Mường Lát là huyện duy nhất của Thanh Hóa chưa có xã đạt chuẩn NTM. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mường Lát chủ trương xây dựng từ cấp thôn bản.
Nằm cách trung tâm tỉnh lị 230 km, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình phức tạp, giao thông cách trở, quỹ đất sản xuất hạn chế khiến việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân Mường Lát hết sức khó khăn.
Ông Len Văn Quang, chủ mô hình chăn nuôi lợn “cắp nách”, lợn đen địa phương tại bản Mường, xã Quang Chiểu cho biết, hiện ông có 3 ha đất lâm nghiệp. Từ nhiều năm nay, gia đình ông chăn nuôi lợn đen địa phương, có thời điểm, đàn lợn lên đến gần 100 con. Do việc vận chuyển lợn đi bán xa nên thực tế, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông cũng chỉ lãi khoảng 40-50 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với một gia đình đồng bào dân tộc ở huyện vùng cao Mường Lát. Tuy nhiên, để tìm được một mô hình như gia đình ông Quang ở huyện Mường Lát là không nhiều.
Vừa qua, thông qua các chương trình, dự án gia đình ông được hỗ trợ 220 gốc bưởi. Nhận được hỗ trợ, gia đình ông thuê máy múc hố trồng cây nhưng ở đây tầng đất canh tác mỏng, máy múc lên toàn đá lên cây trồng sinh trưởng, phát triển rất chậm.
“Ở đây địa hình phức tạp, đất đai canh tác cằn cỗi nên khó tìm được cây trồng phù hợp. Ngoài nuôi lợn đen địa phương ra thì ở đây chưa biết nuôi được con gì hiệu quả kinh tế cao” – ông Quang cho hay.
Những năm trước, Mường Lát triển khai một số mô hình cây con như trồng xoan tập trung, cải tạo tầm vóc đàn bò… Tuy nhiên, các mô hình này đều chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Một số xã như Pù Nhi, Nhi Sơn phát triển cây đào cảnh nhưng diện tích chưa nhiều. Một số cây trồng khác như cánh kiến đỏ, cây dược liệu vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng NTM ở Mường Lát.
Với nhiều khó khăn, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, huyện vùng biên Mương Lát dù đã có nhiều đổi thay nhưng thực tế kinh tế còn hết sức khó khăn. Quá trình xây dựng NTM chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nội lực từ sức dân rất hạn chế.
Đây cũng là huyện có điểm xuất phát thấp nhất tỉnh Thanh Hóa. Năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, Mường Lát đạt bình quân gần 3 tiêu chí/xã nhưng đến nay cũng chỉ mới đạt bình quân 7,2 tiêu chí/xã.
Từ những khó khăn khách quan, đời sống người dân còn hết sức khó khăn, huyện Mường Lát chủ trương xây dựng NTM từ cấp thôn bản. Tuy nhiên, thôn bản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn bởi các tiêu chí hạ tầng giao thông, thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự cần nguồn đầu tư rất lớn trong khi nguồn nội lực hạn hẹp.
Ông Hà Văn Nghiền, trưởng bản Mường, xã Quang Chiểu cho hay, chính các tiêu chí cấp thôn bản nhiều lúc cũng không bền vững. Theo kế hoạch, cuối năm nay bản Mường sẽ đón nhận bản NTM nhưng lại vướng tiêu chí an ninh trật tự nên đành phải chờ năm sau.
Cũng theo ông Nghiền, do không có mô hình kinh tế nào thực sự nổi trội, không có mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp nên vấn đề thu nhập, cuộc sống của người dân bản Mường rất khó khăn. Hiện bản Mường đang thử nghiệm một số cây trồng như luồng, trẩu nhưng cũng chưa cho kết quả như kỳ vọng.
Theo thống kê, toàn huyện Mường Lát hiện chỉ có 10/77 thôn bản đạt chuẩn NTM. Về điều này, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay, mục tiêu của NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nếu không đạt được mục tiêu này thì mọi danh hiệu cũng chỉ là chiếc vỏ bọc.
“Mường Lát có điểm xuất phát thấp, có nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy không thể nóng vội để công nhận thôn, bản, xã NTM. Chúng tôi cố gắng xây dựng từng bước, vững từ nền móng để khi được công nhận NTM sẽ thực sự thay da đổi thịt. Mục tiêu của Mường Lát là đến năm 2024 có 1 xã đạt chuẩn NTM. Mục tiêu hết sức khiêm tốn nhưng phù hợp với thực tế hiện nay của địa phương” – ông Bình cho hay.