Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân
Bài 1: Bảo hiểm nông nghiệp một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
15:18 - 22/04/2022
Tuy chỉ chiếm khoảng 15% GDP, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng, thậm chí được coi là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh diễn ra một số biến động xã hội khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thực tiễn cho thấy, ngành nông nghiệp nước ta bên cạnh nhiều điều kiện thuận lợi, cũng có những khó khăn, thách thức và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do vậy, bảo hiểm nông nghiệp được xem là giải pháp hỗ trợ, bảo vệ người nông dân trước những rủi ro về thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, môi trường và sự biến động giá cả trên thị trường.

Vào mùa khô hạn, tại nhiều địa phương vẫn xuất hiện tình trạng đất đai khô kiệt, nứt nẻ khiến cho người nông dân không thể sản xuất, canh tác được

 Trong nhiều năm nay, bảo hiểm nông nghiệp đã được thí điểm triển khai nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề đặt ra.

 
Cổng Thông tin điện tử Hội Nông dân Việt Nam xin giới thiệu loạt bài trên cơ sở kết quả “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân” của đồng chí Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội để các đồng chí tham khảo.

 
Bài 1: Bảo hiểm nông nghiệp một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
 
Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

 
Các hình thức bảo hiểm nông nghiệp
Phân loại theo đối tượng bảo hiểm: Có bảo hiểm cây trồng, bảo hiểm rừng, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm nuôi trồng thủy sản.
 
Phân loại theo phương pháp tiếp cận: Bảo hiểm theo phương pháp tiếp cận truyền thống là bảo hiểm theo nguyên tắc bồi thường (cũng có thể hiểu là bảo hiểm bồi thường). Bảo hiểm theo phương pháp tiếp cận mới là bảo hiểm theo chỉ số (mới chỉ xuất hiện trong những năm gần đây) nhằm khắc phục các nhược điểm của bảo hiểm truyền thống. 

Phân loại theo Nghị định 58/2018/NĐ-Chính phủ có: (1). Bảo hiểm đối với rủi ro định danh; (2). Bảo hiểm mọi rủi ro; (3). Bảo hiểm đối với tổn thất về thu nhập; (4). Bảo hiểm theo chỉ số năng suất; (5). Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết; (6). Bảo hiểm theo chỉ số viễn thám; (7). Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp khác

 
Những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam
(1) Những rủi ro từ dịch bệnh do các yếu tố khách quan và nguyên nhân chủ quan khiến cho nông dân mất mùa, giảm năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản. Đặc biệt: Dịch tả lợn Châu Phi trong 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ở 54 tỉnh, thành phố làm chết hơn 2 triệu con lợn (bằng 8% tổng đàn lợn cả nước), thiệt hại ước tính trên 3.800 tỷ đồng; dịch lở mồm long móng đầu năm 2019 tại 19 tỉnh, thành phố làm chết hàng chục nghìn con trâu, bò, lợn; dịch cúm A H5N1 có năm làm chết hàng vạn con gia cầm; tôm sú và tôm thẻ chân trắng có thể bị bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng; cá tra có thể bị bệnh gan thận mủ; cây lúa có thể bị bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá, rầy nâu; một số loại cây trồng thường bị các loại sâu như sâu đục thân, sâu cuốn lá,...
 
(2) Việt Nam là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, bên cạnh những thuận lợi mà khí hậu mang lại cho sản xuất nông nghiệp nói chung, ở nhiều địa phương, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, điều kiện khí hậu, thời tiết thay đổi thường xuyên, không theo quy luật, diễn biến thất thường, có những vùng miền điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó nhiều tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại, mưa đá, lũ ống cuốn trôi nhiều nhà cửa, ruộng vườn, chuồng trại phá hỏng cây trồng, thiệt hại vật nuôi; các tỉnh miền Trung thường xuyên bị bão, lũ lụt hoặc hạn hán, thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất; các tỉnh miền Nam bị tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, xâm nhập mặn,...
 
Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2018 do tổ chức Germanwatch công bố, Việt Nam là một trong bốn nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan trong hai thập kỷ trở lại đây và đứng thứ ba nếu tính riêng năm 2018. Bình quân mỗi năm ở nước ta, thiên tai cướp đi mạng sống của gần 500 người, thiệt hại trên 1,5 tỷ USD.
 
Rủi ro thường xảy ra hàng năm ở VN: Bão: 49%; Lụt: 37%; Lở đất: 3%; Hạn hán: 2%; Các rủi ro khác: 4%.
 
(3) Ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất cũng ngày một nghiêm trọng khiến sản xuất nông nghiệp của nông dân bị ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn. Điển hình là thảm họa môi trường từ vụ xả chất thải của Công ty Gang thép Formosa (đóng tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) gây ảnh hướng tới hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của khoảng 160.000 ngư dân ven biển 4 tỉnh miền Trung; vụ xả chất thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai) của Công ty Vedan – Việt Nam khiến sông ô nhiễm nặng làm cá chết hàng loạt gây thiệt hại cho hàng ngàn hộ dân. Ngoài ra rất nhiều các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ đan xen với khu vực dân cư nông thôn và sản xuất nông nghiệp đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân và sản xuất nông nghiệp.

(4) Rủi ro do tác động của thị trường.
- Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO và ký hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương CPTTP, EVFTA cùng rất nhiều hiệp định thương mại khác, tạo ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam tới nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên cũng đặt sản xuất nông nghiệp Việt Nam trước rất nhiều thách thức lớn trong quá trình hội nhập, trong đó có áp lực cạnh tranh với nông sản của các nước nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều.
 
- Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhiều năm qua chưa đạt kết quả như mong muốn, nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sức cạnh tranh yếu, sản xuất không gắn với thị trường, sản xuất không theo yêu cầu của thị trường, sản xuất không theo đúng quy hoạch ngành hàng, sản phẩm... Dẫn đến hiện tượng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

- Giá trị thương hiệu nông sản của Việt Nam thấp, nên khó gia nhập chuỗi giá trị thương mại toàn cầu (80% nông sản Việt Nam xuất khẩu mang thương hiệu nước ngoài). Thị trường xuất khẩu cũng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ mà nông sản Việt Nam xuất khẩu tới, thì 75% trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 4% xuất khẩu sang Mỹ). Về lâu dài, xuất khẩu là động lực của phát triển nông nghiệp, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu khiến nông sản Việt Nam luôn đối mặt với rủi ro khi chính sách nhập khẩu của nước đó thay đổi theo hướng bảo hộ sản xuất trong nước.


Triển khai BHNN ở Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, nổi lên những vấn đề sau:
(1) Đặc thù nền nông nghiệp sản xuất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ thì khả năng tham gia bảo hiểm nông nghiệp càng hạn chế; kể cả trong trường hợp có bảo hiểm nông nghiệp thì chi phí bảo hiểm lớn là một gánh nặng cho người tham gia bảo hiểm.
(2) Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nên hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân không được nhiều.
(3) Chính sách BHNN chậm được ban hành, chậm được hướng dẫn thực thi, triển khai không kịp thời.
(4) Các doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà, tích cực tham gia thị trường BHNN vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
(5) Sự phối hợp triển khai chính sách từ Trung ương tới địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ.
(6) Đặc biệt là chưa có sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân trong cả nước (tiếp cận theo hướng xác định vai trò thì chưa được đúng mức).

 
Bảo hiểm nông nghiệp ở một số nước trên thế giới

Bảo hiểm nông nghiệp ở Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Tam Nông là vấn đề được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Trong quá trình gia nhập và thực hiện các cam kết WTO, các tác động tích cực của bảo hiểm nông nghiệp đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trở nên hiện hữu. Chính sách “Tam Nông” ra đời năm 2004 nhằm từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho nông dân ở các vùng nông thôn. Trong số các biện pháp được thực hiện thì bảo hiểm nông nghiệp được xem là một công cụ tài chính quan trọng trong việc ổn định thu nhập của nông dân và cải thiện khả năng phục hồi sản xuất của hộ sau khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Từ năm 2004, Trung Quốc tái thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở 9/23 tỉnh và thành phố và bước đầu đã có những tác động tích cực, thu từ phí bảo hiểm đã tăng đáng kể và tỷ lệ lỗ đã giảm xuống mạnh. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, ngoài việc ban hành các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Nhà nước và chính quyền địa phương đã hỗ trợ một mức phí đóng bảo hiểm nhất định cho nông dân để họ có thể mua bảo hiểm cho những cây trồng, vật nuôi của mình. Tỷ lệ hỗ trợ thông thường là: Nhà nước hỗ trợ khoảng 35% phí bảo hiểm cho nông dân, chính quyền cấp tỉnh trợ cấp 25%, còn chính quyền cấp huyện trợ cấp không dưới 10% mức phí bảo hiểm cho nông dân. Như vậy hộ nông dân chỉ phải trả khoảng 10-30% mức phí bảo hiểm.
 
Từ năm 2007 đến nay, Nhà nước Trung Quốc đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và trợ cấp phí bảo hiểm cho nông dân, coi bảo hiểm nông nghiệp là một phần của chương trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy thị trường bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng.
 
Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn 16 tỉnh để cung cấp bảo hiểm cho cây trồng. Bảo hiểm cho lợn nái và bò sữa được bảo hiểm trên phạm vi toàn quốc. Năm 2010 tổng trợ cấp tối đa khoảng 55% cho lâm nghiệp, 80% cho lợn nái sinh sản, từ 60%- 65% bảo hiểm cho hầu hết các sản phẩm cây trồng và vật nuôi. Trong một số trường hợp, chi phí cho giám định bảo hiểm thiệt hại vật nuôi có thể do chính quyền cấp tỉnh chi trả. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ tài chính cho việc thiết lập mới các công ty bảo hiểm nông nghiệp cấp tỉnh và các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp được miễn thuế. Tái bảo hiểm công cộng (trợ cấp hoàn toàn) được cung cấp bởi công ty tái bảo hiểm bổ sung của Trung Quốc chỉ cho các loại cây trồng hay vật nuôi cụ thể, hoặc từ Chính quyền các tỉnh hoặc từ thị trường tái bảo hiểm quốc tế.
 
Bảo hiểm ở Trung Quốc là tự nguyện. Năm 2007 tỷ lệ thâm nhập thị trường là 10% trên tổng diện tích cây trồng và 80% cho lợn nái. Tỷ lệ tổn thất trung bình giai đoạn 2003-2009 là 55%. Từ năm 2007 đến nay, trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của chính phủ Trung Quốc lên tới 30 tỷ NDT (khoảng 4,8 tỷ USD).
 
Mặc dù thị trường bảo hiểm nông nghiệp của Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước và trợ cấp phí bảo hiểm cho nông dân, tuy nhiên trong quá trình triển khai dịch vụ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi ở Trung Quốc, thị trường bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với một số vấn đề như khó khăn trong cân đối nguồn tài chính hỗ trợ mua bảo hiểm cho nông dân: Trong thực tế số tiền mà nông dân bỏ ra để mua bảo hiểm nông nghiệp chỉ bằng từ 10-30% tổng phí mua bảo hiểm nông nghiệp, còn lại số tiền trợ cấp chiếm từ 70-90%. Chính quyền cấp tỉnh của nhiều địa phương cũng đã và đang gặp phải khó khăn trong việc cân đối ngân sách để hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp.  


(2) Bảo hiểm nông nghiệp của Mỹ
* Thực hiện bảo hiểm đa hoạ
Chính phủ hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp bằng nhiều cách: Cung cấp các khoản trợ cấp bảo hiểm (cho cây trồng một tỷ lệ phí khoảng từ 48% đến 67%, tỷ lệ bảo hiểm vật nuôi khoảng 13%). Chính phủ cung cấp miễn phí hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản cho toàn bộ diện tích cây trồng. Mức bồi thường của hợp đồng cơ bản này là phần tổn thất vượt quá 50% năng suất bình quân của 4 năm trước năm bị tổn thất và tỷ lệ bồi thường chỉ bằng 60% giá trị thị trường dự tính. Ngoài việc hưởng miễn phí theo hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản nói trên, nông dân có thể mua thêm mức trách nhiệm cao, với mức phí có trợ cấp 38% từ Chính phủ. Tổng cộng (cả phần bảo hiểm miễn phí lẫn phần trợ cấp mua bảo hiểm ở mức trách nhiệm cao hơn) mức hỗ trợ phí bảo hiểm của Chính phủ cho cây trồng trên toàn liên bang lên tới 67%. Ngoài khoản này, Chính phủ Mỹ còn hỗ trợ các khoản sau: Hỗ trợ chi phí quản lý cho các công ty bảo hiểm tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp liên bang – tương đương 22% tổng phí bảo hiểm; chính phủ nhận tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm và chương trình tái bảo hiểm này tiêu tốn khoản ngân sách tương đương khoảng 14% tổng phí bảo hiểm. Theo quy định của Luật pháp Mỹ, Chương trình bảo hiểm nông nghiệp liên bang được phép có tỷ lệ tổn thất không vượt quá 7,5% - tức là chính phủ sẵn sàng hỗ trợ thêm tương đương với 7,5% tổng mức phí bảo hiểm. Tỷ lệ hỗ trợ của Mỹ cho bảo hiểm nông nghiệp ngày càng tăng và hiện nay trung bình nhà nước chịu 70% còn người dân chỉ chịu mức khoảng 30% tổng chi phí của Chương trình bảo hiểm.
 
Bảo hiểm nông nghiệp ở Mỹ được áp dụng cho nhiều lọai cây trồng, nhưng chỉ riêng 4 loại cây chính là ngô, đậu tương, lúa mỳ và bông đã chiếm tới 79% trong tổng số 5 tỷ USD phí bảo hiểm hàng năm. Chương trình này phủ khoảng 72% diện tích cây nông nghiệp, trong đó 73% phí thu được từ bảo hiểm năng suất và 25% từ bảo hiểm doanh thu. Bảo hiểm chăn nuôi bảo hiểm cho động vật chết do tai nạn hoặc bệnh dịch, cũng bảo hiểm cho cả nuôi trồng thủy hải sản như con nghêu, bảo hiểm lâm nghiệp và nhà kính,..
 
Đa dạng hoá dịch vụ bảo hiểm
Từ 2008, có 17 công ty bảo hiểm tư nhân bán các bảo hiểm nông nghiệp, trong đó 7 công ty chỉ chuyên bảo hiểm cây trồng, một công ty chuyên bảo hiểm vật nuôi và 9 công ty bán cả hai loại hình bảo hiểm cây trồng và vật nuôi.
 
Chính phủ Mỹ có một cơ quan riêng biệt đứng ra bảo hiểm cho những khu vực có tính rủi ro cao. Việc thiết kế sản phẩm cũng theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Doanh nghiệp bảo hiểm tham gia xây dựng sản phẩm và sau đó là người phân phối trực tiếp sản phẩm này. Để tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh và xé nhỏ thị trường, Mỹ đã thiết kế một sản phẩm chung dành để các doanh nghiệp cung ứng cho người nông dân. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm không phải cạnh tranh về giá thành cũng như cạnh tranh về nhiều yếu tố khác. Với doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài một số hỗ trợ phụ khác, Chính phủ Mỹ cũng có chính sách hỗ trợ chi phí vận hành đối với việc triển khai sản phẩm bảo hiểm này.

Nhờ đó, tại Mỹ có tới 85% nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp. Có rất nhiều yếu tố tạo nên tỷ lệ rất cao này. Thứ nhất là kể đến sự hỗ trợ của Chính phủ (hàng năm Mỹ tài trợ 5 tỷ USD phí bảo hiểm cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp); thứ 2 là nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm rất cao. Điều đáng nói hơn cả là nước Mỹ có một chương trình bảo hiểm đặc biệt mà ở đó, người nông dân có thể được bồi thường với giá thành sản phẩm cao hơn trong trường hợp giá nông sản tăng vào cuối vụ mùa. Tại Mỹ, giá ngô và giá đậu nành thường tăng cao khi có hạn hán xảy ra. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ở nước này khá hoàn hảo, tính đến cả yếu tố sản lượng lẫn giá thành. Tuy nhiên, đổi lại người nông dân cũng phải cam kết rằng, nếu họ không tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia thì cũng không được tham gia vào bất kỳ chương trình phòng chống thiên tại có tính thương mại nào khác.
 

(3) Bảo hiểm nông nghiệp ở Nhật:
Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoảng 50% trợ cấp phí bảo hiểm. Ngoài ra, Tokyo đóng vai trò là nhà tái bảo hiểm cuối cùng cho toàn bộ chương trình Bảo hiểm nông nghiệp. Theo ước tính từ Cục Cải thiện quản lý của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, trong giai đoạn từ 2015-2020, chính phủ Nhật Bản đã chi trung bình 2,64 tỷ USD/năm để trợ cấp 50% chi phí phí cứu trợ lẫn nhau trong nông nghiệp. Các loại BHNN ở Nhật Bản được phân loại thành các chương trình quốc gia và không bắt buộc. Các đặc điểm chính của BHNN ở Nhật Bản có thể được tóm tắt trong năm điểm chính. Thứ nhất, Chính phủ tái bảo hiểm cho các dự án của chương trình ngoại trừ bảo hiểm nhà ở cho người nông dân. Thứ hai, việc thực hiện các dự án là bắt buộc đối với các hiệp hội sản xuất gạo, lúa mì, lúa mạch, chăn nuôi. Thứ ba, bảo hiểm lúa, lúa mì và lúa mạch là bắt buộc. Thứ tư, chính phủ trả một phần phí bảo hiểm mà người nông dân bỏ ra. Thứ năm, chính phủ chịu một phần chi phí hoạt động của các tổ chức, công ty BHNN.
 
- Nhật Bản là nước duy nhất thành công trong việc phát triển chương trình Bảo hiểm nông nghiệp rộng khắp trên quy mô toàn quốc, với số lượng nông dân tham gia bảo hiểm lớn  nhất thế giới. Đó là nhờ mô hình tổ chức và hỗ trợ tài chính mạnh từ chính phủ.

- Nhờ tổ chức chặt chẽ như trên nên Nhật là nước hiếm hoi có được tổng phí bảo hiểm vừa đủ để bồi thường. Tuy nhiên để có được kết quả này, chính phủ cũng phải hỗ trợ rất nhiều: Hỗ trợ về phí bảo hiểm: tăng dần từ 15% trong những năm 80 lên 50% những năm gần đây. Hỗ trợ chi phí quản lí: phần hỗ trợ này lên tới gấp 3.75 lần tổng phí bảo hiểm thu được, một tỷ lệ lớn nhất trong các nước được WB nghiên cứu. Kết quả là tổng chi phí cho chương trình Bảo hiểm nông nghiệp rất cao với (A+I)/P=4.56 gần gấp đôi so với Mỹ (2.42) trước đây.


(4) Bảo hiểm nông nghiệp ở Tây Ban Nha: Chính phủ có chương trình bảo hiểm quốc gia, thực hiện bởi Agroseguro - tập hợp các công ty bảo hiểm tư nhân hoạt động trong lĩnh vực Bảo hiểm nông nghiệp theo cơ chế chia sẻ rủi ro của bảo hiểm tương hỗ, dưới sự bảo trợ của nhà nước. Bảo hiểm sẽ bao trùm mọi hiểm hoạ cho cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Nhà nước chịu 41%, nông dân chịu 59%. Chính quyền Madrid khuyến khích BHNN bằng cách không cứu trợ người nông dân khi tổn thất xảy ra do các rủi ro nằm trong chương trình bảo hiểm. Đối với tổn thất do các loại rủi ro không có trong chương trình bảo hiểm gây ra, có thể người nông dân sẽ được xem xét hỗ trợ, tuy nhiên, chỉ hỗ trợ khi họ đã mua bảo hiểm cho các rủi ro đã có trong chương trình bảo hiểm.


Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kết quả thí điểm của Việt Nam và một số vấn đề liên quan đến phát triển bảo hiểm nông nghiệp của các nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học, phù hợp với những đặc điểm của Việt Nam. Đó là:
 
Thứ nhất, cần thiết lập các môi trường pháp lý rõ ràng cho bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo thực thi các hợp đồng bảo hiểm mà cả người mua và người bán đều có thể tự tin là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp. Chỉ khi có được một môi trường pháp lý rõ ràng thì cả công ty bảo hiểm và người nông dân mới có thể yên tâm khi cung cấp cũng như tham gia bảo hiểm. Luật pháp và các quy định liên quan cũng cần phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, có như vậy thì mới cải thiện được cơ hội để các công ty bảo hiểm nông nghiệp trong nước tiếp cận thị trường quốc tế nhằm thực hiện tái bảo hiểm cũng như để chuyển rủi ro.
 
Hiện nay, ở Việt Nam, các quy định còn chưa đầy đủ, thậm chí chưa phù hợp để phát triển và sử dụng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Một trong những việc cần làm để chuẩn bị cho một môi trường pháp lý và các quy định điều chỉnh bảo hiểm nông nghiệp đó là xây dựng năng lực con người và hỗ trợ kỹ thuật.
 
Thứ hai, cần xây dựng hệ thống hạ tầng và hệ thống dữ liệu. Bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, đặc biệt là đối với bảo hiểm chỉ số thời tiết. Cần phải thu thập, duy trì và lưu trữ dữ liệu và cung cấp dữ liệu kịp thời liên quan đến các sự kiện được bảo hiểm. Những dữ liệu này nên được đặt trong phạm vi công cộng và vì chúng có nhiều mục đích sử dụng, được cung cấp cho tất cả mọi người, kể cả những người có lợi ích thương mại muốn phát triển các sản phẩm bảo hiểm thời tiết sáng tạo hoặc dự báo thời tiết theo mùa.
 
Thứ ba, cần tăng cường cung cấp thông tin cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người nông dân về bảo hiểm nông nghiệp. Thực tế cho thấy, ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, một trong những nguyên nhân của việc bảo hiểm nông nghiệp kém phát triển là do người nông dân chưa hiểu biết đầy đủ về đặc điểm, tính ưu việt của bảo hiểm nông nghiệp cũng như tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp. 
 
Mặc dù các công ty bảo hiểm tư nhân cũng sẽ dành các khoản đầu tư vào tiếp thị sản phẩm của họ, nhưng chắc chắn rằng họ không có khả năng đầu tư ở mức tối ưu xã hội trong việc tuyên truyền cho nông dân nói chung về vai trò thích hợp của bảo hiểm. Bên cạnh đó, các thông tin của công ty bảo hiểm sẽ bị định kiến là không khách quan, cơ bản vì lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm.
 
Thứ tư, cần có vai trò Hội Nông dân Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện của nông dân, đảo bảo sự tin cậy, dẫn dắt để nông dân yên tâm tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.
 
Thứ năm, cần thiết lập mô hình bảo hiểm nông nghiệp sao cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Ngoài mô hình bảo hiểm chuyên nghiệp (kinh doanh theo luật bảo hiểm, các luật trong lĩnh vực kinh tế); mô hình bảo hiểm có sự hỗ trợ của nhà nước; cần thí điểm mô hình bảo hiểm tương hỗ, bảo hiểm cộng đồng...

(còn nữa)

Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội NDVN
Nguồn: Cổng ĐT HND
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường