Cà Mau: Nuôi loài thú ưa ngủ ngày, chỉ ăn thứ rẻ tiền, con non nuôi 2 tháng bán 7 triệu/cặp
08:51 - 17/11/2021
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương sinh sản và nuôi chồn hương thương phẩm đã phát triển tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Riêng tại TP Cà Mau, mô hình nuôi chồn hương tại xã Hòa Thành ngày càng được nhân rộng, hứa hẹn nhiều triển vọng.
Mô hình nuôi chồn hương của hộ anh Nguyễn Văn Định, xã Hòa Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).


Ông Lê Văn Tài, chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Thành (TP Cà Mau), cán bộ rất tâm đắc và có nhiều kinh nghiệm nuôi chồn hương chia sẻ: Từ 1 vài hộ nuôi ban đầu với rất ít cá thể chồn nhưng hiện nay toàn xã Hòa Thành đã có hơn 10 hộ nuôi với hơn 100 cá thể chồn hương. 

Để mô hình nuôi chồn hương nhân rộng, tháng 5/2021, Hội nông dân xã Hòa Thành đã thành lập tổ Hội nghề nghiệp nuôi chồn hương với 5 thành viên tham gia. 

So với các loại hình kinh tế khác thì mô hình nuôi chồn hương có nhiều ưu điểm, thích hợp cho nông dân có diện tích đất ít.

Là thành viên thuộc tổ Hội nghề nghiệp nuôi chồn hương của xã Hòa Thành, anh Nguyễn Văn Định, ấp Tân Trung hiện đang chăm sóc 5 cá thể chồn hương. Cá thể chồn hương của anh Định có trọng lượng đạt  từ 2-2,5 kg/con.

Anh Nguyễn Văn Định chia sẻ:  “Nhận thấy mô hình nuôi chồn hương của nhiều nông dân ở địa phương mang lại lợi nhuận, được Hội nông dân xã vận động nên tôi tham gia tổ hội nghề nghiệp nuôi chồn hương. Nuôi chồn hương không quá khó, con giống mua về cần được nuôi nhốt từng ô riêng như nuôi trăn...".

Theo anh Định, hàng ngày cho chồn ăn 3 lần, nhưng chồn có đặc tính sống hoang dã thích ăn vào ban đêm. Vệ sinh chuồng nuôi chồn hàng ngày, theo dõi sức ăn của chồn để bổ sung thêm một số men  vi sinh có lợi cho đường ruộtđể bảo vệ chồn không bị viêm, bị bệnh về đường tiêu hóa...

Anh Nguyễn Văn Định cho biết thêm: Chồn hương thích ăn chuối sim chín cây lột sạch vỏ ( tươi ngon) và cá rô phi. Hai loại thức ăn này khá rẻ tiền, an toàn thực phẩm và đảm dinh dưỡng cho chồn phát triển, cá rô phi thì đuổi lưới bắt trong vuông, chuối sim mua chợ đầu mối phường 7. 

Bình quân mỗi ngày, một cá thể chồn hương sẽ tiêu thụ 300 gam thức ăn các loại. Nếu so với heo thì chồn hương ăn rất ít, chi phí hàng ngày tốn từ 3.000 -5.000 đồng thức ăn cho một cá thể chồn.

Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi từ nhiều nông dân trong vùng, ông Trần Văn Nhờ, thành viên tổ hội nghề nghiệp nuôi chồn hương xã Hòa Thành quyết định đầu tư 14 triệu đồng để mua 4 cá thể chồn hương về nuôi trong 4 ô phù hợp với lối sống và khả năng sinh sản của chồn hương. 

Mỗi ô chuồng chỉ dành cho một con ngủ, có không gian vận động, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp.

Theo ông Trần Văn Nhờ, nuôi chồn hương cần phải có cá thể chồn đực và cái. Chồn nuôi 12 tháng là xuất bán chồn thương phẩm hoặc cho phối giống sinh sản. 

Một con chồn mẹ mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa chồn mẹ đẻ 3 - 4 con. Chồn giống nuôi 2 tháng có giá từ 7 triệu đồng/cặp trở lên (cặp cần một cá thể đực và một cá thể cái). Chồn thịt có giá từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/kg.

Chồn hương vốn là động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Chồn hương dễ nuôi, không mất nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn đơn giản, mà hiệu quả kinh tế lại cao. 

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt chồn hương trên thị trường khá cao nên không lo đầu ra. Người nuôi chồn hương sẽ bán chồn giống cho người dân trong vùng, các điểm cung cấp chồn giống trước đó hoặc các nhà hàng, quán ăn.

Nhiều hộ nuôi chồn hương sau khi trừ chi phí lãi vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm…Tuy nhiên, về lâu dài nông dân xã cần được tập huấn khoa học kỹ thuật hỗ trợ vốn để phát triển mô hình nuôi chồn hương theo hướng bền vững, an toàn, ông Lê Văn Tài, chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), thông tin.

 
 
Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường