ngành giai đoạn 2021- 2025


Theo dự thảo báo cáo được trình bày tại Hội thảo, trong quá trình triển khai, hàng năm, hai cơ quan cấp Trung ương luôn có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất ngay từ khâu xây dựng nội dung, kinh phí các hoạt động của kế hoạch năm, báo cáo kịp thời kết quả hàng năm. Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hai ngành dọc cấp địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp; kịp thời hỗ trợ, tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình tới cơ sở đảm bảo tiến độ, kết quả, hiệu quả các hoạt động của chương trình. Các hoạt động của chương trình phối hợp được Trung ương Hội đưa vào nội dung kiểm tra, giám sát và được định kỳ kiểm tra, giám sát theo nội dung, chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Ban Thường vụ Trung ương Hội.

 
Ở cấp địa phương, các cấp Hội và Sở KH&CN đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN; tích cực phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống cho hội viên, nông dân. Hàng năm đều tổ chức đánh giá hoạt động KH&CN lồng ghép hội nghị sơ kết công tác Hội 6 tháng và cuối năm để rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm sau; biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ; qua đó góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp tại địa phương.

 
Các cấp Hội ở cơ sở đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ Hội ở cơ sở và hội viên, nông dân. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức với những nội dung phù hợp với đối tượng là hội viên, nông dân. Kết quả, trong hơn 2 năm qua, đã xuất bản, phát hành được 15 kỳ số với 24.000 cuốn Bản tin “Khoa học với nhà nông” của Trung ương Hội và chuyển đến Hội ND cấp tỉnh, huyện, một số xã trong cả nước; đăng tải hơn 700 tin, bài, quy trình hướng dẫn về KH&CN; sản xuất 14 video clip về hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, an toàn sinh học, mô hình ứng dụng công nghệ cao...

 
Điển hình, năm 2022, Trung ương Hội NDVN đã tổ chức thành công các hội thi, lễ tôn vinh cấp quốc gia như: “Hội thi Nhà Nông đua tài” toàn quốc (từ cơ sở cấp xã đến cấp huyện, tỉnh và chung kết toàn quốc). Qua hội thi góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua trong hội viên, nông dân, nhất là phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.

 
Tổ chức Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, vinh danh 300 đại biểu là hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố. Thông qua hội nghị, các thông tin về kinh nghiệm, sáng kiến, sáng tạo KHKT trong sản xuất, giải pháp làm giàu của các hộ đã được chuyển tải đến đông đảo hội viên, nông dân cả nước. Lễ vinh danh 63 “Nhà khoa học của Nhà nông” là những cán bộ, chuyên gia, chủ các doanh nghiệp, HTX, nông dân giỏi... luôn gắn bó và có nhiều đóng góp đưa KH&CN đến với nông dân. Việc vinh danh họ- những “Nhà khoa học chân đất” đã góp phần tuyên truyền, cổ vũ, khuyến khích phát triển mạnh mối liên kết “Nhà khoa học và Nhà nông”…

 
Từ năm 2021 đến nay, Trung ương Hội NDVN đã phối hợp với các ngành, tổ chức KHCN liên quan tổ chức được 96 lớp tập huấn với nội dung về “Nâng cao nhận thức, kiến thức kỹ năng về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ kinh tế hợp tác, HTX” cho 5.400 lượt hội viên, nông dân tại 24 tỉnh, thành phố tham dự. Đồng thời, triển khai thành công, hiệu quả 02 mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, HTX ở tỉnh Bắc Giang và Nam Định.

 
Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình phối hợp, Trung ương Hội NDVN đã tổ chức thành công Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật Nhà Nông” lần thứ IX (2021 - 2022), được phát động quy mô toàn quốc, thu hút hàng ngàn hội viên, nông dân của 63 tỉnh, thành phố tham gia. Kết quả cuộc thi, cấp Trung ương đã chấm và trao thưởng được 12 giải pháp sáng tạo xuất sắc nhất của 12 hội viên nông dân/gần 200 giải pháp sáng tạo được gửi về.

 
Ở các địa phương, Sở KH&CN phối hợp cùng với Hội ND tỉnh, huyện, xã, kết hợp với các cấp chính quyền xây dựng vùng sản xuất an toàn, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã vùng sản xuất, mã số, mã vạch, mã QR cho các sản phẩm được sản xuất, chế biến tại địa phương; nhất là đối với các vùng sản xuất, các sản phẩm của hội viên, tổ hợp tác, HTX với chủ thể là hội viên, nông dân. Điển hình như các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương (vải thiều); Sơn La (xoài, nhãn, chanh leo, mắc ca…); Thái Nguyên (chè, ổi, lúa nếp, gạo bao thai, đào, na…). Hướng dẫn, tổ chức lại quy trình sản xuất hiệu quả, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ”.
 

Năm 2022, đã có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 5,8 triệu hộ được bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, tiêu biểu như các tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 
Tại Hội thảo, có 8 tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu đánh giá về những kết quả đạt được, mạnh dạn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp để hai ngành tiếp tục phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều đánh giá cao các nội dung, hoạt động đề ra của chương trình phối hợp là thiết thực, phù hợp và kịp thời đáp ứng nhu cầu về KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới hiện nay đối với hội viên, nông dân.


Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao những kết quả đạt được trong chương trình phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị giai đoạn 2021- 2025


Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao những kết quả đạt được trong chương trình phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, Hội ND 63 tỉnh, thành phố đã có những chương trình phối hợp với các Sở KH&CN có nhiều hoạt động đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

 
“Thông qua chương trình phối hợp đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về vị trí, tầm quan trọng của KH&CN. Hiện nay, người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang tích cực ứng dụng KHKT, đầu tư công nghệ vào sản xuất, chế biến hiện đại mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, hai đơn vị đã phối hợp tổ chức thành công các cuộc thi về sáng kiến KHKT nhà nông, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia”- Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang thông tin. 

 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị thời gian tới, hai ngành tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, tầm quan trọng của KH&CN; đẩy mạnh việc xây dựng, ứng dụng, nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015).

 
Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình Lê Hồng Sơn phát biểu ý kiến tham luận tại Hội thảo

Ngọc Anh
Nguồn: Cổng ĐT HND
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường