“Nếu không làm chè sạch, VietGAP, hữu cơ, tôi đã giàu to từ lâu”
15:42 - 26/12/2022
Đó là chia sẻ của chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên.

Đoàn công tác gồm: Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên, HND xã Phúc Xuân, Tạp chí Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam thăm đồi chè của HTX chè Kim Thoa

Sinh ra và lớn lên trên những đồi chè, chị Thoa rất thấu hiểu việc lạm dụng thuốc trừ sâu hoá học, thuốc diệt cỏ đến sức khỏe người sản xuất và môi trường.


Chị Thoa chia sẻ, ngoài những tác hại về mặt lâu dài đến sức khoẻ con người, có những thứ có thể nhìn và cảm nhận rõ ràng. Cụ thể như khi sao chè, chị cảm thấy nóng, da mặt bị sạm, nhiều lúc còn cảm thấy choáng vì hít phải những hợp chất hoá học độc hại dù đeo khẩu trang dày.


Chính vì thế, chị Thoa quyết định thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Kim Thoa và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho diện tích 5ha cho 7 hộ vào năm 2018.


Đến tháng 10/2020, chị Thoa thành lập HTX chè Kim Thoa và đặc biệt quyết định chuyển đổi từ VietGAP sang hữu cơ với diện tích 3,6ha.


Dự án chuyển đổi sang canh tác hữu cơ của HTX chè Kim Thoa đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các cấp chính quyền. Các hội viên trong HTX có nhu cầu sẽ được vay 50 triệu/hộ/3 năm từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân từ cuối năm 2020.


Với số tiền được vay, các hộ dùng để san lấp mặt bằng, cải tạo đất, sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, hệ thống tưới thông minh, thuốc trừ sâu sinh học hoặc thảo mộc.


Về mặt kỹ thuật, các hội viên được tập huấn rất kĩ, đồng thời các cán bộ kỹ thuật thường xuyên về kiểm tra.


Tính đến nay, sau 2 năm chuyển đổi, 1 năm đầu năng suất và chất lượng giảm, giờ các đồi chè của HTX chè Kim Thoa xanh mướt, cho năng suất và chất lượng tốt, đồng đều.


Đặc biệt, những nỗ lực của chị Thoa và các hội viên đã được đền đáp bằng việc được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao từ tháng 12/2021 và mã số vùng trồng từ tháng 8/2021. Nhờ đó, giá trị sản phẩm của HTX tăng lên 10% so với chỉ có giấy chứng nhận VietGAP, đồng thời không phải lo đầu ra.


Nhưng để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ (dán tem lên sản phẩm), HTX chè Kim Thoa vẫn phải chờ. Theo tính toán, nhanh nhất cũng phải đầu năm 2024, chè Kim Thoa mới đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu.


Rõ ràng, để chuyển đổi từ VietGAP sang hữu cơ người nông dân phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Nếu không quyết tâm, không nghĩ cho sức khỏe cho bản thân, cộng đồng và các thế hệ mai sau, sẽ rất ít người đủ kiên trì để vượt qua hành trình đầy chông gai này.


Chị Thoa còn chia sẻ câu chuyện khiến ai nghe cũng cảm động và thêm phần nể phục. Chị Thoa kể, nếu muốn làm giàu từ cây chè, chị đã làm được từ lâu.


Số là, trước đây, có một đối tác ở Thanh Hoá muốn bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè của HTX Kim Thoa, nhưng với điều kiện chỉ làm cánh chè xanh, cho nước xanh có mùi thơm, chỉ chuyển một chút bạc.


Để làm được điều đó, chè bắt buộc phải dùng gia vị và hương liệu. Vì thế, chị Thoa nhất định không nhận lời. Đầu tiên là vì cái tâm của người trồng và sản xuất chè, tiếp đó chị muốn thương hiệu chè Kim Thoa thực sự là chè sạch, nói không với hương liệu.


Chị Thoa kể tiếp, có lẽ do làm chè vì cái tâm nên chị luôn cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản và giờ sống rất khoẻ cả về tinh thần và vật chất. Khi sao chè, bây giờ chị chỉ cần dùng một cái khẩu trang mỏng, thậm chí có lúc không dùng để xông mặt bởi chè hữu cơ không có hoá chất độc gây hại cho da.


Một thành viên khác của HTX chè Kim Thoa là chị Đàm Thị Thanh Huyền cũng chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi sang hữu cơ. Chị Huyền cho biết, việc chuyển đổi mất nhiều thời gian, công sức, năng suất và chất lượng chè 1 năm đầu giảm 20-30%, nhưng giờ mọi thứ đã ổn định.


Giờ sản lượng chè đã bằng trước, trong khi giá bán tăng vì có tem OCOP 4 sao và chuyển đổi hữu cơ nên gia đình chị Huyền có thu nhập tốt. Chị Huyền còn tiết lộ sẽ chuyển đổi nốt 1000m2 đất còn lại của gia đình để trồng chè hữu cơ, dù đã có 4500m2, bởi chè của HTX Kim Thoa luôn trong tình trạng “cháy hàng”…

Nguồn: nongnghiephuucovn.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường