Mã số vùng trồng: Thách thức và hệ lụy
08:37 - 24/04/2023
Nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào mở rộng số lượng diện tích và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến quản lý các vùng trồng. Điều này đặt ra nhiều thách thức và hệ lụy, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng.

Thanh long đã thu hoạch chờ thương lái đến thu mua. (Ảnh: Thanh Bình)

Thách thức ngành trồng trọt

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện nay, có 53/63 địa phương được cấp 6.439 mã số vùng trồng. Bên cạnh đó có 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Có 25 sản phẩm được cấp mã số như: Thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, khoai lang… xuất khẩu đi 11 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.
 

Hiện, nhiều nước nhập khẩu yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nên buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Các rào cản kỹ thuật thường xuyên được nâng cao trong khi tại nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Có tình trạng một số hồ sơ ở các địa phương khác nhau, trên các đối tượng cây trồng khác nhau lại giống nhau đến 99%, thậm chí giống từng dấu chấm, dấu phẩy. Nhiều trường hợp hồ sơ làm rất bài bản nhưng hoàn toàn lại không đúng theo yêu cầu của sản phẩm hoặc thị trường xuất khẩu. Ngoài ra còn có tình trạng khi được cấp mã số rồi lại không quản lý tốt để xảy ra tình trạng mạo danh, đánh cắp mã số...
 

"Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với việc xuất khẩu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng. Chính vì vậy, để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu xuất khẩu, tất cả các bên liên quan trong chuỗi cần hiểu rõ quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết; và quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói", ông Trung cảnh báo.
 

Thu hồi hàng trăm mã số vùng trồng
 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện có hơn 710 mã số vùng trồng bị thu hồi. Mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận… phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Theo bà Hương, nguyên nhân mã vùng trồng bị thu hồi nhiều nhất do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.
 

Khó hơn, hiện nay, các mã số vùng trồng không chỉ phải chịu sự giám sát của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật mà còn phải chịu sự giám sát của cả nước nhập khẩu.
 

"Các nước nhập khẩu có tần suất giám sát khác nhau từ hằng tháng tới hằng năm. Riêng Trung Quốc, việc giám sát diễn ra định kỳ hằng tuần đối với các tỉnh có sản lượng nhập khẩu lớn hoặc các cá nhân từng có lịch sử vi phạm", bà Hương nói.
 

Cụ thể, mỗi tuần Trung Quốc sẽ chọn ra 18 - 24 mã số vùng trồng bất kỳ theo chuyên đề như sầu riêng, chanh leo, ớt, khoai… và việc giám sát thường diễn ra online.
 

Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết một số doanh nghiệp và người sản xuất còn thiếu kiến thức về các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt kiến thức về quản lý sinh vật gây hại, ghi chép hồ sơ.
 

Nhiều nơi đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng dẫn đến nhiều đơn vị không ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
 

Chưa quan tâm đúng mức
 

Một trong những nguyên nhân lớn khác khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp.
 

Theo bà Hương, điều này dẫn đến các vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra.
 

Nhiều mã vùng trồng cũng chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, đặc biệt là giám sát sinh vật gây hại theo tiêu chuẩn ISPM số 6. Chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
 

Tiếp đó, vệ sinh vườn trồng chưa tốt, không thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, không có bể chứa bao bì...
 

Sản phẩm thu hoạch để vào sọt tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, điểm tập kết sản phẩm tạm thời, việc vận chuyển sản phẩm từ khu vực thu hái về điểm tập kết và di chuyển đến chỗ bán không được che đậy.
 

Coi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tài sản quý cần gìn giữ
 

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn thời gian qua có những khó khăn nhất định.
 

Lực lượng nhân sự ở Chi cục mỏng, khó đảm đương hết công tác giám sát mã số. Với người dân, diện tích trồng trọt của nhiều nông hộ nhỏ lẻ, khó đáp ứng đủ 10ha để cấp mã số.
 

Nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc thực hiện mã số vùng trồng chưa cao. Cụ thể như trái sầu riêng, nhiều nông dân cho rằng không xuất khẩu được thì vẫn có thể bán trong thị trường nội địa. Vì thế nhiều người không mặn mà việc thực hiện mã số vùng trồng.
 

"Ý thức bảo vệ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa cao. Vẫn còn xảy ra tình trạng gian lận mã số", ông Phúc chia sẻ.
 

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngày 23/3/2023, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn số 1776/BNN-BVTV về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.
 

Với văn bản này, Bộ đã phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương công tác quản lý và cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.
 

Ông Hoàng Trung cho biết thêm, việc mượn, mạo danh, gian lận mã số thực tế xảy ra ở nhiều nơi trong thời gian qua. Chính quyền và ngành chức năng địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát.
 

"Nông dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính tự giác, cần xem mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là tài sản quý cần gìn giữ, để phòng tránh gian lận mã số phổ biến thời gian qua", ông Hoàng Trung đề nghị.
 

Việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc của nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường