Hội nghị giao ban trực tuyến Cụm thi đua số 2:
Cần đẩy mạnh và đổi mới phương thức trong các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân
10:25 - 16/12/2021
 Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN), Trưởng Ban chỉ đạo Cụm thi đua số 2 tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số 2 diễn ra vào sáng nay (15/12), tại Hà Nội.
 
Quang cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến Cụm thi đua số 2


Cùng tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội NDVN; đồng thời, kết nối trực tuyến từ các điểm cầu có lãnh đạo Hội ND của 11 tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua số 2, gồm các tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, thành phố Hà Nội.

 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực cùng những kết quả đạt được rất ấn tượng của Hội ND 11 tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua số 2 trong thời gian qua. Có thể thấy, tuy năm 2021 với rất nhiều khó khăn và bối cảnh phức tạp, tuy nhiên các tỉnh, thành phố trong Cụm đã chủ động, tích cực, có nhiều sáng tạo linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện tốt việc triển khai các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Các đơn vị trong Cụm đã cơ bản thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ; nhất là chỉ tiêu phát triển hội viên tăng lên rất mạnh.

 
Đặc biệt, các cấp Hội đã chủ động đẩy mạnh hoạt động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Nhiều mô hình mới có tính đột phá, mang lại những hiệu quả thiết thực đã được các cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao, tiêu biểu như: Kết nối, thành lập các Tổ tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân; xây dựng mô hình các Tổ nông vụ kịp thời hỗ trợ bà con nông dân trong vùng bị cách li do dịch bệnh… Nhiều Hội ND tỉnh đã đạt và vượt xa các chỉ tiêu được giao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 
Bên cạnh những thành tích đạt được, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng yêu cầu đại diện lãnh đạo Hội ND 11 tỉnh, thành phố sẽ tập trung thảo luận 4 vấn đề trọng tâm sau: Phản ánh về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh các tỉnh, thành phố có những làn sóng di cư rất lớn của lực lượng lao động từ các khu, cụm công nghiệp trở về nông thôn do tác động của đại dịch- đây là khó khăn rất khác biệt so với mọi năm; nêu những điểm nổi bật, sáng tạo vừa gắn với triển khai công tác Hội vừa phòng chống dịch hiệu quả (có cả việc chống dịch tại chỗ và phối hợp hỗ trợ các tỉnh bạn); bàn về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022- cũng là năm bản lề chuẩn bị cho Đại hội Hội ND các cấp; những kiến nghị, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN, với Đảng, Nhà nước...

 
“Sắp tới đây, vào tháng 5/2022, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tổ chức Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc; tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đề nghị lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố nêu những kiến nghị, đề xuất sát thực để Trung ương Hội tổng hợp, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, chuẩn bị việc ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 26 nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thích ứng trong tình hình mới”- Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị


Dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, lãnh đạo Hội ND 11 tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số 2 đã báo cáo ngắn gọn về những kết quả nổi bật đạt được trong năm 2021; tình hình sản xuất nông nghiệp; đời sống của hội viên, nông dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19; đề xuất giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 đạt hiệu quả.

 
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021, Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam, Tạ Văn Đạt cho biết: Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có 152 cán bộ Hội tham gia Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở cấp huyện và xã; 3.184 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia mô hình Tổ Covid-19 cộng đồng.

 
Đáng chú ý, từ thời điểm 30/4, ngay khi trên địa bàn tỉnh bắt đầu có ca mắc Covid-19, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội, đặc biệt là địa bàn huyện Lý Nhân triển khai xây dựng ngay mô hình các Tổ đi thu hoạch lúa, Tổ cung cấp nhu yếu phẩm trợ giúp kịp thời cho các hộ dân ở khu vực bị cách ly. Mô hình cho thấy có hiệu ứng tốt và đã tiếp tục được lan tỏa sang thành phố Phủ Lý, phát triển thành các Tổ đi chợ hộ, Tổ đưa bệnh nhân đi khám chữa bệnh.

 
Trong năm 2021, Hội ND tỉnh đã xây dựng mô hình liên kết 4 nhà gồm: Nhà khoa học, Nhà quản lý (Hội ND), nhà doanh nghiệp, nhà nông tại huyện Bình Lục để triển khai mô hình cấy lúa hàng hoá theo công nghệ sinh học, nuôi tôm và ốc nhồi để xuất khẩu. Mô hình tôm- lúa này đang cho thấy tính hiệu quả và giá trị rất cao, vụ chiêm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích. Riêng mô hình trồng lúa ST25 cho sản lượng 80 kg/sào.

 
Kết quả, đã tiến hành cải tạo hơn 16 ha ao nuôi thực hiện mô hình cá sông trong ao cho hiệu quả thấp để chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Đánh giá bước đầu cho thấy đã tạo ra giá trị cao, người nuôi tôm sau khi trừ hết chi phí đầu tư còn đạt trên 60% giá trị lợi nhuận. Sản phẩm làm ra đều được doanh nghiệp bao tiêu hết để xuất khẩu sang Trung Quốc và Lào. Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp là rất lớn nên Hội ND tỉnh đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong tỉnh.

 
Từ điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch Hội ND thành phố Phạm Hải Hoa cho biết: Năm 2021, việc triển khai công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn gặp nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên Hội ND thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, tiếp tục vận động hội viên, nông dân nhanh chóng phục hồi sản xuất, tăng kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản… Nhờ đó, đã hoàn thành 10/11 chỉ tiêu thi đua, có nhiều chỉ tiêu vượt mức được giao.

 
Trong năm, Hội ND thành phố tập trung tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; hoàn thành nhiệm vụ kêu gọi 99,6% hội viên, nông dân tham gia đi bầu cử. Kết quả, thành phố đã có trên 1.300 đại biểu nông dân trúng cử vào HĐND các cấp.

 
Bên cạnh đó, tích cực hưởng ứng, triển khai chương trình “Nghĩa tình nông dân Thủ đô” và các Chương trình do Trung ương Hội phát động, Hội ND thành phố kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho nông dân ở các tỉnh bạn. Cụ thể: Hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh 06 tấn gạo; tỉnh Bắc Giang 25 triệu đồng và 01 tấn gạo; quyên góp hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai (mỗi tỉnh 50 triệu đồng); hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 160 triệu đồng; tỉnh Hà Tĩnh 70 triệu đồng; tỉnh Quảng Bình 70 triệu đồng... Ngoài ra, đóng góp ủng hộ 10,9 tỷ đồng vào Quỹ vacinne phòng chống Covid-19; vận động, hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm, thực phẩm, tặng quà hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, hội viên, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các khu cách ly, với giá trị bằng tiền đạt gần 13 tỷ đồng…

 
Hội ND thành phố đã thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể; phát động phong trào và tổ chức biểu dương, tôn vinh các gương nông dân điển hình tiên tiến. Hiện, thành phố có 192.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; tăng cường việc hướng dẫn hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, đã kết hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức các điểm tiêu thụ nông sản và bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử đạt kết quả cao...

 
Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình, Trần Tiến Sỹ chia sẻ: Năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu thi đua do Hội trực tiếp thực hiện đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như: Công tác phát triển hội viên (đạt 113,3%); xây dựng Quỹ HTND (đạt 237,7%); số hộ nông dân đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi các cấp” đạt 104%... Đến nay, 100% Hội cấp huyện và trên 50% cơ sở Hội đã được duyệt cấp ngân sách hàng năm để xây dựng và bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND. Năm 2021, cấp tỉnh được 6 tỷ đồng/năm; cấp huyện 100- 200 triệu đồng/năm; cơ sở 2- 7 triệu đồng/năm.

 
Cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đã tham gia vào 1.710 Tổ Covid-19 cộng đồng; ủng hộ 6,9 tỷ đồng cho Quỹ vacxin phòng chống Covid-19; ủng hộ gần 3,8 tỷ đồng cho các chốt kiểm soát, bếp ăn trong khu cách ly và nhiều nhu yếu phẩm hỗ trợ các hộ khó khăn; ủng hộ tiền, lương thực, thực phẩm hỗ trợ nhân dân miền Nam với số tiền gần 13 tỷ đồng. Ngoài ra, vận động hỗ trợ tiêu thụ 30 tấn cam sành của Hà Giang; 42 tấn vải thiều cho tỉnh Bắc Giang; vận động thành lập 56 tổ hỗ trợ, 42 điểm tiêu thụ, 6 gian hàng tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân với số lượng tiêu thụ được gần 750 tấn các loại.

 
Hội ND tỉnh đã tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng 68 mô hình về liên kết sản xuất, phát triển kinh tế với số tiền 3.650 triệu đồng; quyên góp, ủng hộ trị giá 1.265 triệu đồng (bằng tiền mặt và vật tư, cây, con giống) cùng 10.160 ngày công để giúp đỡ các hộ hội viên, nông dân thoát nghèo... Phối hợp xây dựng 18 mô hình điển hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; vận động xây dựng được 02 Hợp tác xã, 25 tổ hợp xã với 145 hội viên, nông dân tham gia (đạt 138% chỉ tiêu giao); tổ chức 75 lớp tập huấn KHKT cho 2.500 lượt hội viên.

 
Năm 2021, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trong tỉnh tăng 3 tỷ đồng so với năm 2020, triển khai xây dựng 357 dự án với 705 hộ vay. Ngoài ra, phối hợp với các Ngân hàng (ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, ngân hàng CSXH; ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt) triển khai có hiệu quả chương trình ủy thác cho 24.815 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn với tổng dư nợ đạt 2.048 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hoá, Cầm Bá Xuân cũng tâm tư khi năm 2021 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh

 
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hoá, Cầm Bá Xuân cũng tâm tư khi năm 2021 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh, cùng với những khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19, tại nhiều địa phương còn xuất hiện và bùng phát bệnh viêm da nổi cục trên gia súc, dịch bệnh trên cây trồng... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì mức khá thuận lợi, nông sản được mùa; ước tính tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt 1,61 triệu tấn. Các cấp Hội tập trung xây dựng nhiều mô hình kinh tế, hướng dẫn thành lập 209 tổ hợp tác, Hợp tác xã; hỗ trợ đào tạo cho hội viên, nông dân; triển khai việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm…

 
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã kịp thời hỗ trợ bằng việc phối hợp xây dựng 189 cửa hàng thực phẩm an toàn, qua đó vừa quảng bá và tiêu thụ hàng chục tấn nông sản cho hội viên, nông dân cả trong và ngoài tỉnh. Tổ chức vận động quyên góp, ủng hộ được hơn 9 tỷ đồng bằng các loại hàng hoá thiết yếu hỗ trợ cho các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 
Đáng chú ý, Hội ND tỉnh đã thành lập 2 chi Hội nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân- công nhân có sự gắn kết, hiểu nhau hơn. Đồng thời, Hội ND tỉnh xây dựng 649 Tổ tự quản bảo vệ môi trường; tiến hành lắp đặt 607 máy lọc nước cho các cấp Hội. Đổi mới và nâng cao hoạt động Quỹ HTND, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với 2 ngân hàng trong việc tham gia tín chấp và nhận uỷ thác với tổng dư nợ trên 12,649 tỷ đồng.

 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đề nghị Hội ND 11 tỉnh, thành phố trong Cụm tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm có được trong năm 2021. Sang năm 2022, cần tập trung cho những nhiệm vụ sau: Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phải coi đó là kim chỉ nam cho các hoạt động của tổ chức Hội;

 
Hai là, tập trung cho công tác chuẩn bị Đại hội Hội ND các cấp;

 
Ba là, tập trung triển khai quyết liệt những nhiệm vụ nền tảng, chính là Chương trình phối hợp với các Bộ, ban, ngành để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao khoa học kĩ thuật cho hội viên, nông dân (cụ thể hoá các chương trình phối hợp với Ủy ban Dân tộc, với Bộ Tài nguyên & Môi trường, với Bộ Nông nghiệp & PTNT, với Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội; với Chính phủ về vấn đề an toàn thực phẩm…);

 
Bốn là, đưa phong trào sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp tham gia tốt vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới- đòi hỏi vai trò tham gia tích cực của Hội ND các tỉnh, thành phố;

 
Năm là, tập trung kiến nghị, đề xuất để Trung ương nghiên cứu và sớm ban hành Nghị quyết mới về vấn đề tam nông thích ứng trong điều kiện mới;

 
Sáu là, tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ hội viên, nông dân thông qua các nguồn vốn từ Quỹ HTND, ngân hàng CSXH, ngân hàng Nông nghiệp & PTNT; tăng cường sự phối hợp, kết nối với các ngân hàng thương mại khác (ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt) để hỗ trợ nông dân về nguồn vốn vay.

 
“Để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó, yêu cầu Hội ND các tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua số 2 tiếp tục đổi mới phương thức tập hợp hội viên, nông dân; đẩy mạnh việc thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp; thực hiện các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ tư vấn cho hội viên, nông dân. Cần thay đổi cách làm để phục vụ nông dân, đặc biệt là tập trung đổi mới công tác tuyên truyền sao cho hiệu quả, thiết thực”- Chủ tịch Lương Quốc Đoàn chỉ đạo.

Nguồn: Cổng ĐT HND
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường