Vùng đất ven sông Luộc của tỉnh Thái Bình đang có 2 loại cây giúp nông dân rủng rỉnh tiền
Là xã thuần nông nằm ven sông Luộc, xã An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã biến khó khăn thành lợi thế khi thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với hai sản phẩm là trà cúc chi và sắn dây.
|
Mô hình trồng hoa cúc chi chế biến trà theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Văn Chuân ở thôn Đồng Tâm, xã An Đồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình cho hiệu quả kinh tế cao. |
Sau quá trình làm việc và học tập tại HTX Rau sạch Cuối Quý - Hà Nội và Liên minh Nông nghiệp tử tế, năm 2018, anh Nguyễn Văn Chuân, thôn Đồng Tâm, xã An Đồng về quê thuê đất trồng cây dược liệu, chủ lực là cây cúc chi.
Theo chia sẻ của anh Chuân, đây là mảnh đất màu mỡ ven sông, thuận tiện về nguồn nước tưới; tuy nhiên nhiều năm trở lại đây trồng ngô, khoai bị chuột cắn phá, sâu bệnh hại nhiều, hiệu quả không cao, nhiều hộ dân đã bỏ ruộng hoặc chuyển sang trồng cây chuối chỉ để giữ đất.
Sau 3 năm cải tạo đất, ổn định thị trường tiêu thụ, hiện anh Chuân trồng luân canh bạc hà, cúc chi và cây hẹ Đài Loan. Tất cả đều được trồng theo hướng hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm được nước tưới, giảm công lao động, cung cấp nước liên tục, đầy đủ giúp cây sinh trưởng tốt, bảo đảm được chất lượng cho sản phẩm.
Anh Chuân cho biết: "Cúc chi là cây khá dễ trồng lại không bị ảnh hưởng bởi chuột cắn phá, trồng được một vụ/năm, từ cuối tháng 7 âm lịch tới tháng 11, 12 âm lịch cho thu hoạch, kéo dài trong 1,5 tháng.
Để cho ra những bông cúc dược liệu, tôi tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch, quá trình canh tác chỉ sử dụng phân bón cho cây hoàn toàn là phân chuồng đã ủ hoai mục với chế phẩm vi sinh; phòng, trừ sâu bệnh bằng thảo dược “tự chế” gồm có vi sinh vật ủ cùng các loại tỏi, ớt, cây mật gấu, xuyến chi..., nước tưới được kiểm nghiệm định kỳ.
Hoa sau khi hái được sấy lạnh ngay để bảo đảm chất lượng, mẫu mã. Quy trình sản xuất an toàn là lợi thế khi sản phẩm trà hoa cúc chi tham gia OCOP.
Tôi kỳ vọng OCOP sẽ thật sự là thước đo chất lượng sản phẩm mà mỗi đơn vị sản xuất hướng đến, là con tem uy tín để người tiêu dùng yên tâm chọn lựa và hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm hiệu quả".OCOP là chương trình nhằm thay đổi cách thức sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, hướng đến các thị trường tiềm năng.
Tại An Đồng, ngoài trà hoa cúc chi đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá, địa phương này còn nhiều sản phẩm tiềm năng như sắn dây, bột sắn dây, mật ong có thể nâng cấp thành sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng cho biết: Toàn xã có 12 hộ trồng sắn dây với quy mô lớn, tổng diện tích đạt 5ha. Năm nay sắn đẹp, lượng tinh bột cao và được giá nên các hộ trồng cho thu nhập khá.
Để hướng tới sản xuất hàng hóa, họ đứng lên thành lập tổ hợp tác trồng sắn dây, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, kỹ thuật, các thành viên trong tổ hợp tác còn hỗ trợ nhau về đầu ra, nguồn vốn, giống cây chất lượng để cùng nhau phát triển sản xuất.
Ngoài ra, tận dụng vùng chuyển đổi với 20ha trồng nhãn, vải, một số hộ dân trong xã đã phát triển thêm nghề nuôi ong nội lấy mật mang lại thu nhập khá.
Địa phương tích cực tuyên truyền các hộ sản xuất đầu tư mở rộng quy mô, từ đó sẽ xây dựng kế hoạch, hỗ trợ phát triển sản phẩm thành sản phẩm chủ lực của địa phương.