“Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn”
15:10 - 11/01/2023
 (Cổng ĐT HND) – Đó là chủ đề Hội thảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức sáng (10/1) tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo


Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng biến đổi cơ cấu giai tầng ở nông thôn và tác động của nó đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và khối đại đoàn kết ở nông thôn. Trên cơ sở đó, đề xuất được nhiệm vụ và giải pháp phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn. Bám sát thực tiễn đất nước, nêu bật những vấn đề đang đặt ra với giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam hiện nay, triển khai những nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng liên quan đến đại đoàn kết toàn dân tộc.


Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cho biết: Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh có định hướng chính sách cụ thể cho từng giai cấp, từng tầng lớp nhân dân, trong đó có giai cấp nông dân và xác định “Hội Nông dân là Trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”.


Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xây dựng tổ chức Hội, đoàn kết tập hợp nông dân và trong tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.


Để thực hiện nhiệm vụ và vai trò trung tâm nòng cốt, các cấp Hội đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, đổi mới quá trình tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trong đó vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội được thể hiện trên những mặt như: Vai trò trung tâm và nòng cốt trong các phong trào thi đua của nông dân do Hội phát động.

Hội thảo Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn


Các cấp Hội đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, tập hợp nông dân, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tạo sân chơi bổ ích cho nông dân, đề ra các chủ trương đổi mới công tác tập hợp nông dân. Đồng thời, phát triển nhiều mô hình câu lạc bộ để thu hút nông dân tham gia, nhất là thu hút các nông dân giỏi làm hội viên nòng cốt.


Bên cạnh đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh xây dựng các nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó tập trung xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp với các ngân hàng giúp nông dân vay vốn; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm, đưa tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất, đào tạo nghề cho nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản và kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân.


Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết  số 05-NQ/HNDTW, ngày 29/7/2011 về Hội Nông dân tham gia thực hiện Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 và ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn hội nông dân cấp cơ sở tham gia chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã vận động nông dân đẩy mạnh sáng tạo, hăng hái tham gia phát triển kinh tế, giúp đỡ các hộ khó khăn, hiến đất làm các công trình hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn…
 
Các đại biểu tích cực chia sẻ ý kiến


Bàn về vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong phát triển cộng đồng nông thôn bền vững, PGS.TS Quyền Đình Hà- Học Viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định: Trong khu vực nông thôn, người dân nông thôn đóng vai trò là chủ thể của sự phát triển. Bởi lẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và cộng đồng người dân nông thôn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt được kết quả mong muốn khi người dân nông thôn nhận thức được người hưởng lợi là chính họ và họ là người đóng góp trí tuệ, nguồn lực, là người hành động để mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng mình. Phát triển nông thôn bền vững phải quan tâm tới sự phát triển bền vững cộng đồng nông thôn, cộng đồng là tác nhân quan trọng trong quản lý phát triển nông thôn dưới sự định hướng của chính sánh và luật pháp của Nhà nước.

 
Sức mạnh cộng đồng nông thôn chỉ được khơi dậy khi cộng đồng được trao quyền, mỗi người dân nhận thức đầy đủ và được phát huy vai trò của họ trong các hoạt động phát triển của cộng đồng. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ với tư cách là người định hướng chính sách và hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện và lâu dài còn người dân là người hưởng lợi của quá trình phát triển. Vì vậy cần giúp người dân nhận thức rằng phát triển nông nghiệp, nông thôn mang lại lợi ích trực tiếp cho họ, nên nó được thực hiện bởi chính bản thân họ. Để làm được điều đó cần tuyên truyền, vận động để người dân thấy được vai trò, vị trí của họ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Các đại biểu dự Hội thảo


Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình Lê Hồng Sơn chia sẻ: Trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình vai trò chủ thể của người nông dân càng thể hiện rõ nét. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng đòi hỏi một nguồn lực rất lớn. Nếu chỉ nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước thì không thể thực hiện được. Với cách làm những công trình lớn thì do ngân sách tỉnh và địa phương thực hiện, còn những công trình giao thông thôn xóm, giao thông đồng ruộng nhà nước hỗ trợ xi măng người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để thực hiện.
 

Với phương châm: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân được hưởng”, người dân các địa phương trong tỉnh dân chủ bàn bạc, tuyên truyền mọi gia đình đóng góp ngày công, tiền của và hiến đất để thực hiện các công trình. Nhiều địa phương đã chủ động kêu gọi sự đóng góp của con em đang công tác ở các miền của Tổ quốc và ở nước ngoài. Đến nay, Thái Bình có 100% số xã, 100% số huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt 11/11 tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình Lê Hồng Sơn chia sẻ tại Hội thảo


Theo TS Dương Nam Hà- Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã thực hiện quá trình mở cửa và đổi mới nền kinh tế được 35 năm kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với rất nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, cải thiện hạ tầng cơ sở và chất lượng sống của nhân dân, Việt Nam cũng đang phải giải quyết và đương đầu với nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình này. Trong đó, biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, hội nhập kinh tế toàn cầu và xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức với lực lượng lao động nông thôn. Lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là những vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Đảng và Chính phủ đều nhận thức rõ tầm quan trọng và đã thể chế hóa vào các văn bản để định hình lộ trình phát triển.

“Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa tại Hải Phòng diễn ra với tốc độ nhanh, đạt được nhiều thành tựu to lớn theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, giai tầng xã hội nông thôn Hải Phòng có nhiều biến đổi. Để công tác Hội và phong trào nông dân thành phố tiếp tục đạt hiệu quả, các cấp Hội Nông tiếp tục bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thành uỷ, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp uỷ, chính quyền, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tổ chức điều tra, khảo sát tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đánh giá thực trạng trong quá trình đô thị hoá, đặc biệt là sự biến đổi giai tầng xã hội nông thôn, từ đó xây dựng những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương” – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Hồng Hưng cho hay.


Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn mới mẻ về xu hướng biến đổi giai tầng xã hội nông thôn, về vai trò làm chủ của nông dân, về vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn.


Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: Trong 20 năm qua, các cấp Hội đã thể hiện vai trò trung tâm và nòng cốt của mình hướng dẫn, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Ngoài các phương pháp tập hợp truyền thống theo các chi, tổ Hội theo địa bàn dân cư, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình tập hợp nông dân mới như các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, các Câu lạc bộ nông dân, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã.


Tuy nhiên, hiện nay, các cộng đồng dân cư khu vực nông thôn đã và đang phải đối mặt với nhiều biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc, có tác động sâu rộng đến tinh thần và ý thức cộng đồng ở nông thôn. Việc xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, văn minh, giữ vững bản sắc văn hóa bản địa đang là một trong những thách thức mới đối với việc bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng khối đoàn kết toàn dân ở nông thôn. Đây cũng là một thách thức mới đối với vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.


Đại Hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; để phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của mình triển khai chủ trương này, chúng ta phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ là Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam làm nòng cốt xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, văn minh để đáp ứng được chủ trương mới của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trọng tình hình mới.


Về giải pháp thực hiện hai nhiệm vụ to lớn này, có nhiều điều phải bàn, phải nghiên cứu tiếp, nhưng Hội thảo hôm nay về cơ bản thống nhất một số điểm sau: Các ý kiến thảo luận đã chỉ ra một số xu hướng biến đổi giai tầng nông thôn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: (i) Sự phân tầng xã hội theo thu nhập hay sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt hơn ở nước ta; (ii) Chuyển dịch lao động nông thôn – thành thị  và ngược lại vẫn sẽ tiếp tục diễn ra như một xu thế tất yếu; (iii) Chuyển dịch lao động nông thôn giữa các vùng kinh tế; (iv) Chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực phi nông nghiệp làm giảm lao động thuần nông. Trước xu thế đó, Đảng và Nhà nước phải đổi mới chính sách, cơ chế mới để phát huy mọi khả năng sáng tạo của nông dân, quyền chủ động của người dân nông thôn tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam.


Tập trung đào tạo, nâng cao năng lực của nông dân. Tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ về nông thôn, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để người dân nông thôn tiếp cận nhanh chóng với công nghệ hiện đại, từ đó đổi mới tư duy kinh tế, chủ động thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác sản xuất và sản xuất theo chuỗi.


Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô ở nông thôn để người dân tiếp cận được nguồn vốn cho phát triển sản xuất. Khuyến khích nông dân xây dựng và tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo hướng xã hội hóa, liên kết hóa...

 
Phải thường xuyên quan tâm giáo dục, xây dựng ý thức cộng đồng cho hội viên, nông dân; để mỗi hội viên, nông dân đều tự giác giữ gìn lòng tự hào và lòng tự tôn dân tộc, biết đồng cảm và chia sẻ khi đồng bào mình gặp khó khăn và khi cần thiết, biết đặt lợi ích của dân tộc và của cộng đồng lên trên lợi ích của chính bản thân mình; sẵn sàng tham gia các hoạt động xây dựng cộng đồng văn minh, văn hóa; biết giữ gìn cảnh quang môi trường nông thôn; ý thức sản xuất nông sản có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng và xã hội. Phải chăm lo xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở nông thôn để đa dạng hóa sự tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt là phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ Hội Nông dân các cấp để thu hút, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, năng lực, trách nhiệm.
 

 
Văn Soạn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường