|
Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh |
Tín hiệu khả quan trước “bão lạm phát”
Theo Bộ NN&PTNT, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc mở cửa trở lại; xuất khẩu sang Nhật Bản, khu vực châu Á tăng trở lại. Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp,... Cùng với đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 36,96 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%; xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.
Năm tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1%. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thuỷ sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%; đầu vào sản xuất đạt 779 triệu USD, giảm 25,9% và muối đạt 2,0 triệu USD, giảm 11,9%.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho hay, vẫn có nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%... Riêng giá gạo đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8%; cà phê đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt là kể từ sau khi Trung Quốc mở cửa sau Covid-19, xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung bật tăng mạnh, đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4 cũng tăng 11,35% so với tháng 3/2023, đạt 125,5 triệu USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu thịt và phụ phẩm của thịt trong 5 tháng qua đạt 58 triệu USD, tăng 59,1%. Xuất khẩu gạo cũng tăng mạnh, đạt tới 49%, kim ngạch 2,02 tỷ USD nhờ giá gạo xuất khẩu tăng, đạt bình quân 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.
Trong nước, các mặt hàng quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại sắp vào vụ thu hoạch như: Xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...
Các đơn vị tổ chức các diễn đàn kết nối thúc đẩy xuất khẩu rau gia vị và gia vị sang thị trường EU; các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước đối với một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch trong tháng 6 như: Vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh...
Tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản
Thời gian qua, cơ quan hải quan đã nỗ lực không ngừng nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt đối với hàng nông sản xuất khẩu; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp.
Với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN), theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, hải quan các cấp luôn ưu tiên tuyên truyền, vận động các DN, cá nhân, tổ chức phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện các hoạt động cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan. Trong đó, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (XK) nông sản, cơ quan hải quan đã thường xuyên tổ chức đối thoại DN, tư vấn hỗ trợ DN XK nắm rõ những quy định của các nước về kiểm dịch, về tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế cấp phép, thủ tục thanh toán, bảo hiểm.
Ngoài ra, trong việc quản lý hàng nông sản XK, cơ quan hải quan đóng vai trò như một mắt xích quan trọng vừa kiểm soát hoạt động XK nông sản, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động này phát triển. Cơ quan hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương nơi có hàng nông sản XK tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cho XK hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho DN.
Đặc biệt, cơ quan hải quan đã xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) nhằm tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm để quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Tuy vậy, ghi nhận từ thực tế, quá trình thông quan nông sản XK vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, tồn tại đầu tiên là hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam XK với kim ngạch không đồng đều giữa các cửa khẩu. Đơn cử tại Lạng Sơn, mặt hàng này chủ yếu là XK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (4 tháng năm 2023 là 46,16%) và Tân Thanh (4 tháng năm 2023 là 32,14%). Các cửa khẩu khác chiếm số lượng ít. Điều này gây ảnh hưởng đến năng lực thông quan, dẫn đến nguy cơ xảy ra ùn tắc tại một số cửa khẩu, vào các thời gian cao điểm.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng, kho bãi, địa điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu chưa đáp ứng với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá hiện nay cũng là các rào cản khiến hoạt động XK nông sản chưa thể bứt phá. Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tài cũng phân tích, hiện Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn nhất và chủ yếu đối với hàng nông sản XK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, do đó, việc phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách quản lý, phương thức giao nhận hàng XK như thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực thông quan hàng hoá nông sản XK qua địa bàn tỉnh.
Mặt khác, vẫn còn có thương nhân XK nông sản qua địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục xuất XK theo hình thức truyền thống như: Mua bán hàng hoá được thực hiện thông qua thoả thuận miệng, không ký kết hợp đồng, không liên hệ trước đầu mối giao nhận hàng phía Trung Quốc,… Điều này dẫn đến tình trạng hàng hoá đến cửa khẩu bị ách tắc do không có đầu mối liên hệ, hàng hoá bị trả lại phải tái nhập vào Việt Nam gây thiệt hại về chi phí, thời gian cho thương nhân.
Cần thiết lập một nền tảng bài bản
Để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nông sản XK, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho biết, đối với việc kiểm tra, giám sát hàng nông sản XK, cơ quan hải quan đang tiếp tục xây dựng và nâng cao mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung; chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra.
Đồng thời, cơ quan hải quan đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc kiểm tra theo phương pháp phân luồng quyết định kiểm tra; tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử, đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin ở tất cả các khâu nghiệp vụ hướng đến mô hình hải quan số, hải quan thông minh; phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan…
Nêu khuyến nghị, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, DN cần thiết lập một nền tảng bài bản từ khâu nhỏ nhất như mặt bằng sản xuất, công nghệ, nguồn nguyên liệu và sự sáng tạo để nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ XK.
Các DN sản xuất chế biến nông sản XK cũng cần nâng cao chất lượng hàng nông sản phù hợp với các cam kết hiệp định của Việt Nam đang thực thi và các thị trường đối tác quan trọng; liên hệ chặt chẽ với cơ quan hải quan chủ động áp dụng ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử, giúp mở rộng thị trường.
Xuất khẩu triệu USD qua “chợ online”
Theo Sở Công thương TP.HCM, dự báo trong 5 năm tới (từ 2024-2028), nhu cầu trái cây Việt Nam tại những thị trường: Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tăng 1-2%, riêng cà phê dự báo 4,8%.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu và quảng bá cho nông sản Việt tới những thị trường tốt cần có những phương thức mới, hiệu quả. Trong khi đó, với sự phát triển của thương mại điện tử, việc bán hàng “online” không còn xa lạ mà ngày càng phổ biến hơn. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt hướng tới kết nối trên môi trường số, "chợ online"… giúp giảm các chi phí cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng hơn đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Theo TS. Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), kinh doanh trực tuyến không chỉ là nhỏ lẻ, mà là "nền kinh tế mới online". Thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu triệu USD qua chợ online.
Ông Tước cho biết tới đây AmCham sẽ cùng Sở Công Thương TP.HCM đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, "nắm tay" doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là điều cần quan tâm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho rằng để xây dựng được thương hiệu mạnh, yếu tố cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Cần xây dựng vùng trồng đủ lớn và xây dựng trạm sơ chế ngay tại vùng trồng, thay vì xây dựng nhà máy rồi đi thu mua sản phẩm ở các vùng trồng như nhiều doanh nghiệp vẫn làm. Vì khi vận chuyển sản phẩm thì phần hao hụt rất nhiều, chất lượng cũng không còn đảm bảo tươi ngon nhất. Đặc biệt, khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, công ty mở một văn phòng tại nước này để kịp thời xử lý những trường hợp một vài trái trong cả chuyến hàng bị hư hỏng, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp...
Ngoài ra, ông Tùng cho biết thêm về vấn đề truyền thông đối với hàng hoá của Việt Nam còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi xuất khẩu gạo ST25, lô hàng còn chưa qua tới nơi thì truyền thông trong nước rộ lên nghi vấn gạo ST25 hiện sản xuất không đủ tiêu thụ trong nước, lấy đâu ra xuất khẩu… Niềm tin về chất lượng sản phẩm một khi đã mất đi sẽ khó lòng lấy lại được.
Ngoài ra, việc đầu tư chế biến sản phẩm sâu, không chỉ xuất khẩu thô, tạo giá trị cao hơn cho trái cây đang được tỉnh Bình Thuận kêu gọi. Ông Phạm Thuỵ Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện tỉnh có diện tích sầu riêng đang cho quả trên 2.300 ha, phát triển được 8 mã vùng trồng để xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường.
“Đây là loại cây trồng rất khó, để đảm bảo chất lượng, chúng tôi khuyến cáo bà con nên tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết, đẩy mạnh cấp mã vùng trồng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác”, ông Thuỵ nói./.